Thứ Năm, tháng 9 25, 2014

9X dọn vệ sinh thành giám đốc, doanh thu 400 triệu/tháng

Để có được một công ty sản xuất kẹo với doanh thu 400 triệu/tháng, chàng trai 22 tuổi Thiện Lương phải trải qua gần 20 nghề như dọn vệ sinh, phát tờ rơi, bảo vệ, MC đám cưới.
Lâm Huỳnh Thiện Lương (sinh viên năm cuối, khoa Cơ khí, ĐH Công nghiệp TP.HCM) đang là giám đốc của cơ sở kẹo que mang chính tên mình ở TP.HCM. Mỗi ngày, cơ sở cho ra đời khoảng 4.000 cây kẹo, với doanh thu trung bình 400 triệu/tháng. Để được ngồi trong văn phòng sạch sẽ, mát lạnh như hiện tại thì chàng giám đốc mới 22 tuổi mất gần 4 năm trời trầy trật với khởi nghiệp và làm đủ mọi nghề.
Thích cơ khí, bén duyên với kinh doanh
Sỡ dĩ Thiện Lương chọn học khoa cơ khí vì từ thuở bé đã thích nghịch ngợm đồ điện tử. Cậu hay chế tạo ra những món đồ chơi từ mô tơ, pin, đèn… “Mình thích máy móc, kỹ thuật và thấy học cơ khí rất hợp. Từ khi cấp 3, mình vẫn mong muốn thành một kỹ sư hơn tất cả mọi công việc khác nên chọn ngành chế tạo máy”, Lương khẳng định.
IMG_9409
Chàng trai bán kẹo que Lâm Huỳnh Thiện Lương.
Nghĩ vậy, làm vậy mà cơ duyên lại đưa đẩy anh chàng gốc Hoa đến với kinh doanh. Năm lớp 12, Thiện Lương thử nhận bán kẹo que để kiếm thêm tiền tiêu vặt. Cậu học trò mang ra công viên 30/4 bán hàng nhưng không mấy người mua, chỉ lời được 35 ngàn/ngày. Lương giải thích: “Có lẽ do mình không có duyên bán hàng vì có tật nói ngọng, nói lắp”.
Bán được 1 tuần thì cậu nghỉ bán để tập trung vào việc học. Nhưng từ lần thử nghiệm ấy, Lương lại dần thích thú với kinh doanh. Trước hết, anh nghĩ rằng môi trường này sẽ giúp bản thân cải thiện khả năng giao tiếp vốn còn kém. Vì vậy, khi mới chỉ là tân sinh viên, chàng trai 9x đã xin đi làm nhiều công việc.
Cậu quan niệm: “Cũng như nhiều người thành đạt khác đều trải nghiệm từ những công việc rất nhỏ. Mình cũng bắt đầu từ vậy, với mỗi công việc sẽ cho mình những kỹ năng, trải nghiệm khác nhau. Nghĩ lớn những làm những việc nhỏ trước. Hơn nữa, mình cũng phải làm thêm để trang trải cuộc sống vì không muốn ảnh hưởng tới gia đình”.
Công nhân vệ sinh., làm bảo vệ và ăn ngày một bữa
Công việc đầu tiên Lương làm thời sinh viên là làm nhân viên một hệ thống thức ăn nhanh. Kiếm tiền và trên hết là học quy trình quản trị kinh doanh là mục đích của cậu. Làm suốt trong 6 tháng, Lương được đề xuất lên vị trí nấu ăn nhưng anh chỉ muốn làm phục vụ vì: “có thể giúp mình học giao tiếp, kỹ năng…”.
Lương cũng hay đảm nhận vị trí dọn phòng vệ sinh, lau sàn nhà 10 phút/lần vì cho rằng việc này sẽ giúp mình có tính tỉ mỉ, quan sát. Những buổi đào tạo kỹ năng cho nhân viên, Lương đều ghi âm, quay phim lại để về nhà học thêm, nhất là về khả năng thuyết trình.
1392001_712599188783409_4385911886613499920_n
Từ bán kẹo que ở công viên, sau đó Lương làm thêm rất nhiều công việc khác.
Rồi sau đó, cậu thử sức bằng việc mở quán cà phê ở sân thượng. Không có vốn nên phải xoay sở mượn mỗi người một ít. “Quán cà phê không lỗ nhưng mình chẳng có lời”, Lương nói. Bởi vì bao nhiêu lợi nhuận dù không nhiều cậu lại để trả nợ, lo cho sinh hoạt. Trong thời gian đó, Lương cũng đi làm cò nhà trọ. Một lần, chở khách đi xem trọ thì bị mất chiếc xe mượn của bạn và lại phải gánh thêm nợ. Thời gian này, có khi Lương phải đi phát tờ rời để đủ trang trải cuộc sống.
“Có nhiều lúc mình không đủ tiền nạp card điện thoại, có khi cả ngày chỉ dám ăn một bữa cơm. Quán cà phê mở được 4 tháng thì phải ngưng vì bị tăng giá thuê và không đủ tiền gia hạn hợp đồng”, chàng trai 9X kể.
Cứ việc gì tốt mà có tiền thì làm nên sau đó Lương tiếp tục đi làm MC đám cưới ở tận Bình Dương, tham gia đóng diễn viên phụ, nhân viên bất động sản, bán bảo hiểm, buôn điện thoại… Thời điểm Tết năm 2013, 9X này đi làm bảo vệ đường hoa Nguyễn Huệ, có lúc làm đến 38 tiếng liên tục để có tiền mua quần áo đi bán lề đường.
Dịp 8/3 năm 2013, Lương lại quay trở lại bán kẹo que. Lần này anh tập trung hẳn một nhóm, có hẳn ban quản trị kinh doanh, lên kế hoạch rõ ràng. Nhóm của Lương tỏa khắp các công viên, khu vui chơi của TP.HCM và xuống tận Vũng Tàu bán. Những cây kẹo đủ hình thù đẹp mắt, lời chào hàng ngọt ngào… giúp lần đi buôn này thành công. Từ đó, Lương tiếp tục gắn bó và mở rộng mô hình bán kẹo que.
Doanh thu 400 triệu/tháng với kẹo que hạnh phúc
Lương tiếp tục cùng nhóm bán đi bán kẹo que với quy mô ngày càng mở rộng ra tận Đà Lạt, Nha Trang… Trung bình, riêng Lương kiếm được khoảng 10 triệu/tháng. Tuy nhiên vì muốn có công ty, cơ sở sản xuất đàng hoàng nên anh đều dành dụm làm vốn và nghiên cứu phương thức làm kẹo.
10268431_724723414237653_7897461140272962345_n
Mô hình bán kẹo que của Lương phát triển.
Những lần thử nghiệm làm kẹo tại phòng trò thất bại, khi thì ngọt, lúc lại chua quá, rồi những đơn hàng lớn bị lỗi… càng khiến chàng trai gốc Hoa quyết tâm gầy dựng. Anh gây dựng kênh bán hàng cả offline và online, cải tiến bằng những dịch vụ độc đáo, gần gũi giới trẻ như khắc tên, vẽ chibi… lên kẹo.
Đến tháng 5/2014,  Lương mở một xưởng sản xuất với số vốn hơn 100 triệu trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp). Trước kia, mỗi ngày chỉ làm được 500 cây kẹo thì nay xưởng đã sản xuất đến 4.000 cây/ngày. Từ chưa đến 20 nhân viên, hiện tại Lương đã quản lý trên 50 người.
Anh còn tặng miễn phí giỏ kẹo cho trẻ em nghèo để các em bán, nhận người khuyết tật vào xưởng làm kẹo. Lương gọi sản phẩm của mình là kẹo que hạnh phúc. Chàng giám đốc tuổi 22 lý giải: “Điều này bắt nguồn từ 3 nhân tố: người làm ra sản phẩm, sản phẩm và người bán sản phẩm đều thấy hạnh phúc khi mua, bán kẹo”.
Sau một thời gian công ty đi vào hoạt động, đã có nhiều đơn hàng đổ về, nhiều nơi xin làm đại lý. Thời gian sắp tới, Lương sẽ tiếp tục mở rộng thị trường cũng như tạo dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp hơn.
Nguồn Zing

Thứ Sáu, tháng 9 05, 2014

Giám đốc trung tâm tiếng Anh bỏ đại học giữa chừng

Hơn 2 năm sau khi khởi nghiệp với 40 triệu đồng đi vay để mở lớp học, hiện trung tâm của Phương có 9 cơ sở tại Hà Nội và TP HCM

Sinh năm 1989 tại Hòa Bình, từ nhỏ, Bùi Thị Phương đã nổi tiếng ở vùng quê nghèo vì học giỏi, chịu khó. Cấp I, cấp II đều học trường làng, lên cấp III Phương thi đỗ vào lớp chuyên Lý, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (TP Hòa Bình).
Với thành tích học tập đáng nể, từng đại diện cho trường tham gia đội tuyển thi quốc gia môn Vật lý, Phương thi đỗ vào Đại học Ngoại thương Hà Nội. Từ năm đầu của bậc cử nhân, cô đã nung nấu ý định kinh doanh. Gia đình không có điều kiện, nhưng do học giỏi nên nhiều họ hàng tin tưởng cho cô vay hơn 30 triệu để mở một shop thời trang trong một con ngõ phố Chùa Láng. Một thời gian sau, công việc thuận lợi nên cô mở thêm 2 cửa hàng nữa. 
Không dừng lại ở đó, cô sinh viên còn mở thêm một nhà hàng chuyên bán Pizza, mỳ Ý và cơm văn phòng. Những công việc này giúp cô đủ trang trải cho việc học tập và phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với cô sinh viên năm thứ 4 đầy tham vọng, Phương bắt đầu cảm thấy nhàm chán và muốn tìm cho mình một hướng đi mới, dài hơi hơn. Cô nhượng lại các shop thời trang, còn cửa hàng bánh thì cho người nhà quản lý để dành thời gian ấp ủ cho kế hoạch mới.
E-Phuong-450-7712-1409826884.jpg
Giám đốc trung tâm ngoại ngữ Aten chưa từng tốt nghiệp đại học. Ảnh: NVCC
Phương cho biết những năm đại học, các môn của cô đều có kết quả không tệ. Tuy nhiên, riêng với ngoại ngữ, mặc dù rất chịu khó nhưng cô cảm thấy rất bế tắc trong phương pháp học và kết quả không mấy khả quan, thậm chí đứng cuối ở lớp.  
"Có kỳ thi mình chép bài ngoại ngữ của bạn. Thực sự đó là một cảm giác không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, khi ấy mình lại khá bế tắc trong phương pháp học môn ngoại ngữ này. Nhận thấy rất nhiều sinh viên rơi vào tình trạng đó nên mình có ý tưởng sẽ mở trung tâm tiếng Anh", Phương kể.
Nảy ra ý tưởng như vậy nhưng bắt tay vào làm là một điều không dễ dàng trong khi cô còn đang bận với những kế hoạch học tập và tốt nghiệp của một sinh viên năm cuối. Lúc đó, Phương có suy nghĩ sẽ nghỉ học để triển khai kế hoạch kinh doanh. Tất nhiên, biết được ý định đó, cả gia đình cô kịch liệt phản đối.
"Ai cũng nói chỉ còn mấy tháng nữa là lấy bằng đại học tại sao không cố gắng. Mẹ khuyên nhủ không được thì mắng mỏ nhằm thay đổi suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, tính cách của mình vốn là như vậy, không thể chờ đợi thêm được nữa. Mình cũng tự tin với kế hoạch và sẵn sàng với mọi điều xấu nhất nên đã không suy nghĩ lại", Phương kể.
Đầu năm 2012, cô nghỉ học và triển khai kế hoạch mới với 40 triệu đồng để trang trải tiền thuê 2 phòng học và một giáo viên. Đến tháng 3 năm đó, Trung tâm ngoại ngữ mang tên Aten của cô đi vào hoạt động. Để tiết kiệm chi phí do thời gian đầu, khi học viên chưa đông, Phương phải tự tay làm tất cả mọi việc, thậm chí là dọn nhà vệ sinh cho trung tâm. 
Một khó khăn khác cũng đòi hỏi cô phải tìm ra hướng giải quyết, đó là cải thiện trình độ tiếng Anh của bản thân. Bởi vì nếu làm quản lý một trung tâm ngoại ngữ mà chính mình lại học môn này rất tệ thì không ổn. Phương mua sách, CD về tự mày mò để tìm ra phương pháp học đúng đắn nhất. Vài tháng sau, lượng học viên ổn định, cô thuê được địa điểm lớn hơn, chuẩn hóa chương trình học, và tuyển dụng giáo viên... Và đến nay, trung tâm đã có 9 cơ sở với khoảng 300 nhân viên. Mỗi ngày, một cơ sở có 10 đến 20 lớp học. 
"Tuy là trung tâm ngoại ngữ cho những người học ngoài giờ nhưng cũng có những nội quy thưởng phạt cho học viên, giáo viên một cách rõ ràng. Mình muốn tạo ra một môi trường học tập, làm việc nghiêm túc và hiệu quả", Giám đốc Aten nhấn mạnh nguyên tắc điều hành trung tâm.
Phương cũng cho biết, những kiến thức về quản trị, đào tạo nhân sự, phát triển hệ thống, mạng lưới kinh doanh... cô đều tự mày mò đọc sách. Cô đang ấp ủ rất nhiều kế hoạch kinh doanh mới như mở trường mầm non với các phương pháp giáo dục hiện đại, có cam kết đầu ra. 
Với câu hỏi "Làm sao khởi nghiệp khi không có tiền?", Phương cho biết, các bạn trẻ đừng ngại ngần vay mượn.
"Những người trẻ muốn khởi nghiệp hầu hết đều phải đi vay mượn trong quy mô có thể của dự án. Tuy nhiên, không làm được lớn luôn thì bắt đầu từ nhỏ, rồi tích tiểu thành đại, chính vì thế, chỉ cần một vài triệu cũng có thể làm được rồi", cô chủ trẻ bộc bạch.
Ngọc Minh