Bài viết này của Anh Hoành Minh Châu-Phó Tổng Giám đốc tập đoàn FPT được đăng tại diễn đàn của FPT. Thấy tâm đắc với những suy nghĩ của anh về văn hóa công ty, những chia sẻ của anh thật đáng giá và quý báu. Xin phép tác giả cho chép lại để chia sẻ với mọi người.
Bí mật Văn hóa sau mỗi thành công
Trong buổi giao lưu với anh Hoàng Minh Châu về chủ đề “Những bí mật văn hóa đằng sau các thành công kinh doanh”, nhiều ví dụ kinh tế và xã hội đã được anh Châu và các thành viên FLI Club cùng đưa ra thảo luận và phân tích. Đó có thể là câu chuyện thành công, cũng có thể là câu chuyện thất bại, nhưng ẩn chứa đằng sau mỗi sự thành công hay thất bại đó đều có ít nhiều sự đóng góp của văn hóa.
Văn hóa nên được hiểu là gì? Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hóa, tuy nhiên định nghĩa chính xác nhất lại chính là cách hiểu tổng quát nhất: Văn hóa là cách sống. Và cách sống hàng ngày có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, dân tộc hay là cả nhân loại. Bài viết này tóm lược một vài câu chuyện được chia sẻ trong buổi giao lưu với anh Châu.
Câu chuyện 1: Vai trò của STCo
Chuyện kể từ một dự án nọ thuộc FPT, trong một lần đi ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài. Sau nhiều cuộc đàm phán, tình thế càng ngày càng khó khăn cho phía ta. Đến phút cuối, khách hàng thông báo rằng FPT không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, nên không thể hợp tác với FPT. Phía ta sau rất nhiều nỗ lực, cũng nhận thấy không thể cố gắng hơn được nữa. Hai bên đồng ý kết thúc đàm phán.
Trong bữa ăn cuối cùng trước khi chia tay, người FPT với tinh thần STCo, cao hứng quyết định hát tặng khách hàng một bài. Đó là bài “Đoàn FPT”. Rồi vẫn với tinh thần STCo, người FPT mải vui, hát hết bài này tới bài khác. Mục đích chỉ để lưu lại trong khách hàng một chút kỷ niệm có phần đặc biệt về FPT.
Thật bất ngờ, ngày hôm sau phía khách hàng chủ động liên lạc lại, thông báo quyết định sẽ ký hợp đồng với FPT. Nguyên nhân rất đơn giản: Chứng kiến người FPT đồng thanh hát tập thể nhiều bài hát với nhau, họ cảm nhận rằng đây là một tập thể đoàn kết, có tinh thần đồng đội, có thời gian làm việc với nhau lâu dài nên đã hiểu nhau và có văn hóa chung. Điều này khiến họ tin tưởng rằng có thể hợp tác với ta, những khuyết điểm khác hoàn toàn có thể khắc phục được.
Văn hóa STCo – thứ văn hóa nội bộ vốn dĩ tưởng chỉ để anh em trong nhà tự trào, giải trí với nhau trong lúc căng thẳng, thì ra lại có những giá trị nhất định, tạo ra một hình ảnh tốt với khách hàng. Nghe đồn, sau thành công của dự án này, một lần khác, 1 dự án khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, giám đốc dự án sau khi đã giở hết võ mà ko ăn thua, lại giở tới bài hát hò, và cuối cùng lại… thắng.
Câu chuyện nhỏ này hình như đã được ghi trong sử ký hay sách Đồng đội, như 1 minh chứng về sức sống và vai trò của STCo. Có còn đáng tin ko, hay chỉ còn là truyện trong truyền thuyết?
Ngày nay chỉ còn thấy các cụ vẫn còn ca ngợi STCo. Anh Bình thì cho STCo vào chữ “Đổi" trong Tinh thần FPT. Anh Châu thì nghiên cứu hẳn sách của Trần Ngọc Thêm để định nghĩa văn hóa STCo như 1 nền văn hóa so sánh ngang với Văn hóa Phương Đông và Văn hóa Phương Tây. Anh Nam thì vẫn phong cách “vừa đi đường vừa kể chuyện”, thỉnh thoảng lại viết chuyện gặp khách hàng và được khen ngợi văn hóa FPT ra sao. Còn thế hệ trẻ càng về sau, càng không còn thấy STCo có ảnh hưởng nhiều tới mình nữa. Văn hóa FPT sau 20 năm, như ai đó đã nói, như 1 đoàn tàu nối thêm toa, càng ngày toa cuối càng xa toa đầu, gắn kết càng lúc càng rời rạc.
Câu chuyện 2: Thành công của Nhật Bản
Câu chuyện về một trong những láng giềng châu Á của chúng ta – Nhật Bản. 50 năm trước, sau CTTGII, Nhật Bản là 1 trong những đất nước bị tàn phá nặng nhất, với 2 quả bom nguyên tử phá hủy 2 thành phố lớn. Từ một nước đế quốc hùng mạnh, Nhật Bản biến thành đống tro tàn. 30 năm sau, trong khi phe thắng trận vẫn còn hân hoan với chiến thắng, thì đất nước thua trận, bằng một cách nào đó, đã âm thầm lặng lẽ vươn lên, dần thống lĩnh các lĩnh vực công nghệ, và trở thành một trong những cường quốc lớn nhất thế giới.
Có chuyện gì đã xảy ra? Người ta kinh ngạc tìm kiếm những bí mật thành công của Nhật Bản. Làm thế nào mà Nhật Bản đã lột xác một cách thần kỳ như thế? Các phương thức kinh doanh, phương thức sản xuất của các tập đoàn lớn của Nhật Bản được phân tích và coi là “kinh thánh” trong kinh doanh.
Người Nhật khi được hỏi về sự trỗi dậy thần kỳ này chỉ khiêm tốn trả lời: Nhật Bản là một đất nước không có tài nguyên. Trong hoàn cảnh khó khăn, người Nhật chẳng còn cách nào khác ngoài việc nỗ lực hết sức để vực lại đất nước của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, lý giải từ một góc nhìn khác, sự thành công của Nhật Bản có đặc điểm rõ rệt xuất phát từ văn hóa.
Chúng ta đều biết tới tầng lớp Samurai – tầng lớp võ sĩ Nhật Bản như một nét đặc trưng trong văn hóa Nhật. Tầng lớp võ sĩ Nhật Bản ra đời từ thời kỳ đầu của lịch sử, với nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ quyền lực cho các lãnh chúa và các dòng họ quý tộc. Samurai sống và hành động luôn đề cao nguyên tắc: “Nhiệm vụ là cao nhất; danh dự là thứ nhì và cái chết chỉ là chuyện nhỏ”. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, samurai luôn là tầng lớp gây ảnh hưởng lớn tới toàn bộ xã hội Nhật, và những nguyên tắc của họ đã tạo ra nguyên tắc chung cho người Nhật. Trong chiến đấu là tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ, trong kinh doanh và lao động là tinh thần làm việc nghiêm túc, coi công việc, nhiệm vụ là thứ quan trọng nhất. Điều này đã thúc đẩy tạo nên những thành công vượt bậc của nước Nhật dù là trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.
Với khẩu hiệu “Hòa bình và tiến bộ” đi liền theo lịch sử phát triển, nước Nhật tránh mọi đối đầu, tiếp thu nhanh chóng những giá trị tiến bộ của thế giới, dung nạp nó vào văn hóa riêng một cách phù hợp. Thế kỷ 19 khi Hải quân Mỹ mang pháo đến Nhật Bản phô trương thanh thế, Nhật Bản bắt tay với Mỹ, tránh được cuộc chiến đẫm máu, đồng thời mở ra thời kỳ lịch sử Thiên Hoàng Minh Trị hùng mạnh của mình.
Điều đáng nói là mặc dù là đất nước châu Á học ở phương Tây nhiều nhất, nhưng Nhật Bản cũng là nước bảo tồn được văn hóa truyền thống của mình nhiều nhất. Ngày nay, dù xã hội Nhật đã phát triển vượt bậc với đời sống vô cùng hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống vẫn được bảo toàn trọn vẹn. Nghệ thuật truyền thống Nhật Bản như ikebana, origami, kabuki, kịch nō, trà đạo, v.v.. thu hút sự quan tâm, trở thành các di sản văn hóa thế giới. Ẩm thực Nhật Bản hiện nay là một trong những nền ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới. Chiếc áo kimono truyền thống vẫn có giá hàng triệu đô. Sự bảo toàn nguyên vẹn này cùng với sự quảng bá văn hóa tốt ra thế giới đã xây dựng nên hình ảnh một đất nước Nhật Bản vừa tiến bộ, vừa đậm đà bản sắc.
Sự tỉ mẩn, cầu kỳ, tinh tế được thể hiện trong văn hóa Nhật Bản đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách làm việc của người Nhật. Những sản phẩm của Nhật Bản luôn được gắn với cụm từ “chính xác”, “hoàn hảo” vì những yêu cầu khắt khe trong từng bước, từng công đoạn, từng chi tiết. Ví dụ đơn giản nhất: với 1 món quà tặng khách, chúng ta thường quan tâm tới hình thức gói bọc và chất lượng quà tặng, còn một món quà tặng khách của người Nhật được chuẩn bị chu đáo từ gói bọc, chất lượng món quà tới hộp đựng quà – thứ mà chúng ta ít khi để ý.
Với những đặc điểm nổi bật đó, người ta tin rằng Nhật Bản sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, và sẽ là một trung tâm mới tạo ra sự dịch chuyển sức mạnh thế giới từ phương Tây sang phương Đông trong tương lai.
Câu chuyện 3: Nghĩ về Việt Nam
Cũng trong mạch chuyện về văn hóa và những ảnh hưởng của nó tới sự phát triển của xã hội, lại nhìn nước bạn như 1 bằng chứng sống về sức mạnh ngầm của văn hóa, nghĩ về Việt Nam và việc bảo tồn sức mạnh của văn hóa truyền thống, chúng ta thấy còn nhiều điều cần xem xét.
Gần gũi nhất, Hà Nội sắp bước vào dịp đại lễ 1000 năm. Chúng ta hay có câu nói “Hà Nội ngàn năm văn hiến” để ngợi ca nền văn hiến giàu truyền thống. Tuy nhiên, lại ít người nói “Hà Nội ngàn năm văn vật”.
Sự khác biệt ở đây là gì?
Văn hiến là một khái niệm trừu tượng. Văn hiến nói lên xu hướng luôn luôn khắc phục tình trạng nguyên sơ lạc hậu và thấp kém để vươn tới cuộc sống ngày một tiến bộ hơn, cao đẹp hơn. Văn hiến Hà Nội (là biểu trưng cho nền văn hiến của cả nước), khẳng định rằng Hà Nội ta có 1000 năm phát triển, 1000 năm vươn lên tới các giá trị tiến bộ. Tuy nhiên, để tìm kiếm “văn vật” – các đồ vật, di tích thể hiện bề dày của nền văn hiến đó thì hầu như không có.
Vì sao chúng ta ít giữ được văn vật? Có thể nói việc bị đô hộ trong cả nghìn năm là một cản trở lớn, khi các thế lực phương Bắc luôn tìm cách tiêu hủy văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh các lý do khách quan, Việt Nam còn có 1 đặc điểm tiêu biểu: khả năng tiếp thu truyền thống của người Việt Nam thấp. Mỗi thế hệ mới đi lên đều muốn xây dựng một trang sử mới, xây dựng một nền văn hóa mới, xóa bỏ hết những “tàn dư”, những cái cũ.
Lịch sử đã chứng minh sự thật rằng mỗi triều đại phong kiến mới lên đều cố gắng thay đổi tư tưởng cũ, xóa bỏ những cái cũ, từ các công trình kiến trúc, các tác phẩm văn học, các danh nhân v.v..
Vì thế các công trình truyền thống của Việt Nam dù có nhiều nhưng đến thời nay hầu như mai một. Trong rất nhiều loại hình nghệ thuật VN, chỉ có ca trù, quan họ được Unesco công nhận. Trong khi chúng ta còn rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như chèo cổ, chầu văn v.v.. Bởi vì tới ngày nay chỉ còn ca trù, quan họ giữ được bản sắc cổ, còn những loại hình nghệ thuật khác hầu như đã mai một hết bản sắc. Chèo cổ trước kia có khoảng 50 vở, đến ngày nay chỉ còn 2 vở: Quan âm thị kính và Xúy vân giả dại (mất kịch bản). Còn lại, tất cả các vở chèo khác đều là chèo cải biên
Một ví dụ khác là trang phục truyền thống của người Việt. Chiếc áo dài được coi là trang phục truyền thống Việt Nam hiện nay thực chất ra đời đầu thế kỷ 19. Nó đã thay thế luôn chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy – chiếc áo truyền thống sống trong nhiều thế kỷ.
Sự mất mát các bằng chứng sống về truyền thống khiến việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu của Việt Nam không rõ ràng. Dù luôn khẳng định Việt Nam "đậm đà bản sắc dân tộc", nhưng chúng ta không có cái để chứng minh rằng chúng ta có nền văn hóa riêng, không có tài liệu để mô tả cho thế hệ con cháu hiểu đúng. (Bộ phim Lý Công Uẩn phải mang sang Trung Quốc đóng, phục trang Trung Quốc, phim trường Trung Quốc) Dù thực tế chúng ta có khoảng gần 3000 năm dựng nước, không ít người nước ngoài cho rằng Việt Nam là một phần được tách từ Trung Quốc.
Ngày nay, khi ý thức về sự mất mát của văn hóa truyền thống bắt đầu hình thành, chúng ta đang có nhiều hoạt động nhằm khôi phục truyền thống. Đáng buồn là rất nhiều trong số đó không phải là sự khôi phục đích thực, nếu không muốn nói là phá hoại. Nhà cổ (Đường Lâm) được dỡ ra để dựng lại, hay xây lại những ngôi chùa mới với cái tên cũ, trên chính nền của những ngôi chùa cổ là những ví dụ.
Chúng ta cố gắng giữ nghệ thuật truyền thống bằng cách đưa chèo, tuồng, cải lương vào đời sống hiện đại với những vở cải biên, trang phục hiện đại, vấn đề thời đại nhưng được hát theo giai điệu cổ. Đáng tiếc đó không phải là cách đúng để giữ bản sắc, nếu không muốn nói là rất khó tiếp thu, thậm chí nhiều khi gây phản cảm.
Ngay với chiếc áo dài, thì chiếc áo dài hôm nay cũng không còn giữ đúng nét thiết kế ban đầu. Qua mỗi năm, áo dài lại được cách tân theo các phong cách thiết kế mới, được chấp nhận rộng rãi và xa rời nguyên bản. Ngày nay thiếu nữ có thể mặc áo dài không cổ, tà ngắn với… quần bò.
Chúng ta thường lý giải những tùy biến này là 1 nét tính cách đặc trưng: "linh hoạt". Linh hoạt nên dễ chấp nhận mọi hoàn cảnh, tùy cơ ứng biến, tiếp thu tất cả các giá trị bên ngoài. Một ví dụ rất hay do anh chàng Dâu Tây phát hiện và chia sẻ, đó là khi đi qua nhiều nước, anh luôn thích thú với câu chào bằng tiếng bản xứ của họ. Ở Trung Quốc là "Ni-hao", Thái Lan là "Sawadikha", Nhật Bản là "Konichiwa", thì chỉ riêng ở Việt Nam, 100% người anh chàng Dâu Tây gặp đều chào anh "Hê-lô", chứ không phải là "Xin chào", "Chào anh" bằng tiếng Việt. Và cái sự làm hài lòng khách bằng câu chào "Hê-lô" (chứ không phải Hello) lại khiến nhiều khách phải ngạc nhiên và thắc mắc - Vì sao người Việt Nam lại không chào khách bằng tiếng Việt.
Ví dụ này cho thấy chúng ta đôi khi trân trọng thứ bên ngoài hơn cả bản chất của mình. Tới một thời điểm nhất định, chúng ta khó có thể xác định gốc rễ của mình là gì. Quay trở lại với sự kiện kỷ niệm 1000 năm Thăng Long "linh thiêng, hào hoa". Những giá trị linh thiêng hào hoa đó là gì, và đến thời điểm này ra sao ? Nhà cổ có còn không, hay thực tế chỉ còn là nhà khổ? Bản chất người Hà Nội gốc là gì, hào hoa hay dân kẻ chợ? Đó vẫn còn là điều đáng bàn cãi.
Câu chuyện 4 : Triết lý thơ tứ tuyệt
Hồi còn học phổ thông, chúng ta được biết tới thể thơ Tứ tuyệt. Tứ tuyệt là dạng thơ đặc trưng trong đó mỗi bài chỉ có bốn câu, mỗi câu có thể 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ... Chỉ ngần ấy chữ, nhưng nhà thơ phải diễn tả trọn vẹn tâm tình ý tứ. Luật thơ Tứ tuyệt giao cho bốn câu thơ bốn nghĩa vụ rõ ràng: Khai – Thừa – Triển – Hợp. Câu thứ nhất Khai mở vấn đề, Câu thứ hai Thừa kế từ câu thứ nhất, nói rõ vấn đề, Câu thứ ba phát Triển vấn đề, có thể sang hẳn một ý khác. Câu thứ tư, quan trọng hơn cả, có nhiệm vụ tổng hợp vấn đề để cả 4 câu thơ nằm chung trong 1 chỉnh thể.
Đây là 1 ví dụ đơn giản về thơ Tứ tuyệt:
Trên trời mây trắng như bông – Khai
Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây – Thừa
Mấy cô má đỏ hây hây – Triển
Đội bông như thể đội mây về làng – Hợp
Luật thơ tứ tuyệt xét ra cũng chính là quy luật của cuộc sống. Sự vật hiện tượng phải có khai thừa triển hợp thì mới trọn vẹn. Thời điểm hiện tại bạn đang đứng ở đâu, làm gì, đều có thể đặt mình vào một trong bốn câu Tứ tuyệt. Điều quan trọng nhất là dù đứng ở câu thơ nào, chúng ta phải nhận thức là mình nằm trong quy luật vận động ấy, và sau cùng, bạn phải có câu chốt – câu thứ 4 để tổng hợp vấn đề.
Trong mỗi câu chuyện được kể ở trên đây, ít nhiều đều có thể thấy được thực tế câu chuyện đang ở đâu trong cấu trúc này.
Trong câu chuyện 1, văn hóa STCo – sản phẩm của thế hệ FPT đầu tiên đã tạo nền móng cho văn hóa FPT. Văn hóa STCo phù hợp với môi trường cũ, điều kiện cũ khi FPT còn là 1 tập thể nhỏ. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tốt của STCo tới FPT trong suốt thời gian qua, ko chỉ làm thỏa mãn người nội bộ mà còn trở thành một bản sắc riêng được người ngoài ghi nhận.
Nay FPT đã mở rộng, trong môi trường lớn này STCo chưa đáp ứng được, thì thế hệ lãnh đạo mới phải tạo ra văn hóa mới phù hợp với môi trường mới. Họ đang ở câu thơ biến. Tuy nhiên, dù văn hóa FPT mới có thay đổi thế nào, thế hệ FPT mới, ko chỉ ngày nay mà cả trong tương lai (nếu FPT vẫn còn tồn tại) vẫn không nên phủ nhận STCo, mà phải biết lưu ý tới nó và hợp nhất văn hóa FPT mới với văn hóa STCo truyền thống để có được sự hòa hợp, thống nhất và không mất đi bản sắc đặc trưng
Câu chuyện về nước Nhật là 1 ví dụ tốt cho việc hợp nhất văn hóa truyền thống. Dù đang ở thời đại nào, ý thức giữ gìn truyền thống của người Nhật cũng rất tốt, và truyền thống văn hóa đó đang tạo nên những điểm mạnh cho họ.
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay của Nhật Bản là sự thay đổi của giới trẻ. Giới trẻ Nhật Bản có sự chuyển biến tâm lý, tạo ra hàng loạt các trào lưu văn hóa hậu hiện đại hoàn toàn khác biệt với văn hóa truyền thống. Một thế hệ trưởng thành trong xã hội nhiều áp lực với sự thay đổi đáng kể này liệu có sẵn sàng kế thừa các truyền thống, phát huy tinh thần của cha ông và tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của Nhật Bản? Câu hỏi này khi được đặt ra với thế hệ lớn tuổi - những người đang giữ gìn và bảo tồn tinh thần và văn hóa Nhật Bản, lại nhận được một câu trả lời đầy lạc quan: Khi nào họ chín chắn, họ sẽ quay lại với truyền thống. Hãy cử để thanh niên tiếp tục đi theo những trào lưu mới, tìm kiếm cái mới. Họ đang ở câu thơ biến. Khi nào tìm kiếm đủ, họ sẽ lại tìm về với những nền tảng của dân tộc mình.
Thì ra, bảo tồn một giá trị, dù là văn hóa hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, không có nghĩa là thúc giục thế hệ sau phải theo sát mình, làm theo mình. Bảo tồn văn hóa có nghĩa là bám sát những giá trị văn hóa của người đi trước. Còn thế hệ tiếp theo, họ sẽ có nghĩa vụ phải tự kế tiếp cha ông mình.
Quay trở lại với câu chuyện về Việt Nam. Không thể phủ nhận những thiếu sót có phần di truyền của chúng ta trong việc bảo vệ và khôi phục truyền thống. Nhiều sự kế thừa khẳng định bản thân bằng việc phủ định quá khứ, dù thực tế trong mọi vấn đề, nhất là trong văn hóa không thể kết luận đúng hay sai. Tự thân sự tồn tại của văn hóa theo thời gian đã thể hiện giá trị của nó.
Chúng ta làm nên câu thơ biến, nhưng lại thiếu đi câu thơ cuối cùng – câu thơ hợp nhất, tổng hợp để không chỉ phát triển mà còn bồi đắp thêm cho bản sắc văn hóa Việt Nam. Và chúng ta phải trả giá bằng sự mất mát của nhiều văn vật có giá trị, ảnh hưởng lớn tới việc xây dựng hình ảnh của Việt Nam trong mắt thế giới.
Chúng ta có thể học được từ nhiều nước, học trong nhiều lĩnh vực, nhưng trước hết phải học cách giữ gìn truyền thống, vì gốc rễ văn hóa chính là nền tảng quan trọng nhất cho mọi phát triển.
Chủ Nhật, tháng 4 25, 2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét