Thứ Bảy, tháng 6 13, 2015

Bài học đắt giá từ hợp tác kinh doanh với bạn thân

Do tin tưởng và không ký kết bằng giấy tờ khi góp vốn làm ăn chung với người bạn thân, anh Trần Duy đã phải ra đi gần như tay trắng trong lúc quán cà phê đang bắt đầu hoạt động tốt.
Dưới đây là kinh nghiệm rút ra trong việc "hùn hạp làm ăn với bạn bè" của anh Trần Duy (TP HCM) gửi đến VnExpress dành cho những bạn trẻ lần đầu làm kinh doanh.
Tôi năm nay 37 tuổi hiện kinh doanh tự do và thu nhập chính đến từ tiền cho thuê căn nhà cao tầng do ba mẹ cho trước đó. Thấy tôi có điều kiện về kinh tế nên một người bạn hồi học cấp ba sau khi thuê được một khu đất công với giá rẻ đã rủ tôi cùng tham gia mở quán cà phê. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm nên tôi đã từ chối hợp tác và người đó đã hùn hạp làm chung với một người khác.
Bạn khởi nghiệp thành công hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình tại đây hoặc email về kinhdoanh@vnexpress.net.
Họ đã nhanh chóng dọn dẹp khu đất đầy rác trở nên sạch sẽ, thoáng đãng. Sau đó, người bạn tiếp tục sắp đặt cuộc hẹn như tình cờ để lôi kéo tôi cùng tham gia.
Tôi đến xem và nghe thuyết trình về "chiếc bánh" được vẽ khá hấp dẫn. Thấy bùi tai, hơn nữa người rủ lại là người bạn từ 20 năm nay, nên tôi quyết định tham gia mà quên mất những nguyên tắc căn bản khi hùn hạp là phải ký trên giấy trắng mực đen.
Sau đó, người bạn này còn viện một số lý do như công ty riêng đang gặp khó khăn, vợ sắp sanh... để vay mượn tôi một số tiền (gấp 2,5 lần số tiền mà mỗi cổ đông cần bỏ ra để đủ xây dựng quán). Cũng do lúc đó tôi quá phấn khởi khi nghĩ rằng đã thuê được khu đất lớn với giá khá rẻ để xây quán nên chẳng nghĩ ngợi gì, vô tư cho bạn mượn tiền mà không đắn đo.
44_1433992681_1433992718.jpg
Khi hợp tác kinh doanh cần phải biết lựa chọn kỹ người.
Khi quán đi vào hoạt động, ngay những tháng đầu đã có lợi nhuận, nhưng anh bạn liên tục thuyết phục lấy số lãi này để đầu tư nâng cấp quán, nên mỗi cổ đông cũng không chia được bao nhiêu tiền.
Với sự tham gia quản lý của tôi, sau một năm, quán cơ bản đã nâng cấp đầy đủ và doanh số buôn bán tăng cao. Tôi là người chuyên trách tuyển dụng và lo phần huấn luyện nhân viên. Nhưng mỗi lần người bạn tôi đến quán thì lại hay quát mắng và thậm chí đuổi việc nhân viên để thị uy.
Đồng thời, những việc to nhỏ khác, anh ta luôn muốn theo ý mình nếu không thì làm ầm lên, rất mệt mỏi. Trong khi đó, bạn tôi lại là người duy nhất đứng tên hợp đồng thuê đất nên chỉ mình anh ta làm việc với ban quản lý đất. Và chỉ trong hơn một năm, người bạn này đã thông báo ba lần tăng tiền thuê mặt bằng (tăng hơn 300%) so với ban đầu.
Tôi thấy có gì đó không ổn nên tỏ ý muốn rủ người góp vốn còn lại cùng liên hệ ban quản lý khu đất để tìm hiểu vấn đề. Ngay lập tức, người bạn tôi bảo rằng không tin tưởng anh ta và trách móc tôi gây chia rẽ.
Sau đó, anh ta yêu cầu cổ đông kia phối hợp để đẩy tôi ra khỏi quán nếu không  sẽ chung số phận như tôi. Kết quả là tôi chỉ được nhận lại số tiền vốn ban đầu (không bao gồm số tiền tái đầu tư thêm) và phải ra đi vì không có giấy tờ gì chứng minh mình là cổ đông.
Nhờ vậy, từ không có tiền sau một năm người bạn ấy đã thâu tóm cổ phần của tôi và gần như nắm giữ phần lớn quán cà phê đang trong giai đoạn phát triển tốt.
Qua câu chuyện "xương máu" của bản thân, tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra được khi hùn vốn với người khác. Trước tiên là bạn cần kiểm tra tài chính thực tế của người hùn hạp. Người rủ hợp tác cần được kiểm tra kỹ nếu họ có tiền thì "bánh vẽ" đẹp cỡ nào bạn cũng không nên tham gia. Bởi nếu thua lỗ thì bạn phải gánh nợ thêm phần của họ, trường hợp phát triển tốt, họ là người "tay không bắt giặc" nhưng lại được hưởng lợi.
Thứ hai là luôn đảm bảo nguyên tắc ký kết bằng giấy tờ. Bạn bè rủ hùn hạp dù có tỏ vẻ thân thiết cỡ nào cũng phải nhất quyết ký giấy tờ thoả thuận công việc từng người, số cổ phần tương ứng trước khi bỏ tiền ra góp...Vì đến khi quán hoặc công ty có lợi nhuận, thì nó là miếng mồi thơm thúc đẩy lòng tham của con người. Lúc đó bạn có thân cỡ nào thì người hợp tác cũng kiếm cớ để đẩy bạn ra.
Ngoài ra, khi ký bất cứ hợp đồng nào liên quan đến dự án kinh doanh đã hùn hạp, bắt buộc bạn phải là người cùng tham gia, đồng ký tên. Trường hợp đối tác viện cớ này nọ thì yêu cầu ký bổ sung phụ lục hợp đồng có tên bạn.
Thứ ba là chọn kỹ người muốn hợp tác. Bạn phải kiểm tra kỹ nhân cách của người chuẩn bị hùn hạp xem họ là người được đánh giá thế nào? Phải tỉnh táo để ý tất cả những chi tiết diễn ra xung quanh họ, tuy nhỏ nhặt nhưng phản ánh chân thực nhất con người của đối tượng sẽ làm ăn chung. Những người nóng nảy, độc đoán thích làm theo ý riêng... tuyệt đối không nên hợp tác vì chắc chắn sẽ rạn nứt và đỗ vỡ.
Cuối cùng là phải mạnh mẽ đối diện sự thật. Nếu bạn lỡ đang hợp tác với một trong số những người như nêu trên và đang nếm trái đắng thì cũng đừng tự trách bản thân. Hãy xem sai lầm đó sẽ là một bài học sâu sắc trên con đường sự nghiệp của bạn.
Từ đó, bạn sẽ rút ra được một bài học đáng giá trên đường đời, mạnh mẽ hơn và thành công hơn như lời bài hát Stronger: "What doesn't kill you makes you stronger. Stand a little taller" (những thứ không giết được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn, đứng cũng sẽ cao hơn".
Trần Duy