Thứ Hai, tháng 8 12, 2013

Trang Trần ơi, đừng đi bán bún đậu nữa!

1. Ai cũng có 24h nhưng không phải ai cũng có thảm đỏ!

Bài học đầu tiên mà tôi học được từ anh nhạc sỹ/đồng nghiệp (xin được giấu tên) là nghệ sỹ cần phải có thảm đỏ. Nghệ sỹ là phải lung linh, phải được sự quan tâm hàng đầu mỗi khi xuất hiện cho dù ở bất cứ đâu (xin nhắc lại, ở bất cứ đâu). Nếu không đạt được điều này, thà nghệ sỹ ẩn mình còn hơn là xuất hiện trước công chúng.
Thế nhưng, cho dù nghệ sỹ hay là sinh viên, dù tỷ phú hay là lỡ bước ăn mày cũng chỉ có 24 giờ/1440 phút/86400 giây. Người dùng cũng vậy, họ cũng chỉ có từng đó giây mỗi một ngày không hơn không kém. Nghệ sỹ ngày xưa chỉ có thể xuất hiện trên thảm đỏ trước mặt đại chúng ở ba chỗ : chỗ bày ra thảm đỏ (không quá nhiều người nhìn thấy), trên báo (nhiều người nhìn thấy) và trên TV (rất nhiều người nhìn thấy). Tuy vậy, Internet xuất hiện và thay thế cho tất cả mọi thứ bao gồm báo hay TV. Mối quan tâm của người dùng chuyển hướng sang nhiều thứ khác ít nhiều mới lạ hơn thảm đỏ. Và nghệ sỹ thì vẫn cứ đợi để có dịp ăn mặc đẹp bước lên thảm đỏ một buổi tối nào đó?
Ashton Kutcher trong series nổi tiếng Two and a Half Men
Ashton Kutcher trong series nổi tiếng Two and a Half Men

Ashton Kutcher không nghĩ như vậy. Chí ít thì anh hiểu được vấn đề của Hollywood đối với Youtube là ở chỗ Youtube không có thảm đỏ cho nghệ sỹ. Thảm đỏ là chỉ dành cho nghệ sỹ, không thể dành cho chó/mèo (dễ thương) hay thậm chí là hình ảnh một đứa bé cười ngặt nghẽo được hàng triệu người click vào xem.
Và Ashton Kutcher đi xây dựng thảm đỏ trên Internet. Đầu tiên là cho chính bản thân mình. Chắc chắn ngay đầu tiên khi Kutcher đầu tư vào UStream, anh không thể biết rõ chi tiết mình muốn gì nhưng ít ra anh biết rõ một điều mình là nghệ sỹ và chỗ nào có công chúng thì mình phải xuất hiện ở đó. Đã xuất hiện thì phải ở trên “thảm đỏ” và nếu tấm thảm chưa trải ra thì mình phải kiếm cách trải nó ra.

2.Celeb thì biết gì về Công nghệ mà đầu tư?

Top Sectors for Celebrity Investments - 2007-2013
Các Celeb thường đầu tư vào đâu? – Ảnh: ST

Năm 2007, bản thân các nghệ sỹ thế giới cũng chỉ biết rằng đầu tư vào Internet có nghĩa rằng lập nick trên Twitter và trên Facebook là hết. Năm đó, chắc hẳn các nghệ sỹ Việt Nam cũng chẳng ai mặn mà chuyện ký hợp tác để đưa nhạc của mình lên Zing MP3 hay NhacCuaTui như bây giờ. Thế nhưng, trong 5 năm sau thì số lượng các doanh nghiệp được đầu tư bởi nghệ sỹ (đặc biệt là doanh nghiệp Internet như biểu đồ trên) đã khá nhiều. Ngoài UStream, Ashton Kutcher cùng Guy Oseary (ông bầu của Madonna) có cổ phần trong Summly (mới bán cho Yahoo), SocialCam, DuoLingo, AirBnb, MemSQL, Path, Hipmunk … và thậm chí là cả Skype (đã bán cho Microsoft) lẫn Spotify. Justin Timberlake thì mua lại MySpace đình đám còn một anh chàng Justin đình đám khác là Justin Bieber thì đầu tư vào Stamped (cũng đã được Yahoo mua lại).
Vậy, nghệ sỹ thế giới đầu tư vào những sản phẩm Internet này đơn giản chỉ vì họ có quá nhiều tiền và không biết tiêu tiền vào đâu?
Hệ thống dây chuyền từ nhãn hiệu, celeb, "khán giả" và các đơn vị/công cụ truyền thông
Dây chuyền từ nhãn hiệu, celeb, “khán giả” và các đơn vị/công cụ truyền thông

Hãy quay trở lại với một chân lý “Không có một môi trường truyền thông (media) nào lại có thể tồn tại được nếu không có tiền từ doanh nghiệp”.
Báo chí tồn tại được là do tiền quảng cáo/advertorial. Radio cũng thế, TV lại càng thế. Internet thì sao? Đương nhiên là bạn thấy quảng cáo đầy trên Baomoi.com rồi? Và ai quảng cáo? Là doanh nghiệp quảng cáo. Doanh  nghiệp đương nhiên muốn tiếp cận đúng và càng nhiều càng tốt khách hàng tiềm năng để quảng bá. TV/Radio/Báo giấy/Báo điện tử/Mạng xã hội … là những nơi có nhiều khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp, là media để doanh nghiệp có thể đổ tiền vào đó quảng cáo. Celeb cũng có audience, có đối tượng riêng, có fans riêng của mình và ai dám khẳng định rằng nhóm fans này không trùng với đối tượng doanh nghiệp cần quảng cáo. Media cần Celeb vì Celeb có fans và doanh nghiệp cũng cần những đối tượng fans này. Vậy tại sao, Celeb và Media không bắt tay với nhau để cùng nhận tiền quảng cáo từ doanh nghiệp? (họ đã làm từ xửa xừa xưa rồi). Nhưng vậy tại sao, Celeb không tự tạo ra Media (Channels) của mình để có thể nhận được nhiều tiền hơn từ doanh nghiệp?
Và Celeb có thể không biết gì về Công nghệ, nhưng sớm muộn gì Celeb cũng biết rằng Công nghệ  hiện nay (đặc biệt là Internet và thiết bị di động) giúp họ có thể tạo ra các kênh Media dễ dàng hơn thế hệ trước của họ.

3.Nhưng mà đây là Việt Nam cơ mà?

Những người nổi tiếng đôi khi cũng tự mở ra một cơ sở kinh doanh như 1 nghề tay trái
Những người nổi tiếng đôi khi cũng tự mở ra một cơ sở kinh doanh như 1 nghề tay trái – Ảnh minh họa: ST
Khi mà vụ việc chị Siu do đầu tư vào quán cà phê (cùng một số lý do cá nhân khác) đã vỡ nợ 2.5 tỷ đồng thì hàng loạt báo Việt Nam lao vào phân tích việc sao Việt làm nghề tay trái thành bại ra sao. Đáng chú ý nhất là phóng sự “Sao Việt với nghề tay trái” của báo Thanh Niên (hai kỳ – click để đọc kỳ 1 và kỳ 2) liệt kê một loạt nghề tay trái độc đáo của các sao như quán ốc của Đại Nghĩa, bún đậu mắm tôm của Trang Trần, Vua Biển của Đàm Vĩnh Hưng hay thậm chí cửa hàng thời trang cao cấp của cô Lý Nhã Kỳ. Tuyệt nhiên, không ai đầu tư vào Internet cả.
Việc đầu tư hoàn toàn không phải là việc đơn giản xuất hiện (hay post status trên Facebook) như Hà Hồ đang làm với Zalo, với rượu John cùng một lúc. Đầu tư phải như cách của Kutcher với UStream, Timberlake với MySpace hay điển hình nhất với người Việt là Dr.Dre với tai nghe của Beats (can thiệp tới hẳn phần sản xuất để tạo ra sản phẩm của riêng Celeb). Cho dù chấp nhận hay không, Celeb là một phần hiếm có bên ngoài mà con người thông thường chấp nhận đưa vào bên trong suy nghĩ của mình. Nghe nhạc của họ, nhìn ngắm họ, cười khi họ cười, mong chờ tin tức của họ hàng ngày, tin tưởng vào mọi lời họ nói, tin rằng họ hoàn hảo tới mức răng, tóc, quần áo hay thậm chí là lời khuyên của họ về một thứ họ chả biết (như dây cáp điện hay thuốc bổ) cũng là đúng tuyệt đối. Vậy đương nhiên, sản phẩm họ tự tay góp phần xây dựng ắt hẳn cũng sẽ được fans đồng lòng chấp nhận.
Với làn sóng đầu tư năm 2007-2008, hầu như không có bất cứ sản phẩm Internet nào của Việt Nam có sự góp mặt của celeb. Duy nhất có Zing Me trong năm 2009 có được sự ra mắt kèm theo việc celeb tại Việt Nam ủng hộ hoành tráng (có lẽ học được từ bài học của game). Tiếp theo đó, Internet và celeb bắt đầu nâng nhau lên tốt hơn ở Việt Nam với sự xuất hiện của những thế hệ Tâm Tít (là Miss Tầm Tay) hay một loạt hotgirl được Kênh 14 xây dựng lên để khai thác. Nếu nói năm 2013 là năm của Zalo thì người ta cũng vẫn chỉ nhìn thấy việc sử dụng celeb để quảng bá cho sản phẩm ở một mức tinh tế và nhuần nhuyễn hơn so với Zing Me chứ chưa thực sự có sự tham gia của celeb vào sản phẩm.
Trong lúc ấy, Bà Tưng xuất hiện như một ngôi sao sáng chói vì việc đầu tư hình ảnh sexy và dùng Facebook làm kênh phân phối hình ảnh. Thậm chí, Bà Tưng đã soán ngôi của nhiều ngôi sao khác mất bao nhiêu năm mới thành danh trên bảng xếp hạng sao Starbuzz. Tiếc rằng, case của Bà Tưng ít nhiều đang gặp phải sóng gió bởi cách làm nhanh và sử dụng môi trường media không phải của mình nên chỉ có thể tồn tại được trên môi trường đó mà không bước tiếp được ra ngoài. Nói cách khác, Bà Tưng không đầu tư vào Facebook mà chỉ đầu tư vào việc làm sao để mặc ít quần áo nhất mà vẫn không lộ hàng!
Sẽ rất khó nếu bảo Trang Trần ơi, cô đừng bán bún đậu nữa mà đầu tư vào Internet đi, đầu tư vào các startup đi. Internet Việt Nam vẫn cần tìm ra những người tiên phong như Ashton Kutcher – vừa có chân trong giới showbiz lại vừa sẵn sàng xắn tay nói chuyện với đám công nghệ. Internet Việt Nam cũng cần những sản phẩm được ‘đo ni đóng giày’ cho đúng giới celeb. Nhận thức được, làm được thì mới nghĩ được tới chuyện xây ‘thảm đỏ’ cho mình ở khắp mọi nơi. Còn bây giờ, họ rất dễ bị những ngôi sao scandal như Bà Tưng hay một cô bé nhỏ dễ thương như Phương Mỹ Chi chiếm ngôi. Còn bây giờ, sau tấm thảm đỏ kia có thể là cá ngừ, có thể là ốc hương, có thể là bún đậu và cũng có thể là nợ nần đang đón chờ.
*Lưu ý : Tác giả tôn trọng mọi ngành nghề lao động và không hề khuyến khích việc phân biệt ngành nghề nào là sang trọng hơn ngành nghề nào. Đối với cá nhân tác giả, lao động luôn cao quý. Bất cứ một phần nào trong bài viết này khiến người đọc suy nghĩ về chuyện phân biệt ngành nghề đều do lỗi không cố ý của tác giả.

Không có nhận xét nào: