Thứ Hai, tháng 3 30, 2015

Những CEO thành triệu phú trước tuổi 30


Những CEO thành triệu phú trước tuổi 30

"Thành đạt của bạn, nó nằm ở trong lòng mình, nó không nằm trên môi kẻ khác! Nhớ giùm tôi thế nhé!"

Ta không học hỏi, mà là ta đố kị" là hai câu hay trong số nhiều ý hay khác từ bài viết cực "chất" bên dưới của nhà vănTrang Hạ
Năm kia tôi mời một bạn trẻ năng động và khá sáng tạo vào tham gia một dự án truyền thông của tôi cho một nhãn hàng trong Sài Gòn, bạn ấy từ chối và nói, bạn ấy cần dành một năm trước mắt để trở thành triệu phú đô la.
Tôi ngạc nhiên hỏi, em vừa bỏ học đại học, em cũng từ chối đi kiếm tiền, thế thì làm triệu phú ra sao? Bạn ấy nói, thế giới đã thống kê rồi, các triệu phú trẻ trên Internet và Youtube đều trở thành triệu phú đô la trước 21,5 tuổi. Vì thế em chỉ còn 1 năm nữa để tranh thủ tìm cách thành triệu phú trên mạng, nếu không sẽ trôi qua "tuổi hoàng kim" - cơ hội để thành triệu phú đô la của em. Nếu không thành triệu phú đô la, thì từ 22 tuổi em sẽ tính kế hoạch khác! Tuổi hoàng kim để trở thành triệu phú bằng cách thông thường trong đời thực như kinh doanh, làm tổng giám đốc... sẽ kéo dài tới 40 tuổi.
Làm tôi nhớ lại mình hình như đã từng trải qua cảm giác này, như bạn.
Năm 1987, nữ ca sĩ trẻ Vanessa Paradis hát ca khúc "Joe le taxi" làm điên đảo làng nhạc nhẹ thế giới, lúc đó cô 15 tuổi. Nhưng phải đến đầu những năm 90, qua chương trình VKT của anh Lại Văn Sâm, tôi mới biết đến ca khúc này. Tôi thực sự thích "Joe le taxi" nhưng đi cùng với niềm yêu thích là những dằn vặt triền miên theo tôi từng ngày: 15 tuổi cô ấy đã nổi tiếng toàn thế giới, còn tuổi 15 của tôi đã làm được điều gì có giá trị?
Đến hồi học đại học, gần như những bạn bè quanh tôi đều lên cơn sốt vì tấm gương những sinh viên kiếm ra tiền nhiều trong các "Câu lạc bộ sinh viên thành đạt" được thành lập ở vài trường đại học lớn. Tiêu chuẩn của các câu lạc bộ này, là sinh viên năng động làm thêm, kiếm nhiều tiền, đạt được chức vụ nào đó ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi ấy, thu nhập làm thêm được coi là chuẩn thành đạt của sinh viên. Những tin tức như, sinh viên 21 tuổi làm trưởng phòng, sinh viên vừa tốt nghiệp nửa năm đã là giám đốc kinh doanh, phó tổng giám đốc trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 24 v.v... khiến nhiều bạn bè tôi dù nghề chẳng liên quan gì tới kinh tế, nhưng cũng cảm thấy bản thân thật thiếu chuẩn và thua kém xã hội.
Đứa em tôi vào đại học, nằng nặc đòi bố mẹ mua cho xe máy, không phải vì học xa mà vì không thể thua kém bạn bè.
Có đứa cháu suốt ngày bị bố mẹ dằn hắt. Bố mẹ nói, con nhà người ta 25 tuổi đã là chức này chức kia, mua được cả ô tô, con mình đi làm cả tháng không để dành được đồng nào. Thế này đến bao giờ mới ổn định sự nghiệp, liệu có nên ông nên bà, hay chỉ là thằng là con?
Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là ngày tháng, là bạn bao nhiêu tuổi, bạn tài giỏi hay bạn vô dụng. Mà là cái đầu và suy nghĩ của chúng ta đã luôn bị thôi miên bởi thành công của người khác!
Giả dụ ở tuổi 15, bạn thèm muốn giọng hát hay của người khác. Nhưng giá như được trời phú cho giọng hát hay rồi, bạn sẽ thèm muốn nhan sắc của người khác.
Nếu bạn đã xinh đẹp hát hay rồi, nhưng bạn sẽ vẫn đố kị với những người được nâng đỡ nào đó. Nếu bạn đã có ông bầu nghệ thuật rồi, thì bạn bắt đầu dằn vặt vì sao mình chưa giàu, chưa sang như người nào đó.
Hoặc giả nếu thời sinh viên, tôi lọt được vào câu lạc bộ sinh viên thành đạt, thì chắc tôi cũng vẫn đau khổ như cũ, khi tôi nhận ra mình thua kém tất thảy mọi loại con ông cháu cha được lót sẵn ổ, trải thảm đỏ vào đời.
Sẽ luôn có một ai đó hơn chúng ta, và chúng ta bị thôi miên chạy theo những gì người khác có, vĩnh viễn, chúng ta cứ vượt được người này, rồi sẽ xuất hiện kẻ khác hơn hẳn mọi mặt!
Bạn có nhận ra rằng, không phải ta đang cầu tiến, mà ta đang bị dục vọng và thèm khát chỉ huy đời ta?
Ta không học hỏi, mà là ta đố kị.
Ta không chạy đua với một người giỏi hơn, mà là ta đang chạy đua với cả thế giới. Nói đúng hơn, ta để cả thế giới này đều là địch thủ, và ta chống lại cả thế giới.
Nếu bạn nghĩ, thực ra người duy nhất ta cần chiến thắng là bản thân mình. Và người duy nhất mà ta luôn cần giỏi hơn, là ta luôn phải giỏi hơn ta của ngày hôm qua. Thì thế đã đủ!
Bạn nhìn đời mình bằng tấm gương nào, bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu qua hình hài đó. Bạn nuôi dưỡng con người thiện tâm bao dung, bạn sẽ nhìn thấy sự hài hòa cuộc đời từ đó. Bạn nuôi dưỡng con người đố kị và thèm khát, đời trả lại cho ta biết bao nhiêu cơn hờn ghen gặm nhấm.
Nếu năm nay bạn giỏi hơn năm ngoái, người bạn gặp ngày càng thú vị và giỏi giang hơn, bạn chưa phải nói lại một câu nói nào cũ kỹ, bạn không cần phải liên tục đổi bạn thân cũ lấy bạn thân mới, bạn không thấy cuộc đời u ám vì tại sao kẻ khác luôn hơn ta, luôn may mắn, luôn giàu có, luôn được yêu thương... Thì tôi tin, bạn đã là một người tuyệt vời rồi. Dù bố mẹ và người thân vẫn lấy cả thế gian này ra để so sánh với bạn!
Thành đạt của bạn, nó nằm ở trong lòng mình, nó không nằm trên môi kẻ khác! Nhớ giùm tôi thế nhé!
Trang Hạ

Thứ Bảy, tháng 3 07, 2015

CEO sinh năm 88 kiếm 200 triệu/tháng: Sở hữu 4 quán cafe Cộng và quán Thái Koh Samui

Với nhiều người, cái tên Nguyễn Hà Linh đã không còn xa lạ bởi cô gái trẻ 8X này không chỉ là CEO của trung tâm ngoại ngữ IBEST, mà còn quản lý chuỗi cà phê Cộng và nhà hàng Koh Samui Hut được nhiều người yêu thích tại Hà Nội.
Khởi nghiệp từ ý tưởng...tiết kiệm tiền cho bố mẹ
Chúng tôi hẹn gặp Hà Linh tại quán cà phê Cộng trên phố Vạn Phúc - một trong 4 cửa hàng cà phê cô nhận nhượng quyền. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cô gái trẻ sinh năm 88 năng động này là lúc nào cũng bận rộn với điện thoại.
Hà Linh cho biết cô bắt đầu khởi nghiệp khi là sinh viên năm thứ nhất của trường Đại học Hà Nội. Tại khoa Quản trị kinh doanh của Linh, các môn học đều được giảng dạy bằng Tiếng Anh, do đó yêu cầu bắt buộc đối với các sinh viên được học chuyên ngành là đạt điểm thi IELTS ít nhất 6.0.
Điều này không hề đơn giản với Linh - người từng theo học lớp chuyên Toán của trường THPT Hà Nội-Amsterdam. Vì vậy, cô quyết định học thêm để trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình.
Sau khi tìm hiểu một số trung tâm Tiếng Anh nổi tiếng như ACET hay Hội đồng Anh, Hà Linh nhận thấy học phí tại đây thường rất cao.
Nguyễn Hà Linh-Giám đốc điều hành của trung tâm IBEST. Ảnh: NVCC
Để chủ động hơn trong việc học và cũng để tiết kiệm tiền cho bố mẹ, Linh đã nghĩ ra cách đăng tin quảng cáo để rủ các bạn khác cùng thuê thầy giáo về dạy.
Mặc dù mục đích ban đầu chỉ là mở lớp cho mình học nhưng sau khi có đến 80 người đăng ký, Linh nhận ra đây chính là cơ hội tốt để mình kinh doanh.
Nghĩ là làm, ban đầu Linh mở được 4 đến 5 lớp học và tự tay làm hầu hết mọi việc. Sau 3 năm (từ 2007 đến 2010), trung tâm Anh ngữ IBEST với đầy đủ pháp lý chính thức ra đời. Với 2 chi nhánh tại Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng và chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội IBEST thu hút được khoảng 200 học viên mới mỗi tháng. Đây cũng là trung tâm tiếng Anh được nhiều người đánh giá là uy tín và chất lượng.
Với sự phát triển ngày càng mạnh của IBEST, Linh quyết định nhận thêm vốn đầu tư từ bên ngoài. Hiện nay, cô nắm giữ 50% cổ phần của IBEST và đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành của trung tâm.
Đến thu nhập 200 triệu đồng mỗi tháng
Sau khi thành công với IBEST, Hà Linh lại muốn thử sức mình với những lĩnh vực kinh doanh mới. Từng rất yêu thích và ấn tượng với chuỗi cà phê Cộng, lại nhận thấy tiền đầu tư không quá lớn nên Linh quyết định mua thương hiệu và cùng với bạn bè mở 4 quán cà phê có phong cách độc đáo này.
Theo Linh, vì chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực kinh doanh cà phê nên mua thương hiệu là cách nhanh nhất để được đào tạo, học hỏi từ mô hình vốn đã rất thành công.
Nguyễn Hà Linh tại cửa hàng Koh Samui House. Ảnh: NVCC
Các món tráng miệng Thái tại Koh Samui được rất nhiều người yêu thích. Ảnh: NVCC
Từ kinh nghiệm quản lý và điều hành chuỗi cà phê Cộng, Linh lại nảy ra ý tưởng mở ra chuỗi nhà hàng Koh Samui Hut chuyên các món Thái như xôi xoài, kem dừa hay trà sữa Thái...với giá bình dân. Sự ra đời của Koh Samui đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ các bạn trẻ, cùng với đó kéo theo trào lưu bán các đồ ngọt Thái ở khắp mọi nơi.
Hiện nay ngoài 2 quán Koh Samui Linh và bạn bè trực tiếp quản lý, cô còn nhượng quyền thương hiệu cho 2 quán khác.
Sau khi trừ tất cả các loại chi phí, thu nhập hàng tháng của cô gái 27 tuổi này ước tính khoảng 150-200 triệu đồng.
Trong tương lai, CEO 8X cho biết sẽ tiếp tục mở rộng công việc kinh doanh hiện tại và có thể sẽ thử sức với một vài thương hiệu mới trong lĩnh vực ăn uống.
Thành công=Nỗ lực+May mắn
Linh chia sẻ rằng để đạt được thành công như hiện nay, cô đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Nhưng theo Linh, trở ngại lớn nhất chính là làm thế nào để ngày càng trưởng thành và hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.
Khó khăn thứ hai là chọn được những bạn đồng hành phù hợp. Bởi với một người trẻ như Linh, việc nhìn người khó tránh khỏi những va vấp và sai lầm.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh là thách thức tất yếu mà bất kỳ người kinh doanh nào đều phải trải qua. Linh cho biết cô từng bị nhiều đối thủ tìm cách bôi nhọ uy tín nhưng cô vẫn luôn vững tin và cố gắng vượt qua.
Thành công bao gồm 65% nỗ lực và 35% may mắn. Ảnh: FBNV
Nói về thành công của mình, CEO IBEST cho rằng có 65% là sự nỗ lực và 35% còn lại là may mắn.
Hà Linh tự nhận mình là người khá may mắn trong kinh doanh vì trong suốt quá trình khởi nghiệp cô chưa gặp phải thất bại nào quá lớn.
Linh tiết lộ một trong những bí quyết thành công của cô là đi du lịch thật nhiều để được học hỏi và trải nghiệm. Mỗi năm, Linh tự đặt ra mục tiêu cho mình là phải khám phá những vùng đất mới. Tính đến nay, Linh đã đến được hơn 10 nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia nổi tiếng như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hong Kong...Tại mỗi nơi đặt chân đến, Linh quan sát cách người ta sống, làm việc và kinh doanh rồi từ đó rút ra những bài học riêng cho mình.
"Kinh doanh là cả một sự đầu tư chất xám, đầu tư về thời gian. Người thành công là người có khả năng quan sát và phân tích ngay cả những chi tiết nhỏ nhất", Linh nhấn mạnh.