Thứ Năm, tháng 10 01, 2009

Sáng tạo = dám đổi mới + dám cạnh tranh + …

Doanh nghiệp VN thường kém tự tin, hay bàn lùi, và chưa thực sự tin vào tầm quan trọng của marketing và sáng tạo. Nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới, GS Tom Cannon, đưa ra những nhận xét “chí tử” đó về các nhược điểm lớn nhất - những lực cản đối với sáng tạo - của doanh nhân Việt.

Tại buổi bàn tròn trực tuyến “Tương lai Việt Nam – con đường của sự sáng tạo”, hai vị khách mời là GS Tom Cannon và doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa ra nhiều quan điểm thẳng thắn về sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam nói chung và doanh nhân Việt Nam nói riêng.

Sáng tạo là phải ra khỏi quá khứ


Cuộc bàn tròn trực tuyến (Ảnh: Trường Minh)

Trong hai tiếng bàn tròn vào chiều 5/8, vị giáo sư người Anh đã có vài lần làm người nghe phải giật mình, chẳng hạn khi ông nhận xét: “Sẽ rất nguy hiểm cho một quốc gia nếu họ có quá khứ anh hùng”.

Ông lấy chính nước Anh làm ví dụ: “Anh quốc chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II một cách kiên cường. Nhưng đã 70 năm qua rồi mà Anh vẫn sống với quá khứ anh hùng đó, vẫn làm phim, vẫn nói về nó”.

Trong khi đó thì đồng minh lớn của Anh là Mỹ lại thể hiện một quan niệm khác hẳn, khi ngay từ hồi tranh cử, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi nước Mỹ tư duy lại tương lai. Nghĩa là họ sẽ phải xác định rõ họ muốn trở thành ai trong tương lai – nhà băng hay nhà phát minh?

Trong quá khứ, Mỹ đã là một quốc gia tập trung được rất nhiều sáng tạo vào các ngành ngân hàng và tài chính. Nhưng ngày nay, để phát triển, người Mỹ phải sáng tạo hơn nữa, phải phân bổ sáng tạo vào những ngành khác, những lĩnh vực có khả năng tạo sự thịnh vượng thật sự cho quốc gia, dân tộc.

Mỹ sẽ phải lựa chọn: là một quốc gia tiếp tục chuyên sâu vào cung cấp các dịch vụ tài chính – ngân hàng và mang lại lợi nhuận cho quốc gia khác, hay sẽ là những nhà phát minh để sáng tạo ra các giá trị thực sự?

Nước Mỹ sẽ lựa chọn, nhưng điều quan trọng là họ đang đặt ra vấn đề tư duy lại về bản thân trong tương lai. Họ đang hướng về tương lai thay vì sống với quá khứ. Đó là một yêu cầu của sự sáng tạo.

Cùng chia sẻ quan điểm của GS Tom Cannon, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trung Nguyên – nói về tầm quan trọng của việc ra khỏi quá khứ, nhìn về tương lai, để có thể sáng tạo: “Châu Âu có đủ những điều kiện tuyệt vời để cất cánh. Nhưng họ ngủ quên. Văn hóa châu Âu là nền văn hóa hướng về quá khứ thay vì tương lai. Bên cạnh đó, châu Âu sung túc, nên họ đang tự hài lòng. Và vì vậy, họ sẽ tụt lại (so với Mỹ)”.

Con đường sáng tạo nào cho Việt Nam?


Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Ảnh: Trường Minh)

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhắc tới việc Việt Nam có tới 3.000 km bờ biển, tiếc rằng chúng ta đã luôn “quay lưng ra biển”, trong khi trên thế giới có những quốc gia nhỏ bé như Hà Lan, Thụy Sĩ lại luôn biết tận dụng tiềm năng của biển. “Nếu ông cha ta 300 năm trước hướng ra biển thì bây giờ Việt Nam hẳn đã khác. Nhưng bao nhiêu thế hệ người Việt đã không làm được như thế. Chúng ta có một nền văn hóa âm tính”.

Để sáng tạo, theo ông Vũ, cần một cuộc cách mạng về nhân sinh quan, tâm lý người Việt. Phải đánh giá lại và loại bỏ những cái “neo” níu giữ khiến chúng ta không bung ra được. Đồng thời, bồi đắp những gì thuộc về bản sắc, hệ giá trị cốt lõi của dân tộc. “Phải lên một danh sách tất cả những thứ đó. Hiện giờ chúng ta đang quay cuồng, chẳng còn biết cái gì là bản sắc nữa. Người Việt phải có nét riêng”.

Từ địa vị một nhà hoạch định chiến lược kinh doanh quốc gia, GS Tom Cannon cho rằng cách để sáng tạo là: Thứ nhất, không ngừng cải tiến, đổi mới sản phẩm cũ thứ hai, suy nghĩ về tương lai – trong tương lai, thị trường sẽ có nhu cầu gì mới, sẽ có sản phẩm hay công nghệ gì mới?

Chẳng hạn, tại sao người Việt không nghĩ tới việc đổi mới một sản phẩm cũ là gạo? Ông Tom Cannon cho biết, ở Mỹ ngày nay, nhiều người không thích dùng sản phẩm gạo vì sợ béo. Cho nên, loại gạo không gây mập chắc chắn là tạo ra nhu cầu lớn.

Với đà phát triển của công nghệ hiện nay, trong tương lai, sẽ xuất hiện những sản phẩm thống lĩnh thị trường mà hiện nay hoàn toàn chưa tồn tại. Cũng như cách đây 30 năm, liệu có ai nghĩ rằng chiếc điện thoại chúng ta dùng sẽ có những chức năng như bây giờ: cho phép người dùng nghe nhạc, lướt mạng, chụp hình, quay phim…

“Biết đâu sẽ có lúc Việt Nam nổi bật lên vì một công nghệ mới nào đó mà các bạn sáng tạo ra?” – ông Tom Cannon nói. “Giới trẻ Việt Nam thông minh như giới trẻ ở bất kỳ đâu trên thế giới. Vậy các bạn có muốn Nhật Bản và Mỹ tiếp tục là những nhà phát minh còn các bạn thì sản xuất không?”.

Sao dũng cảm trong thời chiến mà lại nhát sợ trong thời bình?


Ông Tom Cannon (Ảnh: Trường Minh)

Nhà báo Nguyễn Quang Thiều nêu vấn đề: Tại sao một dân tộc Việt Nam can đảm, không lùi bước trước bom đạn và chết chóc trong chiến tranh, lại run sợ trước những “đội quân kinh tế” thời bình?

Trả lời câu hỏi này, GS Tom Cannon kể một câu chuyện: Các nhà khoa học từng làm thí nghiệm với những con ếch. Họ thả ếch vào một nồi nước đang sôi, ngay lập tức lũ ếch đều nhảy vọt ra khỏi nồi. Nhưng khi họ cho ếch vào nồi nước lạnh, sau đó tăng nhiệt độ dần dần, thì ếch bơi lội tung tăng, thoải mái. Cho đến khi nhiệt độ cao quá thì cả lũ ếch đều chết sạch.

Ông Tom Cannon hài hước nhận xét rằng Việt Nam thời chiến cũng giống như trường hợp ếch bị thả vào nồi nước đang sôi. Còn thời bình, cuộc chiến kinh tế diễn ra rất từ từ, mềm mại, nên Việt Nam cần hết sức cẩn thận để tránh rơi vào trường hợp thứ hai.

Còn ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì giải thích rằng chúng ta có truyền thống đánh giặc chứ chưa có truyền thống thương mại. Thực tế, mậu dịch hàng hóa với thế giới mới chỉ được tiến hành khoảng 20 năm nay. Do đó, tâm lý thiếu tự tin là điều dễ hiểu.

Theo ông Vũ, “trong chiến tranh, ta thắng vì ta xác định đây là cuộc chiến sống còn. Ta không sợ vì nếu sợ, ai còn dám đánh giặc nữa”. Vậy, thời nay, muốn chiến thắng trong cạnh tranh, người Việt cũng phải xác định cho mình tư tưởng dám cạnh tranh, sẵn sàng cạnh tranh trong một cuộc chiến hết sức tinh vi.

“Nói về người Mỹ, Singapore, Trung Quốc… thì chúng ta hầu như luôn ngưỡng mộ. Sao chúng ta không tự hỏi: Họ có phải thần thánh không? Không. Thế ta có phải là con người không? Có. Vậy tại sao họ làm được còn ta thì không? Không dám có tư tưởng đua tranh thì làm sao mà dám nghĩ ra cái gì nữa” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhấn mạnh.

Nói về cuộc cạnh tranh của chính Trung Nguyên với các thương hiệu café lớn trên thế giới như Starbucks, Nescafé v.v., vị TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT của Trung Nguyên nói: “Tôi biết họ có lực. Tôi biết họ là những người khổng lồ. Tôi thua họ về quy mô, về mạng lưới phân phối, về xuất phát điểm là thương hiệu quốc gia… Nhưng tôi không sợ… Chúng tôi đặt mục tiêu chinh phục thế giới bằng sản phẩm café”.

GS Tom Cannon cũng bày tỏ sự cổ vũ đối với Trung Nguyên, khi nói rằng Starbucks mất 20 năm để trở thành một thương hiệu toàn cầu, tại sao Trung Nguyên lại không thể? Ông mỉm cười nói thêm: “Hãy đừng phát triển cà phê chỉ vì nông dân, mà hãy nhìn vào thị trường. Và tôi cũng muốn nói luôn là có những việc nếu quý vị muốn làm mà không thực hiện, thì Starbucks sẽ làm”.

Bàn tròn kết thúc với việc GS Tom Cannon chỉ ra những điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong ước các doanh nghiệp cũng chúng ta sẽ khắc phục được những nhược điểm đó, nâng tầm sáng tạo để phát triển.

Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào: