Thứ Sáu, tháng 5 30, 2014

“Tay không” tải nhạc chất lượng cao 320kbps từ Zing MP3, NhacCuaTui

(e-CHÍP Online) - Không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của các công cụ, dịch vụ trực tuyến, bạn vẫn có thể tải nhạc chất lượng cao 320kbps từ Zing MP3, NhacCuaTui dễ dàng.

1. Tải nhạc chất lượng cao 320kbps từ Zing MP3:
Bạn truy cập trang Zing MP3, mở nghe bài hát muốn tải, sau đó sao chép hay ghi lại mã của bài hát thông qua URL trên thanh địa chỉ trình duyệt. Chẳng hạn liên kết http://mp3.zing.vn/bai-hat/Neu-La-Anh-The-Men/ZW67D7O8.html có mã là ZW67D7O8, hoặc liên kết http://mp3.zing.vn/bai-hat/Ngan-Noi-Nho-Gui-Den-Em-The-Men/ZW66W7BF.html sẽ có mã là ZW66W7BF.
Bước tiếp theo, bạn gõ địa chỉ http://mp3.zing.vn/download/vip/song/mã_bài_hát vào thanh địa chỉ trình duyệt (thay mã_bài_hát bằng mã bạn đã sao chép ở trên, chẳng hạn http://mp3.zing.vn/download/vip/song/ZW67D7O8) > nhấn Enter để tải file nhạc chất lượng cao 320kbps của bài hát về máy.
2. Tải nhạc chất lượng cao 320kbps từ NhacCuaTui:
Bạn cũng truy cập vào trang NhacCuaTui, mở nghe bài hát rồi nhấn nút Tải nhạc để download file mp3 chất lượng cao về máy. Rất chi là đơn giản!
Nếu tải nhạc chất lượng cao theo cách trên không được, bạn thực hiện như sau:
Trước tiên, bạn sao chép hay ghi lại mã số bài hát thông qua URL trên thanh địa chỉ trình duyệt. Chẳng hạn liên kết http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/khong-quan-tam-chi-dan.4Upyxq0QlytX.html sẽ có mã là 4Upyxq0QlytX.
Tiếp theo, bạn gõ địa chỉ http://www.nhaccuatui.com/download/song/mã_bài_hát vào thanh địa chỉ trình duyệt (thay mã_bài_hát bằng mã bạn đã sao chép, chẳng hạn http://www.nhaccuatui.com/download/song/4Upyxq0QlytX) > nhấn Enter.
Lúc nầy, bạn gần như đã có được liên kết tải file nhạc chất lượng cao, bôi chọn và chép lại liên kết nầy (từ đoạn http đến .mp3). Mở trình soạn thảo Notepad, dán liên kết vào. Sau đó, bạn nhấn Ctrl+H, trên hộp thoại mở ra, tại ô Find what, bạn nhập “\/”, ô Replace with nhập “/” (lưu ý, không nhập hai dấu nháy kép). Xong, nhấn Replace All.
Bây giờ, bạn chỉ việc copy liên kết nầy dán lên thanh địa chỉ trình duyệt > nhấn Enter để tải file nhạc chất lượng cao 320kbps về.
Bạn có thể xem hướng dẫn kiểm tra chất lượng file nhạc tại đây.

Thứ Sáu, tháng 5 09, 2014

Từ gầm cầu thang tập thể tới doanh nghiệp triệu USD

Khởi nghiệp từ năm 19 tuổi với nghề bán bánh gối, rồi vật liệu xây dựng, sau hơn 20 năm, chị Bùi Thị Én trở thành chủ một doanh nghiệp có tổng tài sản hàng chục tỷ đồng Sinh năm 1972 trong trong một gia đình có "máu" kinh doanh từ hơn 10 tuổi, Bùi Thị Én (Hà Nội) đã nhiều phen theo chân cha xuống Hải Phòng nhập tôn phục vụ xưởng sản xuất pedan xe đạp (bàn đạp). Lớn hơn một chút, không ít lần chị một mình theo xe đi nhập hàng cho gia đình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông và lập gia đình năm 19 tuổi, người phụ nữ này tính ra làm ăn riêng do mức thu nhập của ông xã từ nghề Đông y không được là bao. Ban đầu chị bán bánh gối, bánh tôm, các món chè ở ngay cầu thang khu tập thể căn hộ của hai vợ chồng. Đến năm 1992, nhận thấy nhu cầu của thị trường lớn, chị chuyển sang bán vật liệu xây dựng, trong đó mặt hàng chủ chốt là sứ vệ sinh. Số vốn khởi nghiệp tổng cộng là 5 triệu đồng chị được một người bạn cho vay toàn bộ. Tuy nhiên, nhiều khi cũng không đủ vốn nhập hàng nên có khách gọi điện đặt thì chị mới đi lấy rồi giao cho họ. Trên đề tên cửa hàng, chị còn treo thêm khẩu hiệu "xấu đổi, thiếu bù, đắt trả lại" nên người mua trước giới thiệu người mua sau, vì thế cửa hàng lúc nào cũng tấp nập. M-En.jpg Từ hai bàn tay trắng, hiện chị Én đã trở thành chủ doanh nghiệp có tổng tài sản hàng chục tỷ đồng. Hàng bán chạy nên chị mải mê làm ăn, đến lúc có bầu sắp sinh vẫn đạp xe đi chở gạch ở phố Cát Linh về giao cho khách. Sau khi sinh chưa được một tuần chị Én phải nhờ mẹ chồng trông con để đi bán hàng vì thu nhập của gia đình lúc đó chủ yếu trông vào đây. Công việc kinh doanh thuận lợi nên khoảng một năm sau khi khởi nghiệp, chị tích cóp được một số vốn đủ để thuê cửa hàng, không phải bán ở cầu thang của khu tập thể nữa. Năm 1994, chị mở rộng thị trường ra các tỉnh và trở thành đơn vị phân phối độc quyền trên phạm vi cả nước hoặc khu vực phía Bắc cho một số hãng bình nước nóng, máy bơm, sứ vệ sinh của Ý, Hàn Quốc, Việt Nam. Thời gian đầu, vừa một tay phát triển đại lý ở các tỉnh, chị Én vừa đích thân theo xe đi giao hàng. Thấy mọi việc thuận lợi, chị quyết định "ôm" thêm lĩnh vực sản xuất nhưng mọi việc chẳng mấy chốc đã đổ bể do chưa lường hết những khó khăn. "Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật sản xuất thì vừa học vừa làm nên sản phẩm bị hỏng, lỗi không bán được", chị cho biết. Thêm vào đó, biến động về tỷ giá đồng đôla năm 1995 (giá đồng USD đang từ 11.000 đồng tăng lên 15.000 đồng) khiến chẳng mấy chốc chị biến thành con nợ. "Các đơn hàng đều dưới dạng L/C trả chậm, tỷ giá biến động khiến tổng tài sản kinh doanh của tôi lúc đó không đủ để chi trả số tiền nhập hàng", chị Én nhớ lại. Không đủ tiền thanh toán cho đối tác, chị phải thương thảo để tiếp tục nhập và bán hàng. Nhờ uy tín trước đó, các bạn hàng đều đồng ý. Tuy nhiên, để vực lại công việc kinh doanh, chị phải vùi đầu làm việc từ sáng sớm đến đêm, không biết đến ngày nghỉ. Là phụ nữ nhưng giai đoạn này chị làm việc đến mức "không có thời gian để soi gương, chải tóc". Năm 2001, công việc làm ăn ổn định trở lại, chị làm thủ tục thành lập công ty mang tên Ngôi sao May mắn chuyên phân phối độc quyền một số sản phẩm bình nước nóng, sứ vệ sinh, bồn tắm. Đến năm 2009, nhận thấy nợ đọng của khách hàng lớn, lại chậm thu hồi nên chị chuyển sang làm phân phối máy điều hòa, cung cấp và lắp đặt hệ thống điều đoà, lắp đặt kho lạnh, máy lạnh... Đồng thời, chị đầu tư thêm bất động sản, xây dựng chung cư mini. Gần đây, nhận thấy nhu cầu đối với loại nhà liền kề ở ngoại ô thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng, chị lại bắt tay vào triển khai. Từ hai bàn tay trắng, hiện tổng tài sản của công ty lên tới khoảng trên 20 tỷ đồng. Và cũng đã từ rất nhiều năm, chị dành một phần lợi nhuận để làm từ thiện. Trong thời gian điều hành doanh nghiệp, bên cạnh những kiến thức tự học, chị Én đều dành thời gian để tham gia các khóa đào tạo về quản lý, kinh doanh. "Nhận thấy cần kiến thức gì là tôi đi học ngay phần đó. Nhân viên, đối tác của mình đều là cử nhân, thạc sĩ mà mình lại không có đủ kiến thức thì có vẻ không ổn", bà chủ doanh nghiệp chia sẻ. Đối mặt với nhiều sóng gió trên thương trường cũng như những chuyện gia đình, nhìn chị Én có phần chững chạc hơn so với tuổi của mình. Nữ doanh nhân chia sẻ, "khi đã dấn thân vào thương trường thì không được sợ. Còn nếu ai sợ, muốn nhàn đầu óc thì không nên chọn công việc kinh doanh". Ngọc Tuyên

Thứ Năm, tháng 5 08, 2014

Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Từ 14g ngày 8-5, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Thế giới phẳng - Thomas Friedman đang giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ với chủ đề “Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong kỷ nguyên mới”.
Cùng tham gia buổi giao lưu trực tuyến còn có TS Hoàng Anh Tuấn - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao). Đây là dịp bạn đọc được trao đổi với tác giả Thomas Friedman về các vấn đề như: Những phát triển mới về công nghệ xanh, năng lượng xanh, công nghệ sinh học.
Bên cạnh đó, tác giả Thomas Friedman cũng trao đổi về những nội dung liên quan đến các tập hợp lực lượng chính trị, kinh tế thế giới đến năm 2030 và tác động đến các quốc gia, khu vực; Bài học thành công và thất bại của các nước trong 20 năm qua; Những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới....
NỘI DUNG GIAO LƯU
 * Các nhân tố sẽ làm cho thế giới phẳng hơn trong 10-15 năm tới có khác gì so với các nhân tố làm phẳng thế giới cách đây 10 năm khi ông viết "Thế giới phẳng"?
Tác giả Thomas Friedman: Theo tôi, có 4 nhân tố sau:
1 - Các công cụ có thể giúp chúng ta tạo ra các nội dung, từ máy tính cá nhân đến điện thoại thông minh trong giai đoạn tới rẻ hơn, nhẹ hơn và nhanh hơn.
2 - Khả năng gửi thông tin nói trên từ Internet đến các mạng không dây tốc độ cao và giai đoạn tiếp theo, có thể lên tới lên tới hàng gigabytes.
3 - Khả năng phối hợp với nhau từ phần mềm xử lý công việc (workflow software) đến các trang mạng xã hội như Facebook, công nghệ đám mây và giai đoạn tiếp theo là sự tiếp cận dễ dàng và rẻ hơn.
4 - Chuyển từ Google sang big data để tìm kiếm nội dung và sau đó có thể là các phần mềm mạnh hơn, khả năng tìm kiếm nội dung lớn hơn, truy cập định dạng, chuyển đổi nội dung thành dịch vụ của chúng ta.
Ông Thomas L.Friedman lắng nghe các câu hỏi của độc giả Báo Tuổi Trẻ chiều 8-5. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

* Thách thức gì cho các quốc gia, đặc biệt là nước đang phát triển như VN, thưa ông Thomas Friedman?

- Khi thế giới được kết nối ở mức độ cao và phụ thuộc lẫn nhau thì các nước bị tụt hậu nhanh hơn và cũng có cơ hội để đuổi kịp nhanh hơn.

Nếu như phát triển được các yếu tố nền tảng 1 cách đúng đắn như nhà nước pháp quyền, nền giáo dục tốt, cơ sở hạ tầng tốt thì các nước nhỏ và đang phát triển như Việt Nam sẽ theo kịp thời đại một cách nhanh chóng.

* Theo ông, các cuốn sách của ông có tác động thay đổi tư duy của mọi người về thế giới như thế nào và từ thay đổi tư duy đã dẫn đến thay đổi hành vi ra sao?

- Đây là một câu hỏi rất thú vị. Xin cảm ơn độc giả. Tự tôi trả lời câu hỏi này sẽ một việc không phù hợp và thiếu khiêm tốn.

Tôi luôn tâm niệm rằng công việc của tôi là giúp mọi người khám phá thế giới này. Đó là công việc tôi vẫn đang làm. Nếu cuốn sách của tôi có thể giúp người dân ở mọi nơi trên thế giới thì thật là vinh dự.

Trong chuyến đi Việt nam lần này, nếu tôi chỉ cần biết có 1 người đọc sách của tôi chứ không nói đến nhiều người thì tôi đã rất vui rồi.

Việc tôi có thể giao lưu trực tuyến với hàng nghìn khán giả như chúng ta đang thực hiện đang khiến tôi thực sự hạnh phúc. 

* So với 1 số nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn đang ở một khoảng cách khá xa về trình độ phát triển và thu nhập. Vậy theo ông cách thức nào để giúp Việt Nam tạo ra các bước đột phá về phát triển để thu hẹp khoảng cách với các nước láng giềng?

Tác giả Thomas Friedman: Tôi muốn quay lại với 3 nhân tố nền tảng đã nói ở trước, đó là:
(i) Nhà nước pháp quyền;

(ii) Hệ thống giáo dục tốt để người dân tiếp cận công nghệ mới;

(iii) Xây dựng cơ sở hạ tầng tốt, gồm internet băng thông rộng, sân bay, đường xá tốt.

Nhà nước pháp quyền có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát huy sự sáng tạo. Người dân sẽ cảm thấy tự tin để sáng tạo nếu họ cảm thấy an toàn và nhận được lợi ích từ sáng tạo của họ.

Theo tôi, ngày nay gần như tất cả công việc tạo ra thu nhập tốt đều đến từ các công ty mới thành lập.

* Trong thế giới phẳng, có sự tồn tại của nước lớn, nước nhỏ hay không?

Tác giả Thomas Friedman: Tất nhiên tầm vóc của đất nước rất quan trọng.Singapore không thể cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về số lượng, nhưng Singapore là một ví dụ tốt khi có thể vượt lên sự không thuận lợi về quy mô của chính mình bằng cách xây dựng thành công dựa trên 3 nhân tố cơ bản là giáo dục, cơ sở hạ tầng và Nhà nước pháp quyền.

Nền kinh tế Singapore lớn hơn rất nhiều so với tầm vóc quốc gia, vì Singapore có rất nhiều chính sách đúng đắn để thành công trong 1 thế giới toàn cầu hoá.

Ông Hoàng Anh Tuấn (bên phải) - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao - Học viện Ngoại giao trao đổi với ông Thomas L.Friedman về các câu hỏi của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Nguyễn Khánh
* Ông nghĩ thế nào về vị trí của Trung Quốc trong thế giới phẳng đó, với những thách thức mà Trung Quốc gặp phải như môi trường, hệ thống giáo dục, cơ sở hạ tầng?

Tác giả Thomas Friedman: Trung Quốc có những vấn đề lớn và có thể nói rằng Trung Quốc cũng có những giải pháp lớn.

Ví dụ, Trung Quốc có lượng tiền tiết kiệm rất lớn, có thể giúp Trung Quốc giải quyết các vấn đề nói trên. Tôi cũng cho rằng Trung Quốc có rất nhiều việc cần phải làm; nhưng Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài về giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, số người dân Trung Quốc sử dụng đường sắt cao tốc nhiều hơn số người Mỹ sử dụng máy bay.
Tuy nhiên, lĩnh vực yếu kém của Trung Quốc là chế độ pháp quyền.

Nếu Trung Quốc không vượt qua thách thức đó thì Trung Quốc khó có thể thành công trong thế giới ngày nay.

Việt Nam có lý do để lo lắng về một nước Trung Quốc hùng mạnh và chúng ta đã chứng kiến một sự kiện trong tuần này ở Biển Đông.

Nhưng tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn cũng phải lo lắng khi Trung Quốc suy yếu. Và một nước Trung Quốc suy yếu với nền kinh tế yếu kém sẽ gây ra các vấn đề khác nhau cho các nước láng giềng. 


* Ông hiểu thế nào về "bẫy" thu nhập trung bình? Ở Việt Nam đang có thảo luận ở về việc Việt Nam có rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình hay không? Việt Nam cần làm gì để thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình? (Trân Thanh Tu, 31 tuổi, thanhtutct@)
- Tác giả Thomas Friedman: Đạt được mức thu nhập trung bình là thực hiện các biện pháp cải cách ban đầu giúp thu nhập người dân Việt Nam tăng từ 2 USD/ngày - 5 USD/ngày.
Thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình tức là nâng mức thu nhập lên tới 5 tới 10 USD/ngày, thậm chí 20 USD/ngày.
Để làm được việc này, Việt Nam cần tiến hành cải cách sâu rộng hơn để giúp giải phóng sức lao động của người dân, đặc biệt là sự sáng tạo.
Điều này đòi hỏi phải tiến hành tư nhân hoá doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống giáo dục một cách thực sự.
Tôi phải nói rằng Việt Nam nên tiến hành cải cách sâu rộng hệ thống luật pháp và tư pháp để bảo đảm sự rõ ràng của hệ thống cũng như cải cách hệ thống chính trị, tự do báo chí, tự do ngôn luận, và bầu cử thường xuyên để chọn ra bộ máy lãnh đạo.
* Theo ông, để thành công trong thế giới phẳng, những người trẻ cần phải làm gì? (Lê Thanh Hà, 25 tuổi)
- Có 3 vấn đề các bạn phải quan tâm, đó là: kĩ năng, kiến thức và động lực.
Trước hết các bạn nên tập trung học tốt các môn như: toán học, tin học - là những môn khoa học cơ bản mà nếu bạn không được trang bị các kĩ năng cơ bản như vậy các bạn sẽ không thể sáng tạo.
Sau đó các bạn cần có và biết cách sử dụng các kĩ năng và tạo ra các giá trị. Tôi cho rằng ông chủ đầu tiên của các bạn không quan tâm đến những gì các bạn biết vì Google biết và cung cấp thông tin về tất cả mọi thứ.
Ông chủ đầu tiên của các bạn sẽ chỉ quan tâm đến các bạn làm được những gì từ kiến thức các bạn có. Và các bạn cần hiểu rằng bạn cần có kĩ năng để làm ra các giá trị giá tăng.
Cuối cùng, bạn cần có động lực. Đối với các bạn trẻ, thế giới chưa bao giờ "mở" như thế giới ngày nay. Thế giới không còn những ngăn cách lớn và tất cả chúng ta hoàn toàn có thể tiến lên.
Hôm qua 7-5, tổng giám đốc Viettel có nói với tôi rằng mục tiêu trong 10 năm tới là người Việt Nam đều sử dụng điện thoại thông minh. Tôi cho rằng không có sự ngăn cản về công nghệ số, chỉ có sự ngăn cản khi chúng ta không có động lực để chúng ta làm những việc chúng ta cần làm để thành công trong thế giới toàn cầu hóa ngày hôm nay.
Toàn cảnh cuộc giao lưu trực tuyến tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
* Chiến tranh với Mỹ chấm dứt từ năm 1975. Nhưng thật ra nó chưa bao giờ kết thúc hẳn vì hàng ngày ở Việt Nam đều có người bị thương hoặc chết do bom mìn còn sót lại cũng như vẫn còn nhiều người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Ông nghĩ thế nào về điều này? (Lê Thị Hồng Mai, lthmai2020@....)  
- Với tư cách là 1 người Mỹ, tôi thấy điều này thật kinh khủng. Và tôi thấy chúng tôi (phía Mỹ) phải có trách nhiệm hợp tác với Việt Nam để giải quyết các di sản do chiến tranh để lại một cách dứt khoát và lâu bền.
Cuộc chiến tranh đó đã phá hoại 1 thế hệ cả người Mỹ lẫn người Việt Nam và chúng tôi không muốn cuộc chiến tranh đó lại phá hoại.
* Ông đã từng đến nhiều nơi có xung đột. Hiện nay tình hình ở Biển Đông đang nóng lên với việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến biển Việt Nam. Theo ông, người dân Việt Nam nên phản ứng thế nào và làm gì trong bối cảnh đó? (Nguyễn Văn Nam, 35 tuổi)
Ông có thể cho biết đôi chút về đời tư, gia đình của ông: Vợ ông làm nghề gì, ông có mấy người con. Ông có thể kể đôi chút về họ. Quan niệm của ông về hạnh phúc và nuôi dạy con cái như thế nào? Các con ông có theo nghề viết, phê bình như ông không? (Trần Ngọc Thảo, 32 tuổi, elle@...)
- Vợ tôi là giáo viên phổ thông và đã nghỉ hưu.
Cô con gái lớn của tôi năm nay 28 tuổi là giáo viên nhưng giờ đang học về kinh doanh.
Con gái út 26 tuổi và đã lập gia đình hiện nay đang là biên tập viên cho đài phát thanh công cộng quốc gia NPR.
Về hạnh phúc, tôi muốn nhắc lại câu trả lời trước của tôi, người ta sẽ thấy hạnh phúc khi được phát huy các tiềm năng của mình.
Tôi cảm thấy rất may mắn vì tôi lớn lên ở nước Mỹ vào thời điểm mà tôi có thể phát huy các tiềm năng của tôi.
Về nuôi dạy con cái, điều quan trọng nhất là tin tưởng vào con, nói với chúng rằng chúng có thể làm những việc chúng muốn làm, không được lười biếng.
Nước Mỹ có câu ngạn ngữ: Người thành công là người mắc nợ với xã hội. Đấy là cách mà chúng tôi khuyến khích con chúng tôi: chúng phải có tinh thần cống hiến cho xã hội.

- Trước hết, tôi không biết chi tiết cụ thể vấn đề này. Nhưng tôi hiểu rằng Việt Nam đang tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia theo cách hiểu của mình về luật quốc tế. Việt Nam cần tiếp tục làm việc đó thông qua các kênh pháp lý.
Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất Việt Nam cần phải nghĩ đến bây giờ là mình có đòn bẩy gì.
Việt Nam không bao giờ có lực lượng hải quân mạnh như Trung Quốc.
Cách duy nhất là Việt Nam cần có đồng minh để có thể tiếp cận với sức nặng của Trung Quốc.
Điều quan trọng là Việt Nam cần phải đưa vấn đề này ra các diễn đàn luật pháp quốc tế. Đồng thời, cần nêu mạnh việc của mình thông qua các đồng minh.
Phương châm cần là "Đi nhẹ nhàng và mang theo một cái gậy thật to".
* Đây là lần thứ hai ông đến Việt Nam. Xin ông chia sẻ về lần đầu tiên và cảm nhận của ông khi trở lại lần này? (Trịnh Phương Thảo, 34 tuổi)
- Có quá nhiều thay đổi từ năm 1995 đến nay. Điều rõ nhất là có nhiều ô tô và ít xe máy hơn. Có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn và hiện nay có nhiều hơn sự tự do trong công việc của mình.
20 năm trước đây, tôi không thể tưởng tượng được có thể có không gian và công nghệ như hiện nay để thực hiện các công việc.
Đối với vị khách không thường xuyên như tôi, có sự phát triển rất lớn về kinh tế tại đất nước của các bạn.
Tuy nhiên, cải cách chính trị thì có vẻ như còn rất ít và có nhiều khát khao hơn từ người dân để tốc độ cải cách tăng lên trong thời gian thời.
Tôi hi vọng rằng những khát khao từ người dân sẽ gặp được quyết tâm của giới lãnh đạo để Việt Nam tiến hành cải cách nhanh, sâu rộng, hiệu quả hơn.
* Điều ông thú vị nhất khi ông làm nhà báo là gì? (Vũ Văn Kiên )
- Tác giả Thomas Friedman: Tôi cho rằng điều mà thú vị nhất đối với tôi là được đi và gặp nhiều người ở rất nhiều nơi trên thế giới.
Hai tuần trước tôi đã đến Ukraine, giờ tôi ở Việt Nam và hai tuần tới, tôi sẽ đến khu tự trị của người Kurd ở Iraq.
Điều thứ hai là tôi sử dụng bài viết của tôi để khích lệ mọi người làm những việc tốt đẹp, dù họ là quan chức chính quyền hay các tổ chức phi chính phủ.
Ông Thomas L.Friedman tập trung suy nghĩ để trả lời câu hỏi của bạn đọc Báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Nguyễn Khánh
* Số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học ngày càng nhiều và tăng rất nhanh. Theo ông, nền giáo dục Mỹ có thể giải quyết khó khăn hiện nay của Việt Nam? Bên cạnh đó, có tình trạng nhiều sinh viên Việt Nam tìm cách ở lại làm việc cho các công ty Mỹ dẫn đến chảy máu chất xám? Việt Nam cần làm gì để chống lại tình trạng này? (Tuấn Nguyễn, Nam Định).
- Nền giáo dục tốt nên là một nền giáo dục có thể cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết, và nhất là một động lực cống hiến.
Một cách tổng thể, cách tốt nhất để chống chảy máu chất xám là xây dựng một môi trường ở Việt Nam nhằm giúp các bạn trẻ có thể thực hiện được ước muốn của mình, khai thác được hết tiềm năng của họ.
Hãy bảo đảm rằng các bạn xây dựng được nền pháp trị, sự kết nối với thế giới và môi trường đó giúp cho sinh viên cảm thấy muốn và có thể trở về Việt Nam để phát huy hết tiềm năng của mình.
* Thưa ông Friedman, phải chăng khi lấy hình ảnh phẳng cho nền kinh tế hiện nay ông đã nhìn thấy điểm dừng, ngắt quãng và không liên tục ở một khía cạnh nào đó? (Nguyễn Văn Tin, 1993, 21 tuổi)  
- Tác giả Thomas Friedman: Khi tôi nói thế giới phẳng, tôi đã đề cập đến nền tảng công nghệ mà ở đó ngày càng có nhiều người có thể tiếp cận một cách bình đẳng với nhau.
Ý tôi không phải là thế giới bình đẳng về kinh tế mà là sự bình đẳng trong cách tiếp cận để con người có thể cạnh tranh, cộng tác và kết nối với nhau.
Về phần không phẳng của thế giới hay nói cách khác là lực lượng tàn phá hoặc làm chậm lại sự lan toả của công nghệ, tôi có thể kể ra một số nhân tố như: chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh, sự thất bại của nhà nước, chủ nghĩa cực đoan và nghèo đói triền miên.
* Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của khoa học xã hội trong thế giới phẳng? (NGUYỄN PHƯƠNG ĐÔNG, 45 tuổi, nguyenphuongdong247@)
- Thomas Friedman: Khoa học Xã hội cực kì quan trọng. Bạn sẽ không trở thành người có văn hóa nếu chỉ biết về hóa học hoặc toán học. Bạn cần phải biết lịch sử, văn học, âm nhạc, thơ, nghệ thuật...
Tôi cho rằng hiện nay, yếu tố quan trọng tạo ra sự sáng tạo là sự kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhất là kết hợp khoa học xã hội với toán học, công nghệ, kể cả thống kê.
Sáng tạo sẽ nảy sinh khi chúng ta có thể so sánh và đối chiếu hai phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận khác nhau.
Vì thế tôi cho rằng khoa học xã hội có vai trò to lớn. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta phải kết hợp nó với các ngành khoa học khác để tạo ra động lực mới, sáng tạo mới.
* Ông nghĩ thế nào về sức mạnh cứng, sức mạnh mềm của một quốc gia? Ông nhìn thế nào về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Việt Nam? (Mai Hương, 31 tuổi, huong.nguyen.mai@....)
Thomas Friedman: Sức mạnh cứng rõ ràng là sự kết hợp kinh tế và quân sự, và chúng được đo bằng số lượng vũ khí cũng như xe tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Sức mạnh mềm là khả năng bạn xây dựng đất nước của mình khiến các quốc gia khác muốn học hỏi. Đó là cách tôi quan niệm về sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.
Việt Nam sẽ có sức mạnh mềm nếu các nước láng giềng của Việt Nam muốn học theo mô hình của Việt Nam.
* Trong cuốn sách "Từng là bá chủ," ông đã kết luận rằng Mỹ đang bị tụt hậu và vị trí của Mỹ đang bị thách thức bởi các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc? Ông có ý kiến gì thêm?
Thomas Friedman: Mục đích chính của tôi trong cuốn sách đó không phải so sánh Mỹ với Trung Quốc. Mục đích của chúng tôi là so sánh nước Mỹ trước kia với chính nước Mỹ hiện nay. Đó là lý do tôi đặt tên cuốn sách là "That used to be us." Tôi không định kết luận là Mỹ thua Trung Quốc.
Lập luận chính của tôi là Mỹ đã thực hiện công thức thành công trong 200 năm qua dựa trên 5 nguyên tắc cơ bản: giáo dục, pháp quyền, cơ sở hạ tầng, đầu tư nghiên cứu cơ bản bằng ngân sách nhà nước và chính sách nhập cư.
Và lo ngại của tôi là nước Mỹ đang xa dần công thức dẫn tới thành công trên. Và cuốn sách của tôi không yêu cầu mọi người đó đọc lại lịch sử của Trung Quốc, Brazil hay các quốc gia nào khác mà kêu gọi người Mỹ hãy xem lại lịch sử Mỹ và tìm lại công thức thành công của nước Mỹ.
* Mỹ nhiều lần tuyên bố "tái cân bằng" hướng về châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông sự quan tâm này, trong đó có quan tâm đến tình hình Đông Nam Á và Biển Đông, đang ở mức độ nào, nhất là vì Mỹ cũng đang có nhiều vấn đề nội bộ và nhiều điểm nóng khác trên thế giới cần quan tâm, ví dụ như Ukraine?
Thomas Friedman: Rõ ràng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 và 2 cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan đến nước Mỹ đã tác động lên chính sách Tái cân bằng đối với châu Á khiến việc triển khai chính sách này không mạnh mẽ như nhiều người mong muốn.
Vấn đề là Tổng thống của chúng tôi vừa đến đây và sự hiện diện của hải quân Mỹ tại khu vực vẫn rất mạnh mẽ nên các bạn không phải lo lắng về việc Mỹ sẽ rời khỏi khu vực.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn độc giả của báo Tuổi Trẻ đã hỏi những câu hỏi rất thú vị.
TUỔI TRẺ ONLINE
Sinh năm 1953, Thomas Friedman đang phụ trách chuyên mục đối ngoại của tờ The New York Times (Mỹ).
Ngoài những cuốn sách, bài báo về toàn cầu hóa đã làm nên tên tuổi của mình, Thomas Friedman cũng đã xuất bản nhiều cuốn sách bán chạy về biến đổi khí hậu (cuốn Nóng, Phẳng, Chật; 2009); vị trí của nước Mỹ sau vụ khủng bố 11-9 (Kinh độ và thái độ: Khám phá thế giới sau sự kiện 11-9; 2002); thách thức của nước Mỹ thời hiện tại (Ðã từng là nước Mỹ; 2011- đồng tác giả với Michael Mandelbaum).
Ân bản mới Thế giới phẳng của Thomas Friedman do Nhà xuất bản Trẻ phát hành