Thứ Năm, tháng 4 21, 2016

Mạng xã hội: công cụ mới dành cho nhà khoa học thế kỷ 21






Trong bài viết này, tác giả sẽ lý giải lợi ích của việc dùng mạng xã hội, các trang mạng phổ biến cũng như tóm tắt một số điều cần lưu ý khi dùng các công cụ này.

Vì sao phải dùng mạng xã hội?


Trong những thế kỉ trước, nói đến nhà khoa học là nói đến những người mặc áo trắng ngồi trong phòng thí nghiệm cặm cụi nghiên cứu một mình. Điều này cũng được thể hiện qua việc các bài báo khoa học vào thời đó thường chỉ có một tác giả đứng tên. Ngay cả các công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn với nhân loại như thuyết tương đối hay phát hiện về các nguyên tố phóng xạ cũng thường là thành quả của một cá nhân.









Hình 1: Trái: Chân dung Marie Curie - người phụ nữ duy nhất nhận được hai giải Nobel, giải thưởng danh giá nhất dành cho các nhà khoa học (© Susan Marie Frontczak). Phải: Khám phá của Marie Curie về tia xạ phát ra từ Uranium và Thorium được đăng lại trên tạp chí Resonance (2011) chỉ có một tác giả đứng tên.


Từ những năm 1920 đổ lại, các vấn đề khoa học công nghệ ngày càng trở nên hóc búa và phức tạp. Những dự án nghiên cứu và bài toán khó của thế kỉ thường yêu cầu nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác. Số lượng tác giả đóng góp vào mỗi công trình cũng ngày càng nhiều. Điển hình nhất là trong các lĩnh vực vật lý lượng tử, giải mã gene hoặc các thử nghiệm lâm sàng liên quốc gia, số lượng tác giả đóng góp vào mỗi công trình có thể lên tới hang trăm hay hàng ngàn. Một bài báo xuất bản trên tạp chí Physical Review Letters (tháng 5, 2015) lập kỷ lục với hơn 5000 tác giả. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào những nhà khoa học này biết đến nhau và trở thành cộng sự trong các dự án siêu lớn này?


Trước đây, cách tốt nhất và phổ biến nhất để làm việc này là tham dự những hội thảo lớn, gặp gỡ và trò chuyện với các chuyên gia ngay tại đó. Với sự bùng nổ của mạng internet, ngày càng có nhiều tương tác giữa người với người được thực hiện trên mạng thay vì gặp mặt trực tiếp. Cũng như nhiều ngành nghề khác, một cuộc đối thoại ngắn 5 - 10 phút có thể giúp bạn làm quen thêm được với một đối tác tiềm năng cho công trình nghiên cứu mới của mình. Trong các thập niên trước, nhà khoa học chưa có một trang mạng xã hội cho riêng họ. Thay vào đó, họ sử dụng các trang như Yahoo360, Facebook hay Twitter để trao đổi thông tin với nhau , đồng thời giúp cho công chúng hiểu thêm về khoa học. Nhưng các trang mạng này thường chứa quá nhiều các thông tin thuộc nhiều chủ đề khác và đôi khi khiến cho thông tin về khoa học bị chìm khuất. Vào khoảng 10 năm trở lại đây, các trang mạng xã hội dành riêng cho khoa học gia bắt đầu hình thành và trở nên phổ biến.


Theo một khảo sát mới đây của tạp chí Nature, ngày càng có nhiều nhà khoa học sử dụng các trang này và cho rằng chúng giúp họ được nhiều người trong cùng lĩnh vực biết tới, và hỗ trợ họ kết nối với các chuyên gia khác ở nhiều chuyên ngành hay nhiều quốc gia khác nhau. Bên dưới là ví dụ về 6 trang mạng xã hội phổ biến nhất cho nhà khoa học. Lưu ý là tất cả các trang này đều miễn phí.


Các trang mạng xã hội phổ biến

1. ResearchGate


https://www.researchgate.net/home


Đây là trang mạng phổ biến nhất hiện nay trong giới khoa học gia trên toàn thế giới. Mục tiêu của ResearchGate là kết nối các nhà nghiên cứu và thúc đẩy quá trình trao đổi kết quả, kiến thức và kinh nghiệm giữa họ với nhau. Sử dụng trang này, bạn có thể tạo "sơ yếu lý lịch khoa học" cho bản thân, tìm kiếm các công việc phù hợp với kĩ năng, kết nối và giữ liên lạc với các đồng nghiệp hay các khoa học gia cùng lĩnh vực hoặc yêu cầu bài báo từ tác giả. Một công cụ rất hữu ích của ResearchGate là mục "Hỏi đáp", cho phép bạn đặt câu hỏi về một vấn đề khúc mắc trong quá trình nghiên cứu. Bản thân tác giả bài viết này cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ về mặt kĩ thuật khoa học khi dùng ResearchGate. Bên cạnh đó ResearchGate còn có chức năng tìm kiếm việc làm thuận tiện.





Hình 2: Một khoa học người Brazil đăng tin tìm kiếm cộng sự trên ResearchGate để cùng nghiên cứu về tác dụng của biến đổi khí hậu lên loài ong.

2. Linkedin


https://www.linkedin.com/


Tuy không dành riêng cho nhà khoa học, người dùng Linkedin có thể tạo và tham gia vào các nhóm nhỏ có nội dung và mối quan tâm tập trung hơn, chẳng hạn như hiệp hội của những người nghiên cứu cùng ngành với bạn. Một số nhà tuyển dụng cũng thường sử dụng Linkedin để tìm hiểu về bạn vì hồ sơ trên linkedin thường chứa nhiều thông tin và dễ theo dõi hơn một bản sơ yếu lý lịch thông thường. Bạn có thể tạo một trang hồ sơ với định dạng linh hoạt, tùy chỉnh theo những kĩ năng của mình, thêm vào đường dẫn tới các trường đại học hay dự án mà bạn tham gia hoặc trích dẫn các bài báo mà bạn từng xuất bản. Dựa trên các thông tin này, linkedin dùng các thuật toán để gợi ý cho bạn những người có điểm chung hoặc các công việc phù hợp với hồ sơ của bạn.





Hình 3: Một trong những hiệp hội chuyên về khoa học và công nghệ trên LinkedIn.

3. Academia.edu


https://www.academia.edu/


Ý tưởng của Academia.edu xoay quanh trào lưu mới về open-access, nghĩa là các bài báo, các công trình khoa học miễn phí cho mọi đối tượng độc giả. Trang web này cho phép các tác giả chia sẻ những bài báo mà họ xuất bản với tất cả những thành viên khác. Thống kê của Academia.edu cho thấy lượng trích dẫn của các nghiên cứu tăng lên rất nhiều lần khi được chia sẻ ở đây. Lần trích dẫn (citation - số bài báo trích lại các kết quả trong một công trình khoa học) là một chỉ số quan trọng dùng để đánh giá mức độ làm việc hiệu quả của các nhà nghiên cứu, vì vậy khi có khá nhiều người tham gia Academia.edu đơn thuần vì mục đích này. Mặc dù không phổ biến bằng ResearchGate, Academia.edu hiện nay có tới 21 triệu thành viên đăng ký.

4. Mendeley


https://www.mendeley.com/


Ngoài các tính năng phổ biến như lưu trữ bài báo và thông tin về tác giả, Mendeley còn cho phép người sử dụng chia sẻ quyền quản lý nguồn tài liệu tham khảo chung để có thể hợp tác dễ dàng khi cùng viết một bài báo hay đề án xin ngân quỹ. Ngoài ra, công cụ quản lý tài liệu tham khảo Medeley được phát hành miễn phí và đang được sử dụng rộng rãi.

5. ResearchID


http://www.researcherid.com/Home.action


Khi tham gia vào researchID, các thành viên sẽ được cấp cho một mã số mang tính duy nhất. Mã số này giúp cho các nhà nghiên cứu quản lý các bài báo mà họ xuất bản, theo dõi lượng trích dẫn, tìm kiếm các cộng sự tiềm năng và tránh bị nhầm lẫn với những người có cùng tên hay họ. Hiện nay (09/2015), 563 Việt Nam đang tham gia sử dụng trên trang web này.

6. Epernicus | Network


https://www.epernicus.com/network


Gần giống như ResearchGate, trang web này cho phép các nhà khoa học kết nối với những người cùng lĩnh vực hay cùng cơ quan nghiên cứu, tìm kiếm các công cụ, vật liệu hay chuyên môn cần thiết cho dự án của họ từ chính mạng lưới này.
7. Twitter


https://twitter.com/?lang=en


Bất kể sự ra đời của các trang mạng xã hội khác dành cho khoa học gia, Twitter vẫn là một công cụ khá tốt để trao đổi thông tin. Có khá nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng tham gia Twitter. Điển hình nhất là nhà vật lý- thiên văn học Neil deGrasse Tyson. Neil tham gia nhiều chương trình truyền hình về khoa học ở Mỹ, được ví von như minh tinh trong giới khoa học. Hiện nay ông có hơn 2 triệu người theo dõi (follower). Các nhà khoa học gia dùng Twitter để đưa các tin ngắn về những bài báo, công trình nghiên cứu mới, các lời khuyên dành cho sinh viên… Một số ngành học như Sinh học tổng hợp hoặc Kĩ thuật gene có khá nhiều thành viên tham gia Twitter. Chỉ cần dõi theo các chuyên gia đầu ngành hoặc các tạp chí khoa học là bạn có thể được cập nhật thông tin cần thiết mà không cần quá nhiều nỗ lực.





Hình 4: Trong một trao đổi hài hước trên Twitter, Neil Tyson viết “Vì sao khi nữ hoàng Elizabeth kế vị vua George vào năm 1952, vương quốc Anh không được đổi tên thành vương quốc...Chị?”
Làm thế nào để sử dụng các trang mạng xã hội này một cách hiệu quả?
Lựa chọn kĩ càng trang mạng phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích của bạn


Lựa chọn trang mạng phù hợp để tham gia khá quan trọng. Nếu bạn muốn tìm nơi để kết nối với các nhà khoa học khác, bất kì trang nào nói trên cũng đáp ứng được nhu cầu này. Nếu bạn chỉ muốn có người giúp đỡ và tư vấn về những trục trặc kĩ thuật hay các kiến thức khoa học, ResearchGate là nơi phù hợp nhất cho bạn. Còn với Academia.edu, bạn sẽ dễ dàng tải được nhiều bài báo mà không cần trả phí cho các tạp chí, và cũng có thể làm tăng lượng trích dẫn cho công trình của mình.
Đầu tư xây dựng sơ yếu lý lịch khoa học trên trang mạng mà bạn lựa chọn


Nhớ ghi rõ thông tin về quá trình học tập và công tác, chủ đề nghiên cứu mà bạn đang theo đuổi, các công trình nghiên cứu và chuyên môn của bạn, những cơ hội mà bạn đang tìm kiếm. Quan trọng nhất là phải viết các thông tin này bằng ngôn ngữ dễ hiểu để công chúng, các nhà báo hoặc những người làm ở lĩnh vực khác đều có thể tiếp cận được. Tránh sử dụng các từ mang tính chuyên ngành quá sâu, chú thích rõ ràng thuật ngữ trong bài viết. Hoàn chỉnh tất cả các điểm trong hồ sơ và nhớ sử dụng một tấm hình chân dung nhìn thật chuyên nghiệp. Và nhớ là cập nhật hồ sơ này thật thường xuyên!
Hãy bắt tay xây dựng mạng lưới các cộng sự tiềm năng ngay từ bây giờ!


