Nếu Adrew Forrest bước tới vị trí giàu nhất nước Úc chỉ với một ngành công nghiệp khai thác quặng sắt thì với chuỗi danh mục đầu tư đa ngành, tham vọng “tỉ phú đô la” của Đoàn Nguyên Đức có lẽ không phải là xa vời. Doanh thu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2010 khoảng 300 triệu USD, lợi nhuận trên 100 triệu USD với tổng tài sản gần 1 tỉ USD. Chỉ tính riêng quý I/2011, doanh thu của tập đoàn này đã gần 35 triệu USD và lợi nhuận gần 29 triệu USD.
Bầu Đức, tên gọi thân mật của Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, từng từ chối cáo buộc về chuyện khai thác rừng không hợp pháp được đề cập trong bài viết “Condo boss” (tạm dịch là “Ông chủ của các căn hộ”) trên Tạp chí Forbes Asia tháng 11.2009. Khởi nghiệp với việc khai khác gỗ, trong gần một thập kỷ sau đó, Bầu Đức liên tục tạo ra những sự kiện nổi trội. Nếu không tính đến những chuyện cá nhân như mua cầu thủ bóng đá hàng đầu Thái Lan Kiatisuk vào năm 2002, mua máy bay riêng năm 2008 và tuyên bố trở thành tỉ phú đô la năm 2010 thì một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán này còn bị nhắc đến là kẻ gián tiếp phá bĩnh chuyện làm ăn của người khác.
Bầu Đức từng hạ giá bán các căn hộ do ông đầu tư xuống gần 40% trong năm 2009 và tuyên bố vẫn có lãi, gián tiếp buộc các ông chủ địa ốc trong sân chơi khốn khó của bất động sản năm đó phải làm tương tự. Và đến tháng 4 vừa qua, tại Đại hội Cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai, trong lúc sự rệu rã của thị trường bất động sản gần như đã lên đến đỉnh điểm, hàng chục ngàn căn hộ không bán được, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai lại “khoe” với cổ đông 2.489 tỉ đồng tiền mặt đang chờ sẵn để gom đất sạch với giá rẻ. Bầu Đức cũng không ngại tuyên bố điều mà các ông chủ địa ốc thường chẳng dám nói với người tiêu dùng, rằng “giá đất bình quân chưa đến 1 triệu đồng/m2, cộng thêm chi phí xây dựng 6 triệu đồng/m2, xây xong căn hộ, bán giá nào cũng có lãi”.
Cũng trong đại hội này, một lần nữa, Bầu Đức làm mát lòng cổ đông với toan tính chiến lược của ông. Rằng, trong tương lai, từ năm 2011 trở đi, khoáng sản sẽ thay thế bất động sản trong cơ cấu doanh thu, đồng thời các khoản đầu tư cao su và thủy điện cũng sẽ đến ngày hái quả.
Bầu Đức tiến vào Đông Dương
Bầu Đức là người thấu hiểu bản chất của các lĩnh vực kinh doanh. Dù vậy, điều đó cũng đồng nghĩa, chiến lược cốt lõi và dài hạn của Tập đoàn này dường như chưa được thể hiện rõ. Ngoài ra, việc phân sức đầu tư có làm giảm sức cạnh tranh của Hoàng Anh Gia Lai so với các đối thủ chỉ có một lĩnh vực cốt lõi vẫn là câu hỏi lớn đặt ra cho ông chủ tập đoàn này.
Các lĩnh vực kinh doanh của Bầu Đức đều thuộc hạng hái ra tiền trong bối cảnh Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, luật kinh doanh còn nhiều bất cập và thị trường “tranh tối tranh sáng”.
Ví dụ, từ lĩnh vực cơ bản là gỗ, Bầu Đức đã đưa Hoàng Anh Gia Lai tiến vào bất động sản với tỉ suất lợi nhuận lên đến hàng trăm phần trăm trong thời kỳ tăng trưởng mạnh (năm 2007). Thủy điện thì với suất đầu tư bình quân khoảng 25 tỉ đồng/MW, sau khoảng 8-10 năm là một dự án có thể thu hồi vốn, lãi ổn định, rủi ro thấp. Cao su thì Việt Nam nằm trong top 5 các nước có sản lượng cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, trong khi giá cao su thế giới hiện đã lên khoảng 6.000 USD/tấn và giá thành sản xuất chỉ khoảng 850 USD/tấn. Với quặng sắt, trữ lượng thăm dò trên cả nước hiện chỉ mới 1,1 tỉ tấn, trong khi trữ lượng tiềm năng là 1,8 tỉ tấn.
Từ chỗ hiểu rõ bản chất của từng ngành kinh doanh, Bầu Đức không mấy khó khăn để chớp lấy thời cơ.
Với bất động sản, năm 2009, Bầu Đức “phá giá” thị trường căn hộ, vì đã gom được đất giá rẻ trong nhiều năm trước đó để xây dựng các khu chung cư. Đến nay, khi bất động sản ảm đạm, ông lại tung tiền mua đất giá rẻ để chờ thời điểm thu lợi nhuận cao trong tương lai. Cho nên, không ngạc nhiên khi các ông chủ bất động sản lao đao kể từ năm 2008 thì 23 dự án căn hộ cao cấp với hơn 5.000 căn của Bầu Đức vẫn được tiêu thụ mạnh.
Với cao su, cách đây 5 năm, khi cao su chưa đạt giá trị xuất khẩu 6.000 USD/tấn, Bầu Đức đã bắt đầu trồng và nhìn ra nguồn thu khổng lồ từ ngành này trong tương lai. Hiện nay, với lượng cao su của mình, Bầu Đức ước tính đạt lợi nhuận 653 triệu USD mỗi năm. Ông là một trong số ít doanh nghiệp biết tận dụng Đông Dương để làm căn cứ trồng và xuất khẩu cao su. Ông đã đầu tư trồng cao su tại Lào (năm 2007) trước khi trồng tại Gia Lai năm 2008.
Cũng tương tự cao su, với khoáng sản, trước đây, khi cơ chế “xin - cho” trong khai thác còn nặng nề tại Việt Nam, Bầu Đức đã sang Lào để nắm bắt cơ hội từ thị trường khá dễ chịu này (và cả Campuchia). Giờ đây, khi cơ chế đấu thầu được ghi nhận qua Luật Khoáng sản mới có hiệu lực từ đầu năm 2011, Bầu Đức có thể lại được thêm một lợi thế. Đó là những ưu đãi đầu tư tại Gia Lai, quê ông.
Với thủy điện thì Hoàng Anh Gia Lai vẫn trong giai đoạn đầu tư tại Lào, Tây Nguyên, Thanh Hóa với 17 dự án. Chưa có thêm thông tin về thủy điện được tập đoàn này chia sẻ.
Nhìn qua việc đầu tư cao su, khai thác quặng sắt, thủy điện tại Đông Dương có thể thấy, Bầu Đức dường như đang đi theo chiến lược của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc tiếp cận với châu Phi thông qua chương trình “đổi hạ tầng lấy khoáng sản” thì Đoàn Nguyên Đức tiến dần ra Đông Dương cũng với chiến lược tương tự.
Mô hình Hoàng Anh Gia Lai còn thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn bởi Bầu Đức luôn bày tỏ quan điểm kinh doanh dài hạn trong phần lớn các dự án của ông và chứng minh là người biết dự đoán đúng thời khắc đầu tư.
Chiến lược đầu tư của Bầu Đức đã giúp cho doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai ngay trong giai đoạn kinh tế trắc trở (2007-2010) vẫn tăng trưởng bình quân 45%/năm và lợi nhuận 53,6%/năm. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của tập đoàn này cho thấy, tăng trưởng doanh thu năm 2009 (so với 2008) là 97% và lợi nhuận tăng 73%, trong khi đó, tăng trưởng doanh thu năm 2010 chỉ 25% nhưng lợi nhuận vẫn được đảm bảo, trong lúc ngành địa ốc đang đối mặt với cơn bĩ cực! Nguyên nhân là lợi nhuận từ khoáng sản đã trở thành “phao cứu sinh” của tập đoàn này.
Cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai từ lúc lên sàn năm 2008 với giá 20.460 đồng/cổ phiếu đã tăng theo các chiến lược của Bầu Đức. Năm 2009, khi Bầu Đức thực hiện các dự án căn hộ, cao su, thủy điện, khoáng sản tại Đông Dương, giá cổ phiếu dao động khoảng 25.000 đồng đến xấp xỉ 50.000 đồng. Năm 2010, lúc Bầu Đức tiếp tục khánh thành các khu căn hộ mới thì cổ phiếu tập đoàn này lên khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu, bất chấp sự ảm đạm của thị trường chứng khoán.
Không thể phủ nhận Hoàng Anh Gia Lai và ông chủ của nó rất giỏi huy động vốn. Trong lúc nguồn vốn khan hiếm như hiện nay, Bầu Đức vẫn liên tiếp nhận thêm các khoản đầu tư mới. Gần đây nhất là 1.130 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Temasek. Tập đoàn này cũng là trường hợp hiếm hoi trong giới bất động sản có nguồn tiền mặt dồi dào gần 2.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, các báo cáo tài chính của Tập đoàn cho thấy, họ cũng không đứng bên lề khó khăn chung của thị trường. Năm 2009, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai là khoảng 1.000 tỉ đồng, đến năm 2010 chỉ còn 294 tỉ đồng và quý I/2011 đã âm 354 tỉ đồng. Tỉ trọng khoản phải thu trên doanh thu cũng đang lớn dần. Tỉ lệ này năm 2009 là 22%, năm 2010 tăng nhẹ lên 24% nhưng đến quý I/2011 đã là 44%. Câu chuyện dòng tiền này đặt ra câu hỏi về sự phát triển ổn định của Tập đoàn.
Tham vọng tỉ phú đô la
Những người tiếp xúc với Bầu Đức đều có nhận xét chung về lối sống giản dị của ông với quần jeans (ngay cả khi khoác áo vest), nói năng thuyết phục, ít đi du lịch, dành phần lớn thời gian cho công việc và niềm vui bóng đá. Bầu Đức tỏ ra không quan tâm đến những tin đồn không tích cực về ông. Ông cũng dở dang con đường đại học.
Đặc biệt, Đoàn Nguyên Đức đang chăm chút cho tham vọng trở thành tỉ phú đô la, cũng như đưa Hoàng Anh Gia Lai vượt ngưỡng “doanh nghiệp tỉ đô” mà ở Việt Nam chỉ một vài cái tên lớn như Vinamilk, FPT đã chạm vào. Lúc này, mục tiêu giữ tăng trưởng ở mức 40% của Bầu Đức hoàn toàn khả thi dù phần lớn cao su và quặng sắt xuất khẩu của Việt Nam là vào Trung Quốc (sẽ bị tác động xấu nếu Trung Quốc thay đổi chính sách xuất nhập khẩu các mặt hàng này). Tuy nhiên, Bầu Đức đã không bỏ hết trứng vào một rổ.
Cũng với tham vọng gia nhập nhóm tỉ phú thế giới và được ngưỡng vọng, Bầu Đức đã mua cầu thủ Kiatisuk (Thái Lan), quảng bá thương hiệu trên sân của Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal (Anh), tài trợ cho Lào 19 triệu USD để xây dựng Làng vận động viên Sea Games 25 năm 2008. Trong một lần trả lời báo chí, ông không ngại nói: “Tại Việt Nam, cái tên Hoàng Anh Gia Lai đã quá nổi tiếng. Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng thương hiệu quốc tế”. Dĩ nhiên, những khoản đầu tư này của Bầu Đức không chỉ là làm thương hiệu mà còn là vì lợi ích “tiền tươi thóc thật”. Chẳng hạn, 22.000 ha cao su của Hoàng Anh Gia Lai ở Nam Lào (dự kiến lên 31.000 ha cao su vào năm 2012) sẽ mang về nguồn thu lớn. Với giá bán cao su có thể đạt gấp 7 lần giá thành, nguồn thu của Bầu Đức trong tương lai rõ ràng bỏ xa kinh phí mà Hoàng Anh Gia Lai đã tài trợ cho LàoSự tự tin của Bầu Đức còn thể hiện ở việc ông đưa Hoàng Anh Gia Lai lên Sàn Chứng khoán London thông qua niêm yết chứng chỉ lưu ký toàn cầu (GDR) và huy động được 90 triệu USD trong tháng 3 vừa qua. Hoàng Anh Gia Lai cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán này.
Sự tự tin xuất ngoại đã giúp Hoàng Anh Gia Lai lớn mạnh. Và khi càng mạnh, tập đoàn này lại càng hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, đơn vị sở hữu 6% cổ phần trong Hoàng Anh Gia Lai đã nói về Bầu Đức: “Việc kinh doanh của Đoàn Nguyên Đức thể hiện tính hai mặt (tích cực và tiêu cực) như bất kỳ một công ty nào khác. Tuy nhiên, ông Đức được tán dương bởi cách ông ấy đưa doanh nghiệp trở thành một công ty đại chúng với sự minh bạch”.
Tập đoàn Temasek là một ví dụ điển hình của nhà đầu tư nước ngoài “bị” Hoàng Anh Gia Lai thu hút. Trong đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi của tập đoàn này cho Temasek năm 2010, giá trị trái phiếu là 1.100 tỉ đồng, lãi suất trái phiếu 0% kỳ hạn 1 năm và chênh lệch giá thị trường với giá chuyển đổi là -11% (75.000 đồng so với 67.375 đồng). Thông thường, trong những thương vụ công bằng cho cả người bán, người mua, lãi suất sẽ cao hơn 0% và giá thị trường phải thấp hơn giá chuyển đổi. Tuy nhiên, Bầu Đức vẫn phá lệ để thương vụ hoàn tất, vì muốn giữ Temasek đi đường dài với Hoàng Anh Gia Lai.
Hoàng Anh Gia Lai cũng là một trong số ít những doanh nghiệp có một lực lượng lớn nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tên tuổi. Hiện nay, có 13 định chế tài chính lớn đã đầu tư vào tập đoàn này như Jaccar, Dragon Capital, Deutsche Bank, Temasek, Vietcombank, Sacombank, BIDV…
Hoàng Anh Gia Lai đang tồn tại với mô hình 5 tổng công ty độc lập theo từng ngành nghề bất động sản, gỗ, cao su, khoáng sản, thủy điện và không thực hiện liên doanh. Quan điểm của Bầu Đức là dù lớn mạnh, Hoàng Anh Gia Lai (Hoàng Anh là tên con gái ông và Gia Lai là quê ông) vẫn giữ chặt nơi sinh ra nó, nơi ông đã nắm vận may trở thành 1 trong 2 chủ gỗ lớn nhất Tây Nguyên (người còn lại là bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai).
Tuy nhiên, song song với câu chuyện làm giàu của Bầu Đức là nhiều câu hỏi về môi trường. Forbes Asia trong bài “Condo boss” dẫn lời một nhà nghiên cứu môi trường cho rằng, nếu nghĩ việc trồng cây cao su có thể giúp cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu thì chẳng khác nào bảo con người chặt đi một chân để thay bằng chân gỗ.
Đầu tư thủy điện và khoáng sản cũng luôn đặt ra thách thức về môi trường. Việc xây thủy điện ở đầu nguồn sẽ tác động xấu đến rừng, làm ngập nhiều thung lũng và ảnh hưởng đến cuộc sống của dân địa phương. Còn khai thác khoáng sản, nếu không khéo léo sẽ dẫn đến những hệ lụy về ô nhiễm không khí do bụi bẩn, sụt lún.
Trong lúc tờ Forbes Asia cáo buộc Bầu Đức khai thác rừng không hợp pháp thì phần lớn thông tin trong nước về ông là tích cực, đề cập nhiều đến số lượng công ăn việc làm Hoàng Anh Gia Lai đã tạo ra. Một công nhân cao su Việt Nam kiếm được 300.000 đồng/ngày từ Hoàng Anh Gia Lai trên đất Lào. Hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành tập đoàn với hơn 10.000 nhân viên, trong khi lượng gỗ khai thác trong quá trình phát triển gần 20 năm của công ty này không thể thống kê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét