Thứ Ba, tháng 2 15, 2011

CEO FPT: Bí mật của thành công là... "làm lâu sẽ giàu"!

(VTC News) - Trước câu hỏi về “bí mật của CEO”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Nam - Tổng giám đốc FPTchỉ khiêm tốn tự cho rằng: Mình chỉ là những người làm giàu cổ điển theo kiểu “làm lâu thì giàu”, chứ không có bất cứ một bí quyết đặc biệt nào.

Với triệu phú đô la Việt - bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Vndirect, muốn thành công cần dũng cảm thay đổi thì CEO nổi tiếng Nguyễn Thành Nam lại "ngại thay đổi". Ông Nam lại nói: "Không thích tôi vẫn làm và đi mãi rồi cũng thành công. Nếu giỏi hãy thay đổi như chị Hương, nếu không giỏi, bạn hãy kiên trì như tôi”.

Giao lưu với hơn 1.000 sinh viên kinh tế của các trường Đại học ở Hà Nội trong buổi gặp gỡ và trò chuyện “Bí mật của CEO”, giải đáp về bí quyết để vượt khó khăn trong những ngày đầu tiên làm phần mềm, Tổng giám đốc FPT cho biết: “Tôi chỉ không bỏ việc mình đang làm thôi. Nếu các bạn đi theo con đường mà mình yêu thích một cách kiên trì thì thể nào rồi cũng thành công”.

"Hài hước mà được việc thì tốt hơn"

Không ít người từng nghe những câu chuyện cá tính đời thường mà "dân" FPT rỉ tai nhau về ông Nguyễn Thành Nam - Tổng giám đốc FPT như "Sếp mình chỉ thích đi xe máy hay đi bộ, thay vì ngồi ôtô xịn", về quan niệm “Người giỏi là người rủ được những người giỏi của mình lên phi thuyền của mình để đi” và cách giữ nhân tài rất riêng “trả lương nhân viên cao hơn cả lương sếp”.

Tôi cũng đã đôi lần có cái may mắn được ngồi nghe ông Nam - Tổng giám đốc FPT trò chuyện trực tiếp trong các buổi giao lưu trực tuyến. Ấn tượng ban đầu đó là nụ cười rạng rỡ và sự thân thiện, gần gũi của một nhà kinh doanh nổi tiếng nhưng hóm hỉnh, hài hước, cộng với vẻ bề ngoài giản dị, chân chất. Chia sẻ với hàng nghìn sinh viên trước ngưỡng cửa của cuộc đời, với những khao khát lập nghiệp cháy bỏng, ông Nam "bật mí": Hóm hỉnh cũng là một cách để thành công.

Theo ông Nam, làm kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực đầu tư nào, để thành công lúc nào cũng phải luôn vui vẻ, lạc quan “miễn sao là được việc”. Ông cho biết: Ở FPT có quy luật “bất thành văn”: Bất kể việc gì buồn cười thì đều không có tội. “Nghiêm túc mà được việc thì tốt nhưng hài hước mà được việc thì tốt hơn”.

Có lẽ, những suy nghĩ khác người và trí thông minh, sự dí dỏm đã làm nên một “Nguyễn Thành Nam” rất thành công và đặc biệt nổi tiếng. Cứ sau những gì ông nói thì người ta lại rộ lên những tràng cười khoái trá và những tiếng vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt làm bầu không khí sôi động hơn bao giờ hết.


Không bàn những chuyện “đao to búa lớn” về công việc kinh doanh cũng như mục tiêu trong những năm tới hay tham vọng đưa FPT thực hiện giấc mơ lọt vào Top 500 công ty lớn nhất thế giới, trong buổi giao lưu diễn ra vào chiều qua (13/1), ông Nam luôn tươi cười, pha trò khích lệ, khơi dậy những kinh nghiệm cũng như khát vọng làm giàu trong trái tim những người trẻ tuổi.

Nói về "cơ duyên nào đã khiến mình trở thành doanh nhân", vị Tổng giám đốc tiết lộ: Mọi sự là do tình cờ, trước đây ông mơ trở thành người lái tàu hỏa, vì được nhìn "tàu phụt lửa đỏ lòm và xì khói trắng". Từng muốn "đổi gió", xin nghỉ làm ở FPT một năm nhưng rồi thi cả 3 chỗ thì cả 3 công ty đều bị trượt.

"Thi trượt cũng là lúc tôi quay về FPT thì vừa đẹp. Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng là chúng ta phải tin cảm nhận của chính mình", ông Nam chia sẻ.

Bởi lẽ, với ông, “thành công” là một khái niệm mang tính cá nhân và phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu của từng người. “Nếu như mục tiêu của một doanh nhân là mở ra một công ty và đủ nuôi sống gia đình và làm được điều đó đồng nghĩa với thành công”, ông nói. Tuy nhiên, vị doanh nhân này cho rằng, các bạn trẻ nên có ước mơ và có thể hơi viển vông một chút cũng tốt bởi nó tạo ra một động lực để mình luôn cố gắng vươn lên.







Ông Nguyễn Thành Nam - Tổng giám đốc FPT: "Nghiêm túc mà được việc thì tốt nhưng hài hước mà được việc thì tốt hơn”. (Ảnh Hoàng Hà).

Vào thời điểm hiện tại, trở thành Tập đoàn toàn cầu và lọt được vào vị trí 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới như FPT đặt ra, quả là một giấc mơ đối với FPT. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Nam không nhận mình là người giỏi, ông chỉ khiêm tốn tự cho rằng: Mình chỉ là những người làm giàu cổ điển theo kiểu “làm lâu thì giàu”, chứ không có bất cứ một bí quyết đặc biệt nào.

Là vị Tổng giám đốc thành đạt, nhiều người nói với ông Nam rằng: "làm CEO khổ chết”, bởi lãnh đạo 13.000 nhân viên không đơn giản, công ty phải xây dựng văn hóa công ty và chuẩn hóa hệ thống báo cáo. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, cái khó lớn nhất là phải kiểm soát được xung đột và biến nó thành cơ hội bởi chính xung đột sẽ nảy sinh được những quan điểm trái chiều để công ty ngày càng lớn mạnh.

Ngoài ra, theo ông, mỗi CEO phải có một bí quyết riêng để tuyển dụng và giữ người tài. Đối với ông, để giữ chân người tài thì phải trả lương họ cao hơn mình. Còn cách tuyển dụng của ông rất đơn giản, chỉ cần mất một "động tác đưa sách" là biết ứng cử viên có đạt tiêu chuẩn hay không.

Ông Nam kể một trong những kinh nghiệm tuyển dụng của mình: "Hồi mới lập Fsoft, một bạn sinh viên kinh tế đến xin việc, tôi đưa cho bạn đó quyển sách tiếng anh chuyên ngành bảo bạn đọc rồi mai nói lại cho tôi nội dung. Hôm sau thấy bạn đến, lắc đầu xin rút lui vì đọc mãi không hiểu. Tôi cười: "em giống anh, anh đọc mãi cũng không hiểu’" Dĩ nhiên, bạn đó được nhận vì lòng dũng cảm và thẳng thắn", ông Nam bật mí.

Không ít sinh viên ấp ủ ước mơ làm giàu nhưng lại băn khoăn vì trong tay không hề có đồng vốn dắt lưng. Vị Tổng giám đốc FPT khuyến khích, không có vốn thì có thể đi vay. Chính những nguồn tài chính vay mượn sẽ là cục gạch để tạo nên thành công trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Nam, khuyến khích, bạn nên thất bại càng sớm càng tốt. "Vấp ngã ở tuổi trẻ thì có thể làm lại được, vấp ngã ở tuổi già thì khó đứng dậy…” và "Khi thất bại thì hãy biết đứng lên, lúc nào mệt quá, bạn có thể ngồi xuống”, vị tổng giám đốc hóm hỉnh.






Những câu hỏi của sinh viên đều được ông Nam trả lời một cách ngắn gọn, hóm hỉnh và "tinh quái". (Ảnh Hoàng Hà)

"Người giỏi là người biết tận dụng điểm mạnh của mình"

Nếu như nhiều sinh viên quá coi trọng bằng cấp và đè nặng tâm lý tới kết quả học tập trong những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, ông Thành Nam lại quan niệm: “Đại học là một quãng nghỉ giữa cuộc đời”, để rồi ông khuyên: “Sinh viên nên tận dụng những quãng nghỉ đó thật tốt, bởi sau này, ra trường, cuộc sống sẽ rất khác… Chính trường đời sẽ dạy cho bạn cách sống và kiến thức thực tế.

Kể về những ngày đầu tiên làm việc tại FPT, người đứng đầu công ty công nghệ thông tin số 1 Việt Nam này bồi hồi nhớ lại: Những ngày đầu tiên đi làm ở công ty, cả 6 người chỉ có một chiếc máy tính và thay nhau sử dụng. Là người trẻ nhất, ông được phân công dùng máy từ 10h đêm cho tới 6 giờ sáng, “buồn ngủ díu mắt nhưng vẫn phải chăm chăm vào máy tính”. Để rồi sau đó, khi được người đứng đầu công ty – ông Trương Gia Bình hỏi về ước mơ “giả sử sau này thành công sẽ muốn điều gì”, ông Nam chỉ nói: Có một chiếc máy tính riêng để có thể làm việc ở nhà mà không phải tới cơ quan. “Cá nhân tôi rất thích làm giám đốc vì mình hoàn toàn kiểm soát được thời gian, 90% thời gian của tôi không ngồi ở văn phòng. Khi bạn có cơ hội để đi, bạn càng học hỏi được nhiều điều – Đó là cái được lớn nhất của một người làm CEO” – Ông Nam chia sẻ.






Theo ông Nam, người giỏi là người biết tận dụng và phát huy điểm mạnh của mình thay vì cứ chăm chăm khắc phục điểm yếu. (Ảnh Hoàng Hà)

Nói về những khó khăn của một người đứng đầu khi lãnh đạo 13.000 nhân viên FPT, ông Nam ví von: Nó cũng giống như khi bạn lái một chiếc máy bay hay lái một con tàu, quan trọng nhất là bạn phải nhìn đồng hồ (nhìn xăng, nhìn tốc độ) và nắm bắt lúc nào nguy hiểm, để có quyết định sáng suốt.

“Thời điểm là vô cùng quan trọng, nếu trong thâm tâm mình cảm nhận rằng: Cần phải đi thì cứ đi rồi cơ hội sẽ đến”, ông Nam chia sẻ.

Điều quan trọng nhất để giúp một doanh nhân thành công, theo ông Nam vẫn là tìm ra sở trường của chính mình, người giỏi là người biết tận dụng những sở trường ấy. Tổng giám đốc FPT đưa ra lời khuyên là các bạn sinh viên hãy cố gắng tìm ra sở trường của mình và chỉ cần tìm một điểm mạnh để phát huy trong công việc chứ không tập trung sức vào khắc phục điểm yếu. Dẫn chứng bài học sống còn từ những phụ nữ làm nghề Ôsin ở Đài Loan, ông Nam tâm sự: “Trước đó, FPT có rất nhiều điểm yếu và cứ đi khắc phục mãi cũng không xuể và luôn bị tụt hậu trong cạnh tranh”.

Từ Mỹ trở về, gặp một số phụ nữ Việt Nam làm nghề ôsin tại sân bay của Đài Loan, ông Nam được biết, họ kém ôsin người Philipines cả về sức khỏe, tính sạch sẽ, độ chăm chỉ… nhưng vẫn được người chủ yêu quý hơn chỉ bởi nấu ăn ngon hơn. “Nghe xong, tôi mới ngộ ra rằng, tập trung phát huy điểm mạnh mới là chiến lược sống còn trong kinh doanh chứ không phải suốt ngày đi khắc phục điểm yếu của mình”, ông nói.

"Trong cạnh tranh thương trường, điểm cốt lõi của một lập trình viên ở Việt Nam đó là phải tìm được điểm mạnh ở trong con người mình" nhưng "để tìm ra điểm mạnh đó là rất khó" – ông Nam không quên nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Nam là một trong 13 thành viên sáng lập Công ty FPT. Trước khi nhận chức Tổng giám đốc, ông là một trong những người có công lớn trong việc khai phá và phát triển xuất khẩu phần mềm tại công ty này. Dưới sự dẫn dắt của ông, trung tâm xuất khẩu phần mềm từ “một đứa con bé nhỏ” trở thành FPT Software – công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam.

Trước khi tìm được liều thuốc đặc trị cho xuất khẩu phần mềm, ông và những người ủng hộ cho mảng kinh doanh này tại FPT từng bị cho là gàn gàn, viển vông hay ném tiền qua cửa sổ… Lý do là khi bắt đầu, ông Nam cũng như “đội đặc nhiệm” xuất khẩu phần mềm thậm chí còn chưa thạo tiếng Anh. Chưa hết! Không biết sẽ làm như thế nào vì chưa từng có kinh nghiệm nhưng ông Nam và đội xuất khẩu phần mềm đã ôm giấc mơ có chỗ đứng trong làng phần mềm của thế giới.

Tìm ra giải pháp cho xuất khẩu phần mềm từ một quyển sách viết về Bác Hồ, ông Nam rất tâm đắc với bài học từ vị lãnh tụ huyền thoại của đất nước. Những bài học từ Bác Hồ như “mình yếu thì phải đánh thế chứ không dùng lực”, “phải dựa vào nhân dân và nhân dân sẽ là người đưa ra lời giải chứ không phải lãnh đạo”, “đi tiếp thị thì phải có người danh tiếng giới thiệu trước”… được ông Nam áp dụng triệt để, không chỉ trong sự nghiệp xuất khẩu phần mềm mà còn trong cách điều hành doanh nghiệp.

Không có nhận xét nào: