Thứ Ba, tháng 5 15, 2012

Tiến sĩ bỏ đam mê kỹ thuật đi buôn

Từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa Budapest (Hungary), công tác ở Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Điện tử Việt Nam..., Tiến sĩ Nguyễn Quang A rẽ cuộc đời sang một hướng khác: Đi làm "con buôn". 

Sinh năm 1946 tại Bắc Ninh, năm 1965 ông Nguyễn Quang A được đi học tại Hungary ngành vô tuyến điện, rồi làm luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ cũng ở đó. Đã từng làm giáo sư Đại học Bách khoa Budapest - một trường có lịch sử hơn 200 năm ở Hungary; kinh qua các công việc ở Viện Kỹ thuật quân sự, Tổng cục Điện tử Việt Nam... ông rẽ cuộc đời sang một hướng khác. "Đi làm con buôn theo đúng nghĩa", ông nói vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Tranh: Hoàng Tường
Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Tranh: Hoàng Tường
- Ông rẽ ngang sang con đường đi buôn như thế nào?
- Năm 1987, sau khi làm luận án tiến sĩ khoa học, về nước tôi được phân vào làm ở Tổng cục Điện tử Việt Nam. Nội bộ cơ quan bất ổn, đúng lúc đó có một anh bạn ở Sài Gòn rủ tôi làm một dự án về phần mềm tin học.
Công việc cụ thể là hợp tác với một công ty ở bên Pháp để làm phần mềm thuê ngoài, công ty có tên là Genpacific. Chúng tôi có khoảng 25 người lập trình rất giỏi, đại bộ phận là người trước kia làm ở Viện Kỹ thuật quân sự. Chúng tôi cũng "thuê" một người làm phần mềm của Banque Nationale de Paris về Việt Nam để tập huấn những yêu cầu của khách hàng bên Pháp ra sao...
Có thể nói 25 người này đều là những người rất giỏi và hiện đều là những người thành đạt. Thời gian đó, họ đã viết được những phần mềm phục vụ được những nhu cầu của khách hàng Pháp và châu Âu. Nhưng rất đáng tiếc, dự án đó thất bại hoàn toàn.
- Nguyên nhân là gì?
- Có thể nguyên nhân đầu tiên là chúng tôi hơi hão huyền và không lường trước được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải. Làm thế nào để cung cấp dịch vụ đó cho bên Pháp, bằng cách nào, bằng phương tiện gì? Làm sao đưa được phần mềm và người sang để cài đặt?
Để gọi một cú điện thoại sang Paris chúng tôi phải nhờ cô nhân viên bưu điện nối điện thoại, đợi có khi cả tiếng đồng hồ thì mới nói được nhưng với một chất lượng rất kém và giá "cắt cổ". Nếu như chúng tôi phát hiện ra những khó khăn ấy sớm thì đã không làm cái việc ấy và chuyển sang làm việc khác từ lâu rồi...
- Sau khi dự án phần mềm thất bại, ông làm gì?
- Khi dự án phần mềm bị thất bại, chúng tôi chuyển sang hướng làm phần cứng: sản xuất máy vi tính. Chúng tôi làm một dây chuyền lắp ráp máy vi tính với đầy đủ quy trình, thiết bị nhập từ Pháp về tại nhà máy điện tử Bình Hòa, với công suất 4.000 máy tính mỗi năm.
Tất nhiên, lúc đó vẫn còn đang cấm vận, nên máy của chúng tôi làm ra được bán với giá rất đắt (khoảng 5.000-6.000 USD một chiếc) với cấu hình mà nói ra bây giờ thì nực cười: Bộ nhớ ổ đĩa là 8MB, RAM giỏi lắm là khoảng 256KB, tốc độ 8MHz. Bây giờ một máy tính thường thì các chỉ số ấy cũng phải cao gấp nghìn lần.
- Hành trình trở thành "con buôn chuyên nghiệp" của ông phát triển ra sao?
- Mới đầu chúng tôi cũng chỉ là lấy công làm lãi trong một hợp đồng tay ba. Hợp đồng đầu tiên tôi ký với khách hàng Liên Xô trị giá 2,7 triệu USD, nhưng theo hình thức: mình giao máy cho Liên Xô, Liên Xô giao phân bón cho Pháp, Pháp lại giao linh kiện cho mình làm... Đại khái là tay ba như thế.
Nhưng cuối cùng do đang đổi mới, Liên Xô không thể giao phân bón cho Pháp được. Nhưng hợp đồng thì đã ký nên cuối cùng phía họ phải tìm cách bù bằng một hợp đồng khác: Không phải hàng đổi hàng nữa mà là trả tiền mặt, mở LC đàng hoàng. Thế là từ một anh làm gia công, chúng tôi trở thành một người chủ bán hàng thực sự. Giá trị hợp đồng lúc đó không còn là 2,7 triệu USD nữa mà chỉ còn gần 2 triệu USD, nhưng được trả bằng tiền mặt.
- Ông từng thú nhận là trong lĩnh vực kinh doanh của mình cũng mắc những "tật" rất phổ biến do thiếu chuyên nghiệp: Hão huyền, "hoắng", thậm chí là ấu trĩ do quá tự tin... Vậy, trong cuộc sống thì sao?
- Trong đời kinh doanh, tôi gặp nhiều thất bại, nhưng cũng học được rất nhiều từ đó. Tất nhiên sau mỗi lần thất bại là buồn, nhưng quan trọng là phải biết nhìn trước, nhìn sau và nhìn lại mình, hay nói cách khác là tự kiểm duyệt mình.
Tôi cũng là người luôn may mắn vì luôn tìm thấy hướng đi mới trong chính sự thất bại. Trong cuộc sống, đôi khi ta phải biết trân trọng sự "hão huyền" hay "hoắng" mà mình có, bởi ở một góc độ nào đó nó thể hiện sự lãng mạn của tư duy. Không có sự lãng mạn thì cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt...
- Ông từng nói rằng hiện ông là con người hoàn toàn tự do, kiên quyết bỏ hết công việc kinh doanh và chỉ làm những công việc mình thích... Vậy việc ông thích làm nhất hiện nay là gì?
- Dịch sách. Dịch là để học và chia sẻ. Đó cũng là đam mê của tôi. Những cuốn sách tôi dịch khá kén bạn đọc nhưng tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng nhất định trong việc truyền tải kho tàng trí tuệ của nhân loại.
Bản thân tôi cũng rất kén chọn khi dịch, có khi đọc đến hàng chục cuốn tôi mới chọn ra được một cuốn để dịch. Tất cả các sách tôi dịch đều có chung một chủ đề: Hệ phần mềm điều hành xã hội - làm thế nào để vận hành xã hội một cách hữu hiệu. Tôi gọi đó là tủ sách SOS2 (có nghĩa là hệ điều hành xã hội): chính sách, thể chế, những kinh nghiệm thất bại và thành công, các lý thuyết, những cách tổ chức sao cho xã hội vận hành suôn sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Máy tính -Truyền thông - Điều khiển (Công ty 3C). Ông cũng tham gia nhiều tổ chức xã hội như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội tin học Việt Nam với vai trò chủ tịch nhiệm kỳ thứ 3 và từng là thành viên Hội đồng quản trị VPBank. Ông đã nghỉ hưu cách đây 6 năm.
Ông Nguyễn Quang A là dịch giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như Thế giới phẳng, Bằng sức mạnh tư duy, Sự bí ẩn của tư bản, Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử, Xã hội mở và những kẻ thù của nó... Cuốn sách ông đang dịch là Why Nations Fail (Vì sao các quốc gia thất bại) của Daron Acemoglu và James A. Robinson. 
(Theo DNSG cuối tuần)

 

Không có nhận xét nào: