Chủ Nhật, tháng 7 28, 2013

Kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ kinh doanh online

Lập gian hàng riêng trên các website và giới thiệu sản phẩm ở mạng xã hội, anh Hào kiếm khoảng 50 triệu đồng một tháng qua việc bán quần áo trẻ em
Anh Hào, ở quận 4 (TP HCM), chuyên bán quần legging cho trẻ nhỏ qua mạng từ 6 năm nay. Chỉ tính riêng khoản doanh thu có được nhờ rao bán trên mạng xã hội, mỗi tháng anh có 15-20 triệu đồng. Phần thu nhập từ việc lập gian hàng trên website chuyên về mua bán cũng tròm trèm 20-30 triệu đồng.
Ưu điểm của bán hàng qua mạng là chi phí thuê mặt bằng ảo thấp, khoảng 3,5-4 triệu đồng một tháng, chỉ bằng nửa, thậm chí một phần ba so với mở một cửa hàng diện tích khiêm tốn ở quận Bình Thạnh, Gò Vấp... Ngoài ra, kinh doanh online tiết kiệm chi phí thuê nhân viên, vốn đầu tư ban đầu ít, nhưng cái khó là cần tạo sự khác biệt so với các gian hàng khác.
Anh còn đăng ký dịch vụ trả tiền theo số lần hiển thị mẫu quảng cáo trên Facebook nhằm thu được nhiều khách hàng hơn, đồng thời lồng thêm các đoạn video giới thiệu sản phẩm, tăng sức lan tỏa đến mọi người. Tính chung, tổng chi phí bỏ ra cho các hoạt động trên chiếm khoảng 10-15% doanh thu hàng tháng.
“Làm trong nghề lâu năm, tôi có vài mối cung cấp hàng sỉ quen và uy tín. Mỗi lần, tôi đặt mua lên đến mấy nghìn cái, giá khoảng 40.000 đồng một cái, bán cho người tiêu dùng 70.000-80.000 đồng”, anh Hào nói.
Hiện nay có nhiều người tham gia mua bán trên mạng nên mức độ cạnh tranh rất lớn, so kè nhau về giá từng tí một. "Do đó, chất lượng hàng đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng, giao hàng đúng hẹn sẽ quyết định ai thắng ai thua", anh Hào lý giải.
banhangFacebook-O-1374722035_500x0.jpg
Nhiều bà nội trợ cũng tham gia bán hàng trên mạng nhằm kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Phương Nga
Đến với công việc bán quần áo trẻ em trên mạng gần 1,5 năm, chị Hoài, 35 tuổi, quận Bình Thạnh trước đây là bà nội trợ chỉ quanh quẩn chuyện bếp núc. Hiện tại, một ngày làm việc của chị là chọn các mẫu ưng ý, sau đó chụp hình và đưa sản phẩm lên mạng xã hội, có khi gọi điện xác nhận nơi giao hàng, kiểm tra và cập nhật hàng mới. Cứ một kiện ứng với 100 kg, giá vốn 4-6 triệu đồng. Mỗi tháng trừ hết chi phí mua hàng và đăng tin bài trên diễn đàn, chị thu về 10 triệu đồng.
“Tôi có nguồn hàng cung cấp ổn định nhập từ Nhật, với chất liệu và mẫu mã không khác gì so với hàng hiệu. Giá bán tương đương hàng Việt Nam xuất khẩu”, chị Hoài nói. Ngoài việc đăng sản phẩm lên mạng xã hội, chị còn tích cực tham gia các cuộc thi trên diễn đàn hoặc dự hội chợ để sản phẩm có thể đến tay người tiêu dùng theo mọi ngả đường.
Chị chia sẻ, kinh doanh trong lĩnh vực này cần siêng năng, nhạy bén, cập nhật thường xuyên mẫu mới, nếu không sản phẩm sẽ lỗi thời, không thu hút được khách hàng.
Tuy nhiên, do người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm qua hình ảnh, lời bình luận, chứ không trực tiếp sờ và thử nên nhiều người e ngại chất lượng có đúng như quảng cáo. Là nhân viên truyền thông một công ty chứng khoán ở quận 1, chị Thủy làm thêm nghề tay trái để cải thiện thu nhập. Ý tưởng kinh doanh quần áo trẻ em qua mạng nảy ra từ lúc chị sinh con gái đầu lòng cách đây một năm. Các bé lớn rất nhanh trong những năm đầu nên bố mẹ phải thường xuyên thay đổi quần áo cho con. Chị không mua sỉ vì sợ chôn vốn lâu, hàng nhanh lỗi mốt mà bán tới đâu lấy hàng tới đó. Cứ mỗi chiếc áo hay quần, chị lời 10.000-15.000 đồng.
Khi đăng một số mẫu hàng trên trang mạng xã hội, có khách hàng yêu cầu may theo kiểu riêng. Trong trường hợp này, chị đề nghị đối tác may theo đúng đề xuất của khách rồi chụp hình lại đưa lên mạng để khách hàng lựa chọn. Công việc này giúp chị thu nhập ổn định và cao hơn cả nhân viên công ty chứng khoán, với 10 triệu đồng một tháng.
Anh Hải, ở quận 2 lại kinh doanh online phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động. Anh làm chương trình ứng dụng trên di động từ đầu năm 2010 khi nhận thấy các phần mềm, dịch vụ di động có sức mua tốt. Ngoài ra, một số hãng sản xuất di động dự định hợp tác với các nhà cung cấp viễn thông trong nước để tạo kênh bán hàng và thanh toán giống như trên iPhone. Do đó, anh và nhóm bạn quyết tâm theo đuổi kinh doanh ứng dụng di động.
Anh Hải ước tính lượng người dùng cuối tải ứng dụng trung bình 200-300 lượt một ngày. Mỗi ứng dụng có giá 15.000-20.000 đồng. Nếu người dùng tải phần mềm có giá 15.000 đồng, anh thu về 4.500 đồng. Cứ một ứng dụng, anh lãi khoảng 27 triệu đồng trong tháng. Có khi nhóm anh thực hiện 2-3 ứng dụng, nâng thu nhập tầm 54 triệu đồng.
Nghề này cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Các phần mềm di động trên Android tại Việt Nam đưa lên kho Google Play không được đặt giá bán, chỉ có thể miễn phí. Do đó, mô hình thu tiền chủ yếu lấy từ quảng cáo. Nếu là ứng dụng thu tiền qua tin nhắn, tỷ lệ ăn chia cũng không hấp dẫn, dẫn đến nguồn doanh thu thấp hoặc nếu theo hình thức thẻ cào thì không không thuận tiện cho người mua ứng dụng.
Nhìn chung, các nhà phát triển chưa có nhiều kinh phí để quảng bá phần mềm đến người dùng cuối. Bản thân lập trình viên cũng ít người đầu tư thời gian, công sức vào để viết tài liệu, quay video giới thiệu ứng dụng để nhiều người biết đến. Vì vậy, mặc dù ứng dụng có thể có chất lượng cao nhưng ít người biết tới và hiệu quả doanh thu chưa xứng tầm, anh Hải nhận xét. 
Thanh Thanh

Không có nhận xét nào: