Thứ Bảy, tháng 12 06, 2008

10 viên gạch xây nên bức tường chiến lược

Thông thường, những người chịu trách nhiệm soạn thảo chiến lược cho công ty luôn cho rằng công tác hoạch định chiến lược là một quá trình phức tạp. Thật ra, đó là do họ đã không nắm bắt được sự đơn giản và rõ ràng của các khái niệm về chiến lược, cũng như không biết chính xác đâu là những nhân tố chính để đạt được thành công. Michael Porter, nhà hoạch định chiến lược có uy tín nhất trên thế giới, đã đi nhiều nơi để thuyết trình về vấn đề này. Chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt nội dung bài viết 10 yếu tố cơ bản, rõ ràng và dễ hiểu nhất của Michael Porter về các “vật liệu” cần thiết để xây dựng chiến lược.

1. Đừng cố giành vị trí thứ nhất mà hãy tỏ ra độc đáo

Sai lầm chính và cũng là sai lầm tệ hại nhất thường gặp trong việc hoạch định chiến lược là đương đầu trực diện với đối thủ cạnh tranh.
Mục tiêu của bạn không phải là trở thành công ty đứng đầu, mà hãy cố gắng để giành vị trí thứ 2. Hãy tìm ra những giá trị độc đáo, hiếm có và tìm những cách tiếp thị gây ấn tượng.

2. Mục tiêu hàng đầu của bạn phải là hoàn vốn nhanh

Mục tiêu chính yếu của công ty là tỷ suất lợi nhuận của tổng số vốn đầu tư (ROIC); sức tăng trưởng của công ty chỉ là mục tiêu thứ hai, và chỉ cần tập trung toàn lực đạt được mục tiêu này sau khi đã đạt được mục tiêu chính yếu.
Tập trung vào các mục tiêu như tăng thị phần, tăng mức lợi nhuận, nâng lượng hàng bán ra… sẽ tạo ra những mạo hiểm nghiêm trọng từ bên trong đối với chiến lược của công ty.

3. Nền công nghiệp- cơ sở của phân tích chiến lược

Hiệu quả kinh tế của một công ty bao gồm 2 thành phần: cơ cấu nền công nghiệp (đặt ra những quy định chung cho cuộc cạnh tranh) và vị trí của công ty trong lĩnh vực của mình (nguồn gốc của những ưu thế cạnh tranh).

Chiến lược thâu tóm cả 2 thành tố đó. So sánh các chỉ số ROIC của các công ty thuộc những lĩnh vực khác nhau là việc làm vô nghĩa.

ROIC của công ty dược phẩm Pharmacia & Upjohn trong thời kỳ 1985- 2002 trung bình đạt 19,55%; trong khi ở hãng hàng không Southwest Airlines chỉ số này là 12,75% trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào toàn cảnh nền công nghiệp, ta thấy chỉ số ROIC trung bình trong công nghiệp dược là 28,14%; còn công nghiệp hàng không lại thường có chỉ số ROIC thấp- 5,05%. Vì vậy, chỉ có thể đánh giá mức độ thành công của một công ty dựa trên vị trí của công ty đó trên thị trường và các chỉ số trong lĩnh vực công ty đó hoạt động.

4. Đừng sợ, nếu buộc phải thỏa hiệp

Một phần đáng kể của việc hoạch định chiến lược là việc phải lựa chọn khi 2 quan điểm chiến lược có nhiều điểm bất đồng, có nghĩa là cần xác định những gì công ty không nên làm.

Công ty Neutrogena Soap đã thành công vang dội vào năm 1990 khi chọn cách “đoạn tuyệt” với xà phòng rửa tay thông thường và chuyển sang sản xuất xà phòng mềm dành cho da nhạy cảm . Thương hiệu này, với phần quảng cáo khiêm tốn rằng đây là loại xà phòng được các bác sỹ da liễu khuyên dùng, lập tức giành được cảm tình của đa số người tiêu dùng, mặc dù đây là loại sản phẩm chỉ dành cho đối tượng khách hàng hẹp. Tuy nhiên sau đó, khi kế hoạch chiến lược của công ty chuyển hướng sang việc phát triển hình ảnh công ty và thực hiện quảng cáo rộng khắp trên truyền hình với sự tham gia của các ngôi sao thời thượng, khách hàng, vốn rất tin lời nói của bác sỹ, lập tức nghi ngờ tính trung thực của mặt hàng này. Kết quả không thể là gì khác hơn việc mặt hàng này mất dần thị phần.

5. Chiến lược cần phải thành công ở từng mắt xích

Ưu thế cạnh tranh của công ty không thể chỉ tập trung vào một hay một vài mắt xích mà phải đạt được sự hoàn hảo trong cả tổ hợp các hoạt động của công ty.

Sự kiện công ty Zara giành được thị trường trong thời gian ngắn kỷ lục đã trở thành tấm gương sáng cho việc xây dựng chiến lược thành công đến từng phân tử. Cách làm của Zara là thay đổi liên tục những bộ sưu tập thời trang trong suốt cả năm (đến 15 lần), trong khi các nhà sản xuất quần áo khác chỉ có thể giới thiệu những mẫu mới tối đa 1 lần cho mỗi mùa. Bên cạnh đó, áo quần của Zara luôn mang khuynh hướng “siêu thời trang” với giá cả phải chăng , sản xuất tại châu Âu, cửa hàng được bố trí tại những địa điểm đông người qua lại, chỉ quảng cáo trên radio hay… khi khách hàng trở lại lần thứ hai. Chúng ta học được điều gì ở đây? Đó là không thể sao chép bất cứ mắt xích nào trong toàn bộ chiến lược của Zara bởi vì chiến lược này chỉ hoàn hảo khi nó là cả một chuỗi liên kết với nhau.

6. Chiến lược phải là bất biến

Sự bất biến của chiến lược đảm bảo cho tính ổn định của những giá trị cơ bản của công ty. Nhiều khi, chính thái độ quan tâm thái quá đến những đòi hỏi và khiếu nại của khách hàng lại trở thành mối đe dọa bên ngoài đối với tiến trình thực hiện chiến lược đã vạch ra. Có những trường hợp, việc công ty khuyên khách hàng tìm đến các đối thủ cạnh tranh sẽ tốt hơn, bởi vì chiến lược đã được công ty thông qua đôi khi buộc phải làm một số khách hàng không hài lòng để đa số những khách hàng khác có thể hài lòng ở mức độ cao hơn.

7. Chọn cho mình một hướng đi

Chọn hướng đi, hay nói cách khác là chọn lấy một phần thị trường, là khâu quan trọng nhất trong việc hoạch định chiến lược. Bạn có thể chọn bất kỳ khu vực khách hàng, sản phẩm hay cách thu mua hàng hóa hay dịch vụ nào, ngay cả trong trường hợp khu vực đó nhìn bên ngoài không có gì hấp dẫn.

Điều cần nhớ là phải biết xác định ranh giới của khu vực đã chọn, và làm sao để tất cả các mắt xích của chiến lược phải phù hợp với khu vực đó.

8. Giám đốc điều hành không phải là “người đặt hàng” chiến lược, cũng không phải là động cơ của chiến lược
Vai trò của giám đốc điều hành trong việc soạn thảo và thực hiện chiến lược có thể được tóm tắt trong một số chức năng dưới đây:

- Đặt câu hỏi làm sao để câu trả lời có thể tìm thấy trong kế hoạch chiến lược;
- Lựa chọn những người tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược;
- Trực tiếp tham gia vào giai đoạn sơ khởi của quá trình hình thành chiến lược cho mỗi bộ phận của công ty;
- Thông qua ban giám đốc về những kế hoạch chiến lược chủ yếu của công ty;
- Mời một số nhà tư vấn bên ngoài.

Chiến lược của công ty đụng chạm đến quyền lợi của mọi người, bởi vậy nó cần phải thu hút được sự quan tâm của tất cả mọi tổ chức thành viên, chứ không chỉ riêng giám đốc điều hành. Nếu nhân viên công ty (ở bất cứ cấp bậc nào) kiên quyết không chấp nhận chiến lược đã thông qua, nghĩa là người này không thể tiếp tục làm việc trong công ty.

9. Chiến lược không phải là…

- Mục tiêu;
- Sự tưởng tượng;
- Cơ cấu lại tổ chức công ty;
- Sự hợp nhất;
- Liên doanh;
- Công nghệ;
- Đổi mới;
- Nhân viên ngoài hợp đồng;
- Huấn luyện.

10. Chiến lược- đó là…

- Đề nghị độc đáo và có giá trị;
- Tổ hợp các hoạt động để tạo ra lợi nhuận khác với đối thủ cạnh tranh;
- Những thỏa hiệp rõ ràng kèm theo sự xác nhận những điều công ty không thực hiện;
- Những hoạt động gắn kết với nhau và giúp nhau nâng cao tính hiệu quả của hoạt động;
- Tính bất biến trong lập trường.

Michael Porter là giáo sư giảng dạy tạiTrường kinh doanh Harvard, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chiến lược cạnh tranh và là một trong những giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của trường đại học danh tiếng này. Với tư cách là nhà tư vấn về chiến lược cạnh tranh, ông đã thuyết trình về vấn đề này tại nhiều công ty hàng đầu của Mỹ và thế giới như AT&T, DuPont, Procter & Gamble, Royal Dutch/Shell, tư vấn công tác điều hành cho ban giám đốc Alpha-Beta Technologies, Parametric Technology Corp., R&B Falcon Corp , ThermoQuest Corp. Michael Porter đồng thời cũng là tác giả 16 cuốn sách và hơn 100 bài báo về các đề tài khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh.

(Theo BWPortal)

Gs.Michael Porter: VN phải cải cách từ thôi thúc bên trong

Trên tư cách người quan sát từ bên ngoài, Gs. Michael Porter chia sẻ góc nhìn về năng lực cạnh tranh quốc gia của VN trong so sánh với các nước trên thế giới, từ đó, khuyến nghị điều chỉnh tư duy và lựa chọn chính sách trong tương lai cho VN, mà quan trọng theo ông, là sự cải cách phải từ thôi thúc bên trong, không chỉ là phản ứng thụ động với những gì diễn ra ở bên ngoài như hiện nay.

Ảnh: Thanh Sơn


Giáo sư Michael Porter hiện là giảng viên trường ĐH Kinh doanh Harvard, là chuyên gia hàng đầu về năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện ông đang tham gia cùng với Viện cạnh tranh châu Á thực hiện một nghiên cứu tình huống về VN.

Trong 2h30 phút trao đổi, Giáo sư Porter và các lãnh đạo, và học giả VN đã cùng thảo luận:

- Các nhân tố chủ yếu định hình sức cạnh tranh của nền kinh tế Vn từ nay đến 2020.

- VN nên định vị mình như thế nào trong mạng lưới sản xuất ở ĐNA và Đông Á để khai thác tối ưu nhất lợi thế cạnh tranh của mình.

- VN cần có chiến lược gì để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp mũi nhọn nói riêng trong 10-20 năm tới.

VN phải là một Hàn Quốc khác, không phải là Philippine

Ghi nhận VN có thể là mô hình phát triển tốt cho khu vực, nhưng Gs Porter cho rằng, có nhiều điều VN đáng ra có thể làm tốt hơn, hiệu quả hơn và định vị mình ở vị trí cao hơn trong chuỗi cạnh tranh toàn cầu.

Theo Gs. Porter, VN đang là câu chuyện thành công, tăng trưởng ấn tượng trong vòng hai thập kỷ qua, đặc biệt nước có lịch sử như VN có thể thay đổi lớn như vậy trong quá trình chuyển đổi của mình. Tuy nhiên, cải cách ở VN chưa đủ cho phép VN trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

VN đạt thành công lớn nhưng khoảng cách xa với các nước trong khu vực. Làm thế nào để đuổi kịp các nước trong khu vực và vươn lên?

Giáo sư phân tích: 2 làn sóng cải cách lớn tạo sự thay đổi ở VN. Dù tăng trưởng cao nhưng chỉ số GDP/đầu người của VN vẫn còn chặng đường dài phải đi. VN vẫn còn ở phía cuối con đường, nơi dành cho nước thu nhập thấp.

Có thể con số tăng trưởng của VN vẫn tốt, nhưng cách tiếp cận của VN để đạt được kết quả tăng trưởng 10 năm qua lại khiến chuyên gia về năng lực cạnh tranh quốc tế quan ngại.

Đơn cử, VN làm rất tốt trong việc viết luật, nhưng quan trọng là thực hiện luật hiệu quả, thể chế, cơ chế mới cho phép lập kế hoạch và phương hướng thực hiện quy định mới thì VN chưa có được. VN tăng trưởng tốt nhưng chính sách lại thay đổi liên tục, không nhất quán.

Hơn nữa, tăng trưởng của VN chủ yếu dựa vào sử dụng vốn lớn, vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Liệu VN đã thu hút được đúng loại FDI cần cho phát triển kinh tế tốt hơn?

Lượng đầu tư vào ngày càng nhiều nhưng điều VN cần quan tâm không phải là số vốn thu hút được bao nhiêu mà là năng suất lao động và những kỹ năng nào VN có thể được hưởng. Liệu loại hình đầu tư nào VN cần và FDI hiện nay đã đúng trọng điểm phát triển của VN hay chưa?

Ảnh: Pace Institute.


Tương tự, lượng kiều hối đang đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của VN nhưng VN không nên coi đó là nguồn lực cơ bản và bền vững, vì thực tế, số tiền này phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế của quốc gia khác, nguồn tiền đến từ nước khác, không phải phụ thuộc vào ý chí của VN.

Cải cách vẫn đang là phản ứng mang tính thụ động với đòi hỏi quốc tế

Quan sát quá trình cải cách, Gs. Porter cho rằng, có thể liệt kê nhiều cải cách, nhưng đó chỉ là những bước đi riêng rẽ không theo kế hoạch, chiến lược tổng hợp. Đó chỉ là phản ứng mang tính thụ động với đòi hỏi của quốc tế, chỉ là phản ứng với những gì xảy ra ở bên ngoài, chưa có thôi thúc từ bên trong. Hoặc nếu có kế hoạch và tuân thủ kế hoạch thì bản thân kế hoạch đó cũng rất thụ động.

Theo ông, đã đến lúc phải đưa con đường cho cạnh tranh VN thời gian tới, với cách tiếp cận bền vững và thống nhất hơn. Quy trình cải cách của VN phải sang một cấp độ mới.

VN không nên lảng tránh nông nghiệp mà cần tận dụng tốt hơn khả năng của nông nghiệp do điều kiện tự nhiên, nhân lực dồi dào mang lại. Cần tầm nhìn kinh tế lâu dài cho ngành nông nghiệp.

"Cải cách hiện nay bản chất là do bên ngoài tạo ra. Bây giờ phải do nhân tố trong nước tạo ra, chủ động hơn để chuẩn bị cho VN một bước phát triển mới".

Gs. Porter cho rằng, trước hết, VN cần có nhu cầu hình thành mô hình chiến lược mới, từ đó, cần có sự lãnh đạo thực hiện mô hình đó với một đội ngũ quan tâm đầy đủ các thách thức. Và khi đã nhận thức được thách thức, VN cần quan tâm thể chế, cải thiện chính sách, cơ chế thực hiện.

"VN cần một mô hình kinh tế mới ngăn ngừa khủng hoảng chứ không đợi khủng hoảng đến... Tôi không muốn VN khủng hoảng để rồi phải quay lại xuất phát điểm ban đầu".

"VN phải học để trở thành Hàn Quốc khác chứ không phải trở thành Philippine trong so sánh cạnh tranh quốc tế", Gs. Porter nhấn mạnh.

Làm thời trang như người Ý?

Từng khuyến nghị VN về "bẫy" lợi thế nhân công giá rẻ, Gs. Porter lưu ý đến lúc VN cần tạo bước chuyển trong sử dụng lao động, phải lựa chọn giữa làm việc cần cù hay làm việc thông minh sáng tạo (working hard or working smart).

Hai cấu thành cơ bản là động lực tăng trưởng kinh tế là sử dụng lao động và năng suất lao động. VN đã thành công lớn khi tận dụng ở mức tối ưu lực lượng trong độ tuổi lao động.

Vẫn cách làm hiện nay, lo bán tài nguyên ra bên ngoài (sức lao động và tài nguyên thiên nhiên), VN mãi là nước thu nhập thấp. Đến 1 mức nào đó, không thể chỉ bán tài nguyên, lao động thô, mà cần nâng năng suất, quản lý tốt tài nguyên.

Trong khi đó, năng suất lao động vẫn là thách thức lớn của VN so với khu vực. Đây lại là yếu tố quyết định việc cải thiện mức sống của VN, làm cản trở bước tiến trong thời gian tới.

Cho rằng số lượng lao động vẫn là yếu tố quan trọng trong vài năm tới, nhưng theo Gs. Porter, nó sẽ không còn hỗ trợ nhiều cho kinh tế VN trong 10-12 năm tới. Hiện nay, hiệu quả của yếu tố này lên tăng trưởng đang chậm lại.

Vấn đề của VN không phải là tập trung vào ngành nào để cạnh tranh, mà là trong mỗi ngành phải cạnh tranh như thế nào bằng cách nâng cao năng suất, chất lượng.

Đơn cử như ngành giày da, may mặc, VN xuát khẩu nhiều nhưng năng lực cạnh tranh của ngành này không nằm ở việc sản xuất được bao nhiều giày, quần áo, mà là sản xuất giầy dép, quần áo như thế nào.

"Nếu làm được như người Ý, VN sẽ có được sự thịnh vượng cho dân, còn nếu cũng chỉ giống như các nước đang phát triển khác, VN sẽ mãi là nước thu nhập thấp", Gs. Porter nhấn mạnh.

Ảnh: VnEconomy.


Bản thân ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Vinatex chia sẻ, các DN trong ngành cảm nhận hằng ngày áp lực phải chuyển từ lợi thế sử dụng tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ sang sản xuất với năng suất cao hơn, sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn. Lợi thế của VN đang giảm dần. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến VN khai thác lợi thế này giờ đang chịu áp lực của đòi tăng lương, cải thiện đời sống cho người lao động. Ngành dệt may không còn cạnh tranh, hấp dẫn về giá so với một số nước khác.

Trong kinh tế thị trường, nhà nước là người xây dựng luật chơi và bảo vệ các luật chơi ấy. Và hy vọng khu vực tư nhân là người làm những việc còn lại.

Ở nhiều nước, Chính phủ sai lầm ngay từ đầu nên thất bại. Mong VN làm tốt hơn để đảm bảo vai trò của nhà nước.

Tuy nhiên, con đường nào để tiếp cận được với ngành công nghệ thời trang, may mặc của Ý vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho VN.

Gs. Porter tư vấn, VN cần chuyển từ lợi thế chi phí đầu vào thấp sang lợi thế năng suất cao, năng suất gắn với chất lượng, hiệu suất và hiệu quả sử dụng chi phí đầu vào; cải tiến các thiết kế mẫu mã sản phẩm, tăng năng lực thiết kế tinh tế hơn, có thể bằng sao chép thiết kế hoặc thiết kế của chính VN. Đồng thời phát triển hệ thống cung ứng, giao hàng đúng thời điểm thị trường.

Giải pháp cho ngành dệt may, giầy da không phải câu chuyện của riêng DN, mà là vấn đề Chính phủ cần quan tâm, xử lý.

"Cách suy nghĩ tốt nhất chính là làm theo cụm nhóm. Ví dụ da giầy, dệt may làm với nhau, liên kết cụm với nhau, xác định mặt yếu, mạnh để bổ trợ cho nhau. Tin rằng chương trình đào tạo nhân lực theo cụm nhóm rất quan trọng và hiệu quả"...

VN cần phải tổ chức lại để có cách tiếp cận mới, tập trung vào cấp độ tiên tiến hơn, lợi nhuận cao hơn - Gs. Porter nói.

Ví dụ, với ngành du lịch, vấn đề không phải ở việc VN thu hút thêm được bao nhiêu khách, mà là mỗi ngày, du khách sẽ tiêu bao nhiêu tiền ở VN. Người ta chỉ tiêu dùng nhiều khi VN có sẵn nhiều hoạt động chất lượng cao, dịch vụ tốt, nhiều sản phẩm hay để họ mua.

Do đó, VN cần cải thiện không phải số lượng khách mà tiếp thu phản hồi, tạo ngành dịch vụ để khuyến khích họ tiêu tiền nhiều hơn, với những dịch vụ chất lượng cao, tránh tác hại môi trường.

Nhìn vào ngành công nghiệp trồng hoa Kenya để học tập

Hình thành các cụm nhóm liên kết là khuyến nghị được Gs. Porter đặc biệt nhấn mạnh để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Lo ngại hoạt động của các Tập đoàn kinh tế VN hiện nay vì độc quyền. Các DN cần được độc lập hơn nhưng tăng quản trị, thay vì tạo nhiều tập đoàn lớn lợi dụng tính độc quyền.

DN vừa và nhỏ mới là nền tảng của "công ty VN", là yếu tố thúc đẩy kinh tế. DNNN không làm nên thu nhập trung bình của quốc gia.

Singapore có DNNN nhưng quản lý tốt trong khi nhiều nước không làm được điều đó. Trung Quốc quá chú trọng DNNN, bóp méo kinh tế thị trường. DNNN như những khối u di căn, phải bỏ mới được.

Với VN, đến lúc phải có quyết định đúng đắn với DNNN, cải thiện mô hình quản lý, để họ tạo lợi nhuận và bảo đảm đầu tư vào DNNN có lợi nhuận.

Giữa các DN trong một lĩnh vực, nhóm lĩnh vực cần có sự liên lạc, kết nối.

Nền kinh tế nào cũng phải phân chia thành các cụm nhóm.
Đơn cử, nếu bạn có một khách sạn tốt, bạn cũng không thể thành công nếu không có các ngành khác phát triển hỗ trợ như sân bay, taxi, quầy đổi tiền... Khách sạn dù tốt đến đâu cũng sẽ thất bại nếu không có những nhóm ngành nhất định hỗ trợ.

Chưa cần học các nước phát triển, VN có thể học ngay kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác. Gs. Porter đưa mô hình ngành công nghiệp trồng hoa Kenya là một ví dụ để VN nhìn vào, học hỏi về quá trình hình thành cụm nhóm.

Để có một ngành CN trồng hoa phát triển ở Kenya, không chỉ cần người nông dân trồng hoa, mà cả hệ thống kho bãi, xử lý, hệ thống hỗ trợ, người cung ứng, thiết bị tưới tiêu, nhãn mác thu hoạch, hệ thống vận chuyển, đông lạnh... Hệ thống giáo dục và giới nghiên cứu ở đây cũng phải cùng tham gia.

Trong khi đó, nhìn vào VN, các DN vẫn tự cô lập mình, tự nhập nguyên liệu, tự làm hàng rồi tự đi bán, không tăng tính tinh tế của hàng hóa, không có dịch vụ hỗ trợ, DN hỗ trợ.

Các cụm nhóm trong nền kinh tế cần giao thoa, liên kết với nhau. Ví dụ may mặc giầy da sẽ liên quan tới nhau, có thể chuyển đổi sản phẩm. Dầu khí, hoá chất cũng vậy.

Dù mới chỉ dừng ở mức tự phát, nhưng việc xuất hiện cụm nhóm liên kết giầy da, dệt may đã tạo khởi sắc trong hai ngành này. So với năm 2000, đến 2006, hình ảnh hai ngành này đã khác, nhiều, thành cụm, liên kết mạnh hơn.

Đây không phải là yếu tố ngẫu nhiên mà là bước chuyển tự nhiên sử dụng kỹ năng của nhau. Nhãn quan thúc đẩy tiến trình làm sao để xây dựng cụm nhóm, đa dạng hóa.

Trong quá trình đó, Chính phủ phải là người giúp tháo bỏ những rào cản. Nhà quản lý phải mời các bên liên quan ngồi lại với nhau, dù trước đó chưa từng gặp nhau. Có thể nửa tiếng đầu tiên, không ai nói gì cả, vì họ chưa bao giờ nghĩ về lợi ích chung. Dần dà, họ hiểu cần phối hợp giải quyết. Cần có sự phối hợp liên ngành, giữa nhà quản lý, điều hành, ngân hàng, nhà sản xuất, nhà phân phối...

Đáng tiếc, theo Gs. Porter, VN vẫn "chưa có tư duy cụm nhóm. Bản thân Chính phủ cũng chưa nghĩ tới để tạo tư duy phát triển cụm nhóm".

Thứ Ba, tháng 3 11, 2008

Thị trường chứng khoán và bàn tay hữu hình

Thị trường chứng khoán và bàn tay hữu hình
Nguyễn An Nguyên
[i]Rice University

Thất bại của “giải pháp cung cầu”
VNindex từ đỉnh cao 1100 điểm đổ sụp xuống chỉ còn xung quanh 600 điểm sau bốn tháng ngắn ngủi kể từ 11/2007. Trong bốn tháng ấy, đã có sức ép ghê gớm từ nhiều bên có lợi ích liên quan đòi hỏi chính phủ phải can thiệp “cứu” TTCK, bằng cách “giảm cung” (thông qua việc hoãn tiến độ IPO các doanh nghiệp nhà nước), và mới đây là “tăng cầu” (thông qua việc cho Tổng công ty Quản lí vốn Nhà nước SCIC mua lại cổ phiếu trên thị trường). Những sức ép này đang thắng thế (IPO của nhiều doanh nghiệp lớn đã bị trì hoãn), và mới đây Thủ tướng đã ra Quyết định 319/TTg mở đường cho SCIC mua cổ phiếu để “kích cầu”.
Cái gọi là “giải pháp hạn chế cung” dù đã áp dụng vẫn không ngăn được VNindex sụp đổ, đơn giản là vì quy luật cung cầu không tồn tại trong TTCK (xem phụ luc “
Cung cầu chứng khoán: một quan niệm sai lầm” dưới đây). TTCK chỉ có một quy luật vận hành là cân bằng “lợi nhuận kì vọng”: Khi lợi nhuận kì vọng của cổ phiếu giảm so với trước hoặc so với các hình thức đầu tư khác (mua vàng, đầu cơ bất động sản, gửi tiết kiệm) thì giá của từng cổ phiếu giảm và ngược lại. Giá của mỗi cổ phiếu chỉ được quy định bởi chênh lệch giữa mức sinh lợi của doanh nghiệp đó với mức sinh lợi của hình thức đầu tư khác có mức sinh lợi cao nhất. Vì thế, nếu không bị hạn chế về thanh khoản, thì việc hoãn lên sàn các doanh nghiệp mới như đề nghị của trường phái “cung cầu chứng khoán” không thể tác động đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp hiện tại.
Sụp đổ hợp lý
Gần đây, một số nhà đầu tư (chẳng hạn, ngân hàng HSBC) cho rằng giá cổ phiếu đã ở mức hợp lý so với các nước cùng trình độ (P/E trên toàn thị trường là 13). Nhưng việc so sánh P/E của VN với các nước chỉ có ý nghĩa khi lãi suất ổn định ở mức thấp và không có khủng hoảng. Đồ thị dưới cho thấy tỉ lệ P/E trên thị trường Mỹ giảm rất mạnh trong các cuộc khủng hoảng.
Hiện tại, có nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư tin rằng lợi nhuận kì vọng của chứng khoán sẽ giảm xuống trong 2008. Đầu tiên, ấn tượng sự “sụp đổ” thê thảm của thị trường sẽ giảm đi nếu ta biết rằng trong năm 2007, rất nhiều công ty đã phát hành thêm cổ phiếu và trả cổ phiếu thưởng thái quá, “pha loãng” giá trị và làm chúng mất giá mạnh (như trường hợp SSI phát hành 40 triệu cổ phiếu thưởng, bằng 50% tổng lượng cổ phiếu của nó vào thời điểm đó). Hai là, lãi suất ngân hàng vừa qua tăng rất nhanh làm cho hình thức đầu tư cổ phiếu giảm nhanh sự hấp dẫn tương đối so với gửi tiền tiết kiệm. Hai là, lạm phát dự kiến tăng cao và có khả năng đẩy nền kinh tế vào tình trạng suy thoái sẽ ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp trên sàn (giá vốn tăng do lãi suất tăng, giá đầu vào tăng do giá nguyên/nhiên liệu tăng, giá trị thực của lợi nhuận giảm vì lạm phát, sức mua của người tiêu dùng giảm do thu nhập giảm v.v.). Ba là, nhiều doanh nghiệp trên sàn sau khi thu hút được số vốn khổng lồ từ TTCK đã đầu tư tràn lan vào bất động sản. Một khi thị trường nhà đất đóng băng (hệ quả của thu hẹp tín dụng) thì giá trị của các doanh nghiệp đó cũng tụt giảm.
Nếu Vnindex sụt giảm vì ba nguyên nhân trên, thì đó là cân bằng tất yếu của thị trường để phản ánh giá trị thực của các doanh nghiệp trên sàn, và việc cưỡng lại sự xuống dốc sẽ vô cùng tốn kém và không hiệu quả.
Thanh khoản và TTCK
Người viết bài này cho rằng, hiện tại, nếu VNindex xuống thấp hơn giá trị thực, thì chỉ có một nguyên nhân là: sự thiếu hụt thanh khoản cho các nhà đầu tư đã ngăn cản TTCK điều chỉnh về mức cân bằng. Từ cuối 2007, chủ trương của NHNN siết tỉ lệ cho vay chứng khoán đã chặn đứng, thậm chí đảo chiều, dòng vốn đang đổ vào TTCK, (vì đa số các ngân hàng thương mại đã cho vay quá tỉ lệ). Tình trạng thiếu tiền mặt)của nhiều ngân hàng đầu năm 2008 đã khiến việc cho vay mới bị chững lại và lãi suất tăng vọt. Cộng thêm việc tỉ giá bị neo chặt, các ngân hàng không thể đổi USD cho các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả là đa số các nhà đầu tư đều thiếu thanh khoản, người đang nắm thì muốn bán để có tiền mặt, người mua thì lại không có tiền mặt để mua, khiến giá chứng khoán giảm mạnh. Điều này tương tự như kết luận của nhà kinh tế trọng tiền Milton Friedman rút ra từ cuộc Đại khủng hoảng 29-33 ở Mỹ: việc thắt chặt tiền tệ quá nhanh sẽ làm sụp đổ TTCK và gây ra khủng hoảng kinh tế.
Bàn tay hữu hình SCIC có lợi và hại gì?
Trong các nền kinh tế phát triển, rất ít khi chính quyền can thiệp trực tiếp vào TTCK bằng cách mua cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn, trừ trường hợp nó có khả năng gây ra sụp đổ hệ thống tài chính-ngân hàng (như trường hợp Anh quốc hữu hoá ngân hàng Northern Rock).
Việc SCIC mua cổ phiếu trên TTCK có thể giải quyết vấn đề tâm lý ngắn hạn cho một số nhà đầu tư. Nhưng nó sẽ không thể có ảnh hưởng tích cực lâu dài hay căn bản lên TTCK: Nó không hề tác động đến cái động cơ vận hành của TTCK là lợi nhuận kì vọng, bởi vì nó không làm thay đổi kì vọng về các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, mua vàng (là kết quả của chính sách tiền tệ). Nó cũng không hề thay đổi nguồn vốn hay khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp trên sàn (vì chỉ tác động đến thị trường thứ cấp). Cuối cùng, nó cũng không giải quyết được vấn đề thanh khoản của nhà đầu tư.
Lợi ích thì không rõ ràng, nhưng những hệ luỵ của việc Chính phủ can thiệp trực tiếp vào TTCK là nghiêm trọng và lâu dài:
Một là, việc nhà nước can thiệp vào TTCK sẽ bóp méo tín hiệu của thị trường vốn. SCIC sẽ dùng tiêu chí nào để xác định là chứng khoán đang ở dưới giá trị thực, trong khi giá thị trường chính là cái đáng lẽ phải phản ánh giá trị thực của chứng khoán? Làm sao một doanh nghiệp không có động cơ tối đa hoá lợi nhuận (thua về cả khả năng tính toán so với hàng triệu nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân, lẫn tính năng động tìm kiếm cơ hội) có thể thông minh hơn thị trường về giá trị thực của nó? Với sự tham gia của các quan chức cao cấp của Chính phủ (gồm cả bộ trưởng Bộ Tài chính, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thứ trưởng Bộ Công thương) vào Hội đồng Quản trị của SCIC, trong trường hợp doanh nghiệp quốc doanh này gặp bê bối về mua bán cổ phiếu, uy tín của chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hai là, nếu diễn biến xấu trên TTCK kéo dài, việc mua cổ phiếu của SCIC có thể dẫn đến bội chi ngân sách và trầm trọng thêm vấn đề lạm phát. Lí do là để “cứu” khẩn cấp TTCK, thì SCIC phải bơm vào một lượng tiền rất lớn trong thời gian rất ngắn. Tổng giá trị thị trường (market capitalization) vào cuối 2007 đã lên tới khoảng 500 nghìn tỉ đồng (tuy đã mất đi khoảng một phần ba trong hai tháng qua). Tuy phản ứng ban đầu của TTCK trước cam kết “bảo kê” của SCIC là khá tích cực, kì vọng này sẽ còn thay đổi. Liệu SCIC có đủ tiền và có nên bỏ ra hàng chục nghìn tỉ đồng trong vài ngày hay vài tuần để “cứu” thị trường trong lúc chính Bộ Tài chính cũng đang thiếu tiền mặt để chi tiêu? SCIC hay Bộ Tài chính sẽ lấy tiền mặt với số lượng như thế ở đâu mà không làm khủng hoảng thanh khoản thêm trầm trọng, hay in thêm tiền để làm tăng lạm phát?
Ba là, dù có bịt được việc “xả hàng” của một số tổ chức đầu tư, thì việc SCIC giành lại quyền sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu sẽ đảo ngược quá trình cổ phần hoá (giao vốn vào khu vực tư năng động hơn). Việc này đồng thời làm chậm lại quá trình IPO vốn đã nhỏ giọt: SCIC sở hữu càng nhiều thì nó càng muốn tiến trình cổ phần hoá chậm lại để không làm “lụt” thị trường (đúng hơn là cạn kiệt thanh khoản).
Việc SCIC có quyền quá rộng trong việc mua cổ phiếu cũng tạo ra một khoảng trống cho sự thiên vị của SCIC với một số công ty nhất định. Nguy cơ này càng lớn khi SCIC được phép giữ bí mật về danh mục các cổ phiếu được mua, số lượng tiền bỏ ra để mua, thời gian mua v.v. Từ đây, giá cổ phiếu thay vì phản ánh khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, lại phản ánh doanh nghiệp nào được chính quyền “ưu ái” bảo kê (bail out) mỗi khi gặp khó khăn. (Điều này đã từng xảy ra với các doanh nghiệp cánh hẩu của nhà độc tài Suharto trên thị trường chứng khoán của Indonesia). Các doanh nghiệp được “bảo kê” sẽ càng tự do hơn trong các khoản đầu tư của mình, vì biết “tội vạ đâu đã có SCIC gánh đỡ”.
Năm là, việc can thiệp vào TTCK sẽ khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về quan niệm thị trường của Chính phủ. Nếu như TTCK, nơi thông tin đầy đủ nhất, người mua bán hiểu biết và linh hoạt nhất mà còn cần điều khiển, thì tất cả các thị trường khác đều cần có sự can thiệp vào giá của nhà nước! Hành động mà các nước phát triển coi như một cấm kị này có thể được diễn giải là một bằng chứng rằng Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế thị trường. Và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam trong các vụ kiện bán phá giá, vốn đang là rào chắn ghê gớm cho việc thâm nhập các thị trường phát triển.
Cuối cùng, việc SCIC -được Chính phủ tài trợ vốn- mua cổ phiếu để “cứu” thị trường, thực chất là dùng tiền đóng thuế của dân để “bảo hiểm rủi ro” cho một nhóm nhỏ nhà đầu tư giàu có, chủ yếu là các quỹ đầu tư nước ngoài và các “đại gia” trong nước. Điều này nếu kéo dài có thể gây nên mối bất bình về tính chất bình đẳng trong chính sách kinh tế của Chính phủ.

Kết luận:
VNindex tụt xuống mức 600 điểm là một cuộc sụp đổ (crash) của TTCK, nhưng mức sụt giảm là tự nhiên và đúng quy luật, trong tình trạng lạm phát tăng và lãi suất tăng. Muốn VNindex tăng, thì cách lâu dài và căn bản nhất là ngăn chặn lạm phát, xì hơi bong bóng nhà đất và hạ nhiệt nền kinh tế từ từ. Việc SCIC can thiệp vào TTCK ít khả thi, có thể phải trả giá đắt về chính sách vĩ mô, trong khi lợi ích của nó nếu có chỉ là ngắn hạn. Nếu có lí do để tin rằng VNindex thấp hơn giá trị thực, thì việc nhà nước nên làm trong ngắn hạn chỉ là giải quyết bài toán thanh khoản.

Phụ lụcCung-cầu chứng khoán: một quan niệm sai lầm
Dường như có một sai lầm cơ bản nhưng phổ biến của nhiều nhà đầu tư VN và cả của nhà quản lý (cụ thể là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) là áp dụng “quy luật” cung cầu cho TTCK. Khái niệm “cầu” của hàng hoá thông thường được xây dựng dựa trên ích lợi mà chúng mang lại cho người tiêu dùng: Đứng trước một chiếc xe máy, mỗi người sẽ tính xem mình đỡ được bao nhiêu thời gian và sức lực dành cho việc đi lại. Nhu cầu tiêu dùng xe máy của mỗi người là tự thân và ổn định, mặc dù ích lợi thu được với từng người là khác nhau. Mỗi người sẽ chỉ mua xe máy nếu phần tiết kiệm thời gian và sức lực lớn hơn số tiền mà anh ta phải bỏ ra. Với mỗi mức giá, sẽ có một số người thấy đáng mua và một số người không. Giá càng rẻ thì càng nhiều người thấy đáng mua. Khi xe máy đi nhanh hơn, tiện lợi hơn thì nhiều người muốn mua hơn (cầu tăng).
Ngược lại, người mua và bán chứng khoán không có ích lợi tự thân nào từ “tiêu dùng” cổ phiếu (vì thế, “cầu” cổ phiếu theo đúng nghĩa là bằng không). Lý thuyết cung cầu không áp dụng được cho chứng khoán.
Thay vì cung cầu, lợi nhuận kì vọng chính là quy luật vận hành của TTCK. Nhà đầu tư cổ phiếu chỉ có một quan tâm duy nhất, là làm sao số tiền thu về từ cổ phiếu (cổ tức và giá bán lại) lớn hơn số tiền mua. Mỗi người chỉ mua cổ phiếu khi tin rằng giá hiện tại của nó nhỏ hơn thu nhập kì vọng (giá cổ phiếu cộng với cổ tức) (tức là giá cổ phiếu đang “rẻ”), và bán ra trong trường hợp ngược lại. Vì kì vọng của mỗi người lại khác nhau, nên họ mua bán với nhau trên TTCK. Khi số người tin rằng cổ phiếu đang “đắt” nhiều hơn số người cho rằng cổ phiếu đang “rẻ” thì giá cổ phiếu đi xuống, và ngược lại. Nếu không bị giới hạn về thanh khoản, việc có thêm nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp mới trên TTCK sẽ không thể ảnh hưởng đến giá trị của các cổ phiếu của các doanh nghiệp khác, bởi vì mỗi loại cổ phiếu đều có thu nhập kì vọng riêng của nó, không liên quan nhiều đến các cổ phiếu của doanh nghiệp khác.


[i] Tác giả xin cảm ơn các đồng nghiệp Vũ Quang Việt, Lê Hồng Giang, Lê Quang Long và thành viên của diễn đàn www.minhbien.org về các gợi ý quý báu.
Lên trang này ngày 7-3-08