Kết nối một cách có chọn lọc với những người bạn biết ngoài đời hoặc biết đến thông qua một người khác, với những người có cùng mối quan tâm về khoa học công nghệ, hoặc có các chuyên môn, kĩ năng mà bạn cần. Nếu như bạn cảm thấy bắt đầu nhận được các thông tin không thực sự đáng quan tâm hoặc không liên quan thì có thể ngừng theo dõi họ hoặc tìm cách tổ chức, sắp xếp lại các mối quan hệ trên mạng này. Nên nhớ, số người mà bạn kết nối không quan trọng bằng độ bền chặt của từng mối liên hệ.
Lưu ý cách thức và nội dung trong giao tiếp


Cũng như trong các mỗi quan hệ ngoài đời thực, bạn cần phải tích cực trao đổi thông tin và tham gia các cuộc thảo luận để mọi người biết đến và hiểu hơn về bạn. Điều cần lưu ý là mỗi trang mạng xã hội, mỗi nhóm nhỏ, mỗi chủ đề thường có “văn hoá giao tiếp” riêng. Khi tham gia vào các cuộc đối thoại này, bạn cần phải hết sức để ý cách thức mà mọi người trao đổi thông tin với nhau để có thể hoà nhập dễ dàng hơn. Đặc biệt với ResearchGate, khi bạn đặt các câu hỏi, nên nhớ luôn cung cấp đủ các thông tin cần thiết để người đọc hiểu được bạn đang làm thí nghiệm gì, đã thử các cách nào, và kết quả hiện tại cho thấy điều gì, bạn muốn được giúp đỡ trong khía cạnh nào của vấn đề cụ thể nào. Ngôn ngữ càng ngắn gọn, dễ hiểu thì khả năng bạn nhận được câu trả lời chính xác càng cao. Và đừng quên gửi lời cảm ơn cũng như phản hồi lại các ý kiến của người khác. Hầu hết các trang mạng này đều trao đổi tiếng Anh, vì vậy nếu bạn không tự tin vào ngôn ngữ của mình thì có thể nhờ đồng nghiệp xem qua trước khi đưa thông tin lên.
Thắt chặt các mối quan hệ trên mạng và mang chúng vào đời thực


Khi bạn tìm được những đối tác tiềm năng cho dự án nghiên cứu hay ý tưởng thành lập công ty công nghệ của mình, đừng ngần ngại tìm cách gặp và trao đổi với họ trong đời thực. Nếu họ ở gần thì bạn có thể mời gặp ở một quán cà phê, còn nếu họ ở xa thì hãy tìm cách đi dự hội thảo chung. Gặp mặt trực tiếp vẫn là cách tốt nhất để bạn biến các mối liên kết tương đối lỏng lẻo này những quan hệ cộng tác thực sự.
Lên kế hoạch rõ ràng và quản lý thời gian hiệu quả


Cũng như khi tham gia nhiều trang mạng xã hội khác, bạn luôn phải tương tác và hoà mình vào các sự kiện diễn ra trên trang mạng của nhà khoa học. Nếu không chú ý, hoạt động này có thể chiếm rất nhiều thời gian của bạn. Vì vậy bạn nên dành ra một khoảng thời gian nhất định trong tuần cho việc này.


Thông qua bài viết này, hi vọng bạn hiểu thêm được các lợi ích của việc dùng mạng xã hội, cách thức sử dụng để chúng trở thành công cụ bổ trợ bạn nghiên cứu khoa học và phát minh ra công nghệ, ứng dụng mới. Một điều chưa được khai thác sâu trong bài viết này, đó là mạng xã hội cũng là phương tiện hiệu quả giúp nhà khoa học phổ biến phát minh và kiến thức cần thiết đến với công chúng. Tạp chí Vietnam Journal of Science đang hướng tới việc cung cấp các thông tin khoa học công nghệ cho độc giả phổ thông với trích dẫn rõ ràng và độ chính xác cao thông qua website và facebook. Hi vọng bạn đọc sẽ có được thêm một nguồn thông tin cần thiết giúp giải đáp các thắc mắc thường nhật liên quan tới sức khoẻ, thiên nhiên, vụ mùa, môi trường hay nhiều chủ đề khoa học công nghệ khác.