Thứ Hai, tháng 9 03, 2007

Mỗi phút giây đều phải có kế hoạch

Học vượt cấp phổ thông, tốt nghiệp Đại học hạng ưu, được bố trí công tác giảng dạy ở trường nghiệp vụ ngân hàng, rồi làm quản đốc cho một công ty đang ăn nên làm ra… bấy nhiêu đó chưa đủ thỏa “chí kinh doanh”. Dám từ bỏ những cơ hội “béo bở” để khẳng định mình, ông Nguyễn Đặng Hiến - TGĐ Công ty Tân Quang Minh là một con người như thế.

Tìm lối đi riêng
Xuất thân từ vùng quê nghèo Quảng Trị, gió Lào, cát trắng... lớn lên trong khói lửa chiến tranh, như bao đứa trẻ đồng trang lứa, cậu bé Hiến ngày ngày ra đồng cắt lúa, chăn trâu, mò cua, bắt ốc.
Chứng kiến nỗi khổ cực trăm bề của cha mẹ và dân làng, Hiến luôn khát khao được thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Học hết lớp đệ tứ (lớp 9), cậu học trò giỏi trường làng chân ướt chân ráo khăn gói đến “Sài Gòn hoa lệ”.
Nhờ có thành tích học tập xuất sắc, Hiến được bỏ qua lớp đệ tam để học lên đệ nhị (lớp 11). Ngay từ những ngày đầu, chàng trai đất Quảng đã làm bạn bè, thầy cô hết sức ngạc nhiên khi liên tục dẫn đầu lớp về điểm số.

Bí quyết thành công:
- Có mục tiêu lâu dài.
- Có kế hoạch: Mỗi một phút giây của cuộc sống phải có kế hoạch.
- Có quyết tâm lớn, dám đối đầu với thử thách, khó khăn.
- Phải có đạo đức, có tâm với nghề, với đồng nghiệp.
Với thành tích đáng nể đó, Hiến “thong dong” bước vào Đại học Kinh tế TPHCM. Từ ấy, Hiến đã có ý “ra biển lớn” để tự thân lập nghiệp. Không nghề nào mà anh không “xía” vào. Từ đấu thầu giữ xe đến kinh doanh chữ nghĩa… Nhờ tài viết tốc ký giỏi, ngòi bút của anh “nuốt” từng lời giảng của giáo sư, để in ra bán cho bạn bè cùng lớp hay các khóa sau làm tài liệu tham khảo.
Nhờ cái sự “khôn lỏi” đó mà anh đủ chi phí trang trải, mua được xe máy… ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Năm 1978 ra trường, với tấm bằng cử nhân kinh tế hạng ưu, anh được bố trí làm công tác giảng dạy ở trường Nghiệp vụ ngân hàng. Được một thời gian, cái “máu” kinh doanh thôi thúc anh rời nhiệm sở, trong khi ai cũng khát khao được vào biên chế. Anh tâm sự: “Tôi cũng thấy táo bạo lắm. Nhưng tôi chắc chắn tìm được hướng đi cho riêng mình”.
Rời bục giảng, anh vào làm cho một nhà máy sản xuất nước giải khát. Từ ngày “bén duyên” với công việc hợp sở trường, Hiến đưa công ty thoát khỏi tình trạng èo uột, hoạt động ngày càng đạt hiệu quả cao.
Ông Trưởng phòng dịch vụ này đã đẩy sản lượng lên gấp 50 lần chỉ sau 3 tháng. Anh còn dùng uy tín và quan hệ của mình để đẩy mạnh doanh thu. Thế nhưng, thương trường là chiến trường. Quy luật cạnh tranh không chỉ ở chỗ hàng hóa bán ra mà còn “chiến tranh” trong nội bộ. Một lần nữa anh lại khăn gói ra đi với hai bàn tay trắng.
Cay đắng, anh quyết định sản xuất mặt hàng nước uống trái cây như một minh chứng, một sự khẳng định…
Bước ngoặt trong đời
Năm 1992, Công ty TNHH Tân Quang Minh ra đời. Một cơ sở sản xuất nhỏ với 26 công nhân, thiết bị giản đơn. 15 năm qua, anh đã nỗ lực không mệt mỏi để nắm bắt công nghệ mới, bổ sung dây chuyền, thiết bị sản xuất… Giờ đây, một nhà máy hiện đại, có đủ quy trình, tiêu chuẩn cho những sản phẩm của Bidrico tự tin vươn lên trong thời hội nhập.
Đi qua biết bao thăng trầm của cuộc sống, được hàng trăm người thầy dạy dỗ, nhưng phong thái, suy nghĩ, cách làm của người thầy họ Đỗ ở trường làng Quảng Đức ngày xưa đã đặt dấu ấn vào cuộc đời anh. Cho dù công việc rất nhiều, cường độ làm việc cao nhưng không bao giờ anh tỏ ra tất bật.
Với anh: “Trong mỗi giây phút của cuộc sống đều phải có kế hoạch”, đó là bí quyết giúp anh thành công như ngày hôm nay.

Với phương châm “Lấy sự thỏa mãn của người tiêu dùng làm thước đo sản phẩm”, các sản phẩm nước ngọt Bidrico, sữa chua tiệt trùng Yobi, nước ép trái cây Anuta, nước tăng lực Red Tiger, nước yến Ngân nhĩ, trà bí đao… của công ty đã đạt được những thành tích không khiêm tốn chút nào: Hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm liền, Huy chương vàng Thực phẩm chất lượng an toàn, Cúp vàng Giải thưởng Sao vàng Đất Việt… Đặc biệt trong năm qua, Tân Quang Minh được công nhận chứng chỉ: ISO 9001:2000, HACCP, GMP.
Anh cởi mở tâm sự: “Chúng ta phải biết định hướng. Học. Phải học cho giỏi. Vào đời. Phải vượt nghèo. Cha mẹ cho mình học để thoát khỏi con trâu cái cày, thì mình phải biết giải phóng cuộc đời mình như thế nào. Với ý nghĩ đó, tôi hun đúc mãi, coi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Chúng ta không nên làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo lý, mà bằng năng lực, óc tổ chức, nghệ thuật quản lý…”.
Nhà máy của anh hiện có hơn 400 công nhân. Mọi người ở đây đều gọi “sếp” bằng chú – mộc mạc, gần gũi. Bởi lẽ, xuất thân từ ấu thơ lam lũ, lớn lên nhờ củ sắn củ khoai… mà anh luôn đồng cảm với anh em công nhân. Anh quan niệm không có công nhân thì không thể có sự tồn tại của công ty. Niềm tin vào con người, vào đối tác kinh doanh chính là điểm nhấn trong chiến lược phát triển của Tân Quang Minh.
Đến nhà máy trong những ngày này, có hơn trăm sinh viên các trường Marketing, Đại học Ngoại thương, Cao đẳng Công nghệ thực phẩm… thực tập. Dù bận nhiều việc nhưng anh vẫn trực tiếp đọc đề cương, nói chuyện khởi nghiệp với sinh viên.
Anh luôn khuyên các bạn trẻ muốn bước vào kinh doanh phải có định hướng đúng. Phải trả lời được các câu hỏi: Doanh nghiệp lập ra nhằm mục đích gì? Phải làm như thế nào? Đồng thời phải tính toán đến phương án hoạt động, nguồn nhân lực, nguồn nguyên liệu, nguồn tiêu thụ… Phải mạnh dạn, không ngừng học hỏi, bắt nhịp nhanh những vấn đề thực tế…
Anh chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn: “Trong cuộc sống, thành công - thất bại cách nhau không xa lắm, chỉ cần một sai lầm là thất bại ngay. Tôi may mắn đã đi những bước rất vững vàng, không chạy, không nhảy để xây dựng được sự nghiệp như hôm nay.
Bước đi đó sở dĩ không gặp thất bại ê chề vì có định hướng đúng, chuẩn bị những hỗ trợ phù hợp. Phải biết cân nhắc, không quá lớn để phung phí, không quá nhỏ để bị động. Theo phong cách Á Đông thì “liệu cơm gắp mắm”. Phải biết “mạnh dùng sức, yếu dùng thế”. Trong kinh doanh, nếu cậy sức, có ngày bị quật ngã như chơi”.
( Theo Dân trí )

Không có nhận xét nào: