Thứ Năm, tháng 1 13, 2011

Anh Hoàng Minh Châu trong talkshow Người đương thời

Năm 2006, talkshow Người đương thời (VTV1) mời anh Hoàng Minh Châu - khi đó là Phó TGĐ FPT làm nhân vật khách mời. Văn hóa công sở của FPT với những "bí mật" như "Sếp tốt là sếp đi chơi khi nhân viên đi làm", "Trong cuộc họp, người nói to nhất không phải là sếp" v.v.. được anh Châu chia sẻ public đã tạo ra tranh luận nhiều chiều. FLI Blog xin chia sẻ lại video này.



Năm 2006, talkshow Người đương thời (VTV1) mời anh Hoàng Minh Châu - khi đó là Phó TGĐ FPT làm nhân vật khách mời.
Văn hóa công sở của FPT với những "bí mật" như "Sếp tốt là sếp đi chơi khi nhân viên đi làm", "Trong cuộc họp, người nói to nhất không phải là sếp" v.v.. được anh Châu chia sẻ public đã tạo ra tranh luận nhiều chiều.

Một số ý kiến của khán giả truyền hình sau chương trình:

Đưa ra ý kiến câu hỏi
Trong buổi giao lưu với chú Châu, chị Loan đã hỏi : "Tình yêu đất nước có liên quan gì đến công việc của nhân viên ở văn phòng"
Em nghĩ câu trả lời đó là : "Tại sao những Việt Kiều lại về quê làm việc, bỏ qua những công việc ở nước ngoài với mức lương cao chót vót mà bao nhiêu người hàng mơ ước. Đó là tình yêu đất nước, và họ về làm việc cho những doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đưa những doanh nghiệp Việt đi lên, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam
Còn các bạn trẻ Việt Nam nếu có lòng yêu nước, đang làm việc tại các công ty, văn phòng của doanh nghiệp trong nước hay Việt Nam thì cố gắng hơn trong học tập, sáng tạo tuân thủ luật pháp Việt Nam, giới thiệu với bạn bè các nước về vẻ đẹp của Việt Nam, ngăn ngừa, phát hiện, tố cáo những hành vi sai trái ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, trật tự, an toàn của xã hội, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam ta
Đó là mối liên kết giữa lòng yêu nước và việc thể hiện nó trong công việc ở văn phòng công sở".

Lòng yêu nước

Kính chào anh Châu.
Với riêng tôi, buổi phỏng vấn anh là chương trình Người đương thời hay nhất mà tôi được xem từ trước đến nay (cho dù tôi không được xem đủ các chương trình kể từ ngày phát sóng). Và điều hay nhất nó nằm ở câu cuối cùng của anh: Lòng yêu nước. Một doanh nhân nói về lòng yêu nước thì nó thật và cụ thể hơn các chính trị gia hoặc thầy cô giao nói về điều đó nhiều lắm. Vậy anh hãy sử dụng vốn sống của mình để giúp mọi người ý thức được điều đó anh à.
Chúc anh mọi điều tốt lành nhất.
Đỗ Khôi Nguyên
Tôi nghi ngờ về các phát biểu của ông Hoàng Minh Châu
Xem chương trình người đương thời với nhân vật chính là ông Hoàng Minh Châu, tôi thấy dù là đài truyền hình muốn nhìn nhận xã hội với nhiều góc nhìn khác nhau nhưng không nên đưa một mô hình mà tôi cảm thấy rất bất ổn (tuy là trong giai đoạn vừa rồi họ có những thành công nhất định - nhưng nó không phải là tất cả). Hoặc là ông ta hoạt ngôn, hoặc là ông ta dối trá. Tôi không tin là trong một doanh nghiệp, theo như ông ta nói là ông ta và các đồng sự của mình rất " dân chủ", rất " cấu thị"; những nhân viên vẫn thường xuyên dùng hình của sếp trong phòng làm việc để làm các hành vi "dân chủ"; và tôi không tin là doanh nghiệp tôn trọng các hành vi đập phá như thế lại có thể phát triển bền vững. Tôi cho là chúng ta không nên truyền bá một tư tưởng, một cách sống vôỷ luật như thế trong một giai đoạn chúng ta đang cần xây dựng một xã hội có nên nếp, trên ra trên, dưới ra dưới.
Đừng làm cho người xem truyền hình bị mất phương hướng khi xây dựng một nốt mô hình điển hình là trong một doanh nghiệp "người đập bàn, người nói to" là các nhân viên còn các sếp làm....
Tôi không tin trong doanh nghiệp của ông ta là như thế, đây chỉ là một sự hoạt ngôn, một sự giảo biện, một sự dân chủ hình thức mà thôi. Tôi còn có cảm nhận nhiều về buổi truyền hình do, nhưng tôi rất tâm đắc với từ "lâu" của chỉ Bịch Loan. Văn hóa kinh doanh Nhật, Mỹ và các nước tiên tiến khác có như là văn hóa của doanh nghiệp ông ta đâu, đâu có cái kiểu lãnh đạo không ra lãnh đạo, trên không ra trên, dưới không ra dưới như của FPT như ông ta đã miêu tả. Liệu FPT (như ông ta miêu tả) có phải là một mô hình chúng ta cần nhân rộng, cần quảng bá không? Tôi nghi ngờ điều đó!!!!
--------------

Đích thân anh Châu sau đó đã có 1 bài viết trên trang Nguoiduongthoi.com.vn để giải thích kỹ hơn về văn hóa công sở, quan hệ sếp - nhân viên của FPT.

Ông Hoàng Minh Châu – Phó chủ tịch HĐQT công ty FPT trả lời khán giả.
16/11/2006

Hôm nay tôi mới vào website Nguoiduongthoi, có dịp đọc tất cả các ý kiến khen chê. Do không có thời gian trả lời từng người một, tôi xin được sử dụng diễn đàn này để nói lời cám ơn VTV1 cũng như khán giả chương trình Người đương thời đã quan tâm đến những vấn đề đặt ra trong buổi đối thoại vừa qua.

Tôi xin chân thành cám ơn các anh chị đã chia sẻ và ủng hộ quan niệm quản lý của FPT. Điều này giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc tiếp tục duy trì phong cách quản lý của mình, vì toàn bộ Ban Lãnh đạo FPT vốn không phải là những người tốt nghiệp các trường quản lý chính quy, trường học quản lý duy nhất mà chúng tôi trải qua là "vừa làm vừa học từ thực tiễn".

Tôi xin chân thành cám ơn nhưng ý kiến phản biện rất sâu sắc của nhiều anh chị. Chính những ý kiến này đã gợi ý cho chúng tôi rất rõ ràng hướng khắc phục những tồn tại để phát triển.

Nói về "Môi trường dân chủ trong công việc" - đây là cái chúng tôi tôn thờ và cố gắng duy trì. Chúng tôi hiểu, khi một người liên tục thành công thì anh ta rất dễ nghĩ rằng mình tài ba lỗi lạc, chẳng cần nghe ai nữa. Và sự độc tài bắt đầu xuất hiện. FPT cũng không phải ngoại lệ. Vì thế, để có được môi trường dân chủ trong công việc đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên đấu tranh chống các biểu hiện độc tài.

Nói về "Sếp đi chơi trong khi nhân viên đi làm" là tôi muốn nhấn mạnh công việc của một người lãnh đạo phải khác công việc của một nhân viên, chứ không phải là thấy nhân viên đang quét nhà mà mình có thời gian rỗi là xắn tay vào cùng quét cho nhanh. Nếu một người lãnh đạo cũng khuân vác hay cày cuốc suốt ngày như một nhân viên cấp thấp thì không nên làm lãnh đạo. Lãnh đạo có thể đi chơi golf, có thể đi giao du... nhưng phải tạo ra công ăn việc làm cho nhân việc, tạo ra cơ hôi phát triển cho tổ chức của mình. Trên thực tế, lãnh đạo FPT làm việc không ít hơn lãnh đạo của bất cứ tổ chức nào khác ở Việt Nam.

Có thể tôi đã diễn đạt không tốt để mọi người hiểu là cá nhân tôi tự ty dân tộc. Tôi luôn tin rằng, một dân tộc có thể đánh thắng những Đế Quốc lớn nhất thế giới, dân tộc đó không cần phải khuất phục trước bất cứ thế lực nào. Nhưng hai khái niệm "Một dân tộc không khuất phục" và "Một dân tộc được kính nể" không hoàn toàn trùng khít nhau. Cho dù chúng ta kiên cường đến đâu, nhưng nếu Đất nước vẫn nghèo, nhân dân vẫn khổ thì sẽ không có sự kính nể thực sự của thế giới (xã giao thì không nói làm gì).

Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ từ thực tiễn của FPT. Khi bắt đầu tiến hành tiếp thị thị trường Nhật Bản cho gia công xuất khẩu phần mềm, chúng tôi luôn thuyết phục họ là "người Việt Nam thông minh, cần cù, được đào tạo tốt...". Kết quả nhận được sau nhiều tháng nỗ lực bằng... không. Việc tự quảng cáo "mình hay mình giỏi" thực sự không gây cho họ bất cứ một sự xúc động nào. Sau đó chúng tôi tìm cách tiếp cận khác. Chúng tôi nói với họ rằng, rất nhiều thứ chúng tôi chưa biết, nhưng nếu được đào tạo thì kỹ sư của chúng tôi có khả năng tiếp thu rất nhanh. Chúng tôi sẵn sàng làm thử miễn phí một số dự án nhỏ. Và lập tức họ tin. Họ giao việc. Từ việc nhỏ đến việc lớn... Sau này, rất nhiều khách hàng Nhật bày tỏ sự ngạc nhiên vì sự tiến bộ rất nhanh của các kỹ sư Việt Nam.

Nếu chúng ta tự nhận là mình thông minh thì ai còn muốn giúp đỡ đào tạo chúng ta nữa. Nhưng nếu chúng ta thực sự có khả năng, làm tốt các công việc, thì lo gì không có người khen. Khi tôi nói với một anh bạn quốc tế (anh này rất khâm phục người Việt Nam) là "chúng tao chưa có giải thưởng Nobel khoa học nào", thì anh ta không hề chê là dân tộc mày không thông minh mà lại nói rằng giải Nobel không phải là tất cả và cũng có thể trong tương lai không xa có nhiều người Việt Nam trong số anh ta quen biết sẽ đoạt giải này.

Trong 18 năm qua, Công ty FPT đã làm được một số việc, đạt được một số thành công. Từ một nhóm nhỏ cán bộ khoa học đã hình thành một Tập đoàn CNTT với hơn 6000 nhân viên, doanh số hàng chục ngàn tỷ đồng Việt Nam. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, FPT chưa phải là niềm tự hào của người Việt Nam. Nếu đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghệ có vị trí trong khu vực và thế giới, thì FPT ngày hôm nay mới ở chặng đầu tiên của cuộc hành trình vô cùng khó khăn gian khổ. "Sản phẩm công nghệ của riêng FPT" chỉ là một trong rất nhiều thứ quan trọng mà chúng tôi chưa có và cần phải xây dựng. Và sự phát triển của một công ty hàng đầu quốc gia chỉ có ý nghĩa khi nó gắn kết với sự phát triển của Đất Nước của Dân tộc. Khi ra nước ngoài - toàn cầu hóa - chúng tôi không còn là công ty FPT đơn thuần mà là "Công ty công nghệ đến từ Việt Nam".

Và khẩu hiệu mà chúng tôi thích nói đến nhất ngày hôm nay chính là "Vươn lên Việt Nam", "Tự hào Việt Nam".

Một lần nữa xin cám ơn các anh chị đã quan tâm.

Hoàng Minh Châu

Phó Chủ tich FPT
Xem thêm văn hoá của FPT (văm hoá Sờ ti cô)

Chủ Nhật, tháng 1 09, 2011

Tư duy thịnh vượng

Trung tâm Tư duy thịnh vượng được ThS Trần Thành Nam thai nghén từ khi cuốn sách "Phương pháp tư duy thịnh vượng" được dịch hoàn tất ngày 18/05/2008

Bắt đầu từ những buổi nói chuyện tại các CLB, trường học, trung tâm đào tạo... tại Tp.HCM và Hà Nội từ tháng 05/2008 đến tháng 08/2008 diễn giả Trần Thành Nam đã chia sẽ Tư duy thịnh vượng của mình đến mọi người xung quanh tại số 05 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Q1, Tp.HCM

Vài nét về Th.S Trần Thành Nam

Sinh 18 tháng 5 năm 1958, du hoc Balan từ 1976 tốt nghiệp Thạc Sĩ Kỹ thuật và Kinh tế năm 1982 và 1984, về nước làm việc từ 1986;
Cha của hai con gái 8X (đều đã tốt nghiệp Đại học ở Châu Âu và Mỹ) và con trai 9X đang đi học;

Nghề nghiệp: Kỹ sư, Doanh nhân, Nhà Đào tạo, Nhà Đầu tư.

Công việc đã kinh qua:

- Từng làm việc nhiều năm tại các Tập đoàn Nhà nước lớn như PetroViệtnam và Vinashin từ 1986 đến 2008;Từng là giám đốc Cty V.O.T (2001-2003), rồi Cty Vinashin Offshore (2006-2008).
- Từng là Tổng phụ trách các công trình Hàng hải Dầu khí lớn với trị giá đầu tư hàng trăm triệu đô la của các Tập đoàn Nhà Nước trên, như công trình đóng mới các giàn khoan di động (Jack-ups), các công trình đóng mới tàu thuyền và các Hệ Kho nổi chứa xuất dầu thô FSO/FPSOs…
- Từng làm đại diện, quản lý cấp cao cho một số tập đoàn dầu khí nước ngoài (từ Châu Âu, Mỹ và Đông Nam Á) tại Việt Nam như SBM (Monaco), Gai-Tronic (USA) Wartsila (Finland), một số Công ty trong khu vực (Nhật, Malaysia, Singapore…).
- Từng tham gia thành lập, điếu hành và chuyển giao lại cho người khác hàng chục công ty TNHH, CP theo Luật Doanh Nghiệp Việt Nam phiên bản Năm 1990, 1995, 2000 và 2005. Hầu hết các công ty trên vẫn hoạt động và phát triển tốt.
Kinh nghiệm:
- Đã tham gia kinh doanh từ nhiều vị trí của cả ba nhóm doanh nghiệp Nhà nước, Tư bản nước ngoài và Công ty Tư nhân trong nhiều nghành khác nhau như:
o Thiết bị Kỹ thuật khai thác dầu khí;
o Kỹ thuật Hàng hải, vận tải Biển,

o Công nghjiệp Đóng tàu và sủa chữa các công trình Biển,

o Thiết kế, thi công, tư vấn kỹ thuật trong hàng hải, dầu khí;
o Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật cho các ngành công nghiệp;
o Thiết bị Tự động, Điều khiển, Đo lường, An toàn…công nghiệp
o Kinh doanh Bất động sản;
o Máy tính và thiết bị thông tin công nghiệp;
o Kinh doanh MLM và Đào tạo…


- Từng trải qua nhiều vị trí công tác trong các đơn vị trên từ kỹ sư giám sát công trình, cán bộ phụ trách công trình...đến giám đốc các công ty thi công các công trình (trong các công ty nhà nước); từ giám đốc kinh doanh đến giám đóc điều hành và chủ tịch HĐQT (trong các công ty tư nhân); từ quản lý (manager) đến giám đốc dự án, đại diện đến trưởng VPĐD, đại lý đến tổng đại lý khu vực…(trong các công ty nước ngoài).

Kinh tế:
- Phụ thuộc gia đình 100% đến 1975;
- Phụ thuộc hai Nhà nước Việt Nam và Ba Lan từ 1975-1984;
- Tự lập từ 1984;

- Là Doanh nhân từ 1996;
- Tự do tài chính từ 2003;
- Từ 2003: Đầu tư và Làm những gì mình yêu thích;
- Mục tiêu kinh tế: làm giàu (để có thật nhiều tiền) để thực hiện các ước mơ, đam mê của mình;

Đam mê:
- Học hỏi và trải nghiệm;
- Thành công trong các công việc mình làm;
- Sống theo mong muốn của chính mình (Tự do);
- Chia sẻ kinh nghiệm để các bạn trẻ đến thành công sớm hơn, lớn hơn.

Không đam mê:
- Tham nhũng, đạo đức giả;
Một số bài viết :
- Tư duy thịnh vượng 1
- Tư duy thịnh vượng 2
- Tư duy thịnh vượng 3

Adam Khoo: "Pháp sư mưa tiền”

Trên thế giới, cứ 60 giây lại có một người trở thành nhà triệu phú. Một số triệu phú mất vài chục năm để tích luỹ làm giàu, một số khác mất chưa tới một năm.

Với chủ đề “Chiến lược kinh doanh tạo mưa tiền”, cuộc giao lưu với nhà triệu phú trẻ người Singapore Adam Khoo ngày 2.1.2011 tại Hà Nội do IDT International tổ chức đã thu hút hơn 1.200 doanh nhân và các bạn trẻ tham gia.

Đây là lần đầu tiên Adam Khoo đến Việt Nam, nhưng nhiều người đã biết đến anh như một diễn giả có tiếng ở khu vực Châu Á, triệu phú người Singapore, tác giả của hàng loạt cuốn sách best-seller như: Bí quyết tay trắng trở thành triệu phú, Làm chủ tư duy, Thay đổi vận mệnh, Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỷ,...

Một người còn trẻ, mới 36 tuổi, được mệnh danh là “pháp sư tạo mưa tiền”, đã chinh phục nhiều đỉnh cao trong cuộc sống. Phóng viên Lao Động đã có cuộc trò chuyện với người có khát vọng làm giàu mãnh liệt và rất thành công này.

Trở thành triệu phú khi mới 26 tuổi và là một trong những người trẻ giàu nhất Singapore và được biết đến như một “pháp sư tạo mưa tiền” anh có thể chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với các bạn trẻ Việt Nam, liệu anh có thể có lời khuyên nên đầu tư vào lĩnh vực nào mang lại lợi nhuận tốt nhất hiện nay, thưa anh?

- Luôn có một mâu thuẫn, một nghịch lý ở đây. Đó là người làm công việc kinh doanh luôn đặt mục tiêu tiền bạc lên trên hết thì lại là người không thành công. Trên thực tế, có rất nhiều người trở thành tỉ phú trên thế giới, khi bắt tay vào công việc, họ không đặt nặng vấn đề tiền bạc.

Triết lý của tôi là bạn phải tạo được giá trị gì cho xã hội qua công việc của bạn và bạn sẽ quay trở lại đóng góp gì cho xã hội qua việc kinh doanh đó. Và khi bạn đã xác định được giá trị của công việc kinh doanh thì tiền bạc sẽ tìm đến với bạn, vì ngay từ ban đầu việc tiến hành lĩnh vực đào tạo của tôi không phải là kiếm tiền, mà là giáo dục trẻ em và giúp đỡ mọi người các kỹ năng học tập, làm việc tốt nhất. Sau đó, từ thực tế áp dụng những lý thuyết học được thành công, mọi người đã tự tìm đến với tôi.

Hiện tất cả các hội thảo của tôi tại Singapore đều kín chỗ, mọi người phải đóng từ 2.000-3.000 đôla Singapore cho một hội thảo 4 ngày.

Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam, thì tôi cho rằng, các bạn nên đặt mục tiêu rõ ràng, có đam mê, sở thích, và có giáo dục, biết học từ những lỗi lầm ta mắc phải, thậm chí học từ những lỗi lầm của đối thủ cạnh tranh.

Cũng đã có nhiều người hỏi tôi lĩnh vực kinh doanh nào đem lại nhiều tiền nhất: Thực phẩm, đồ uống, quần áo, chứng khoán hay bất động sản...? Câu trả lời của tôi là lĩnh vực nào cũng có thể mang đến cho bạn thành công, vấn đề là bạn phải thích, bạn quan tâm, dành thời gian và trang bị cho mình đủ kỹ năng để làm việc đó.

Anh có thể kể với các bạn trẻ Việt Nam kỷ niệm sâu sắc nhất của mình ngày đầu khởi nghiệp và những bài học rút ra cho mình từ ngày ấy?

- Tôi từng là một học sinh lười, học ở một trường tệ nhất Singapore, từng bị đuổi học và bị coi là “chẳng còn hy vọng gì”, nhưng từ năm 13 tuổi, sau khi tham gia khoá học ngắn thực hành lập trình ngôn ngữ trí tuệ của Ernest Wong, tôi bắt đầu quyết định thay đổi cuộc đời mình.

18 tuổi tôi học tập cần cù và được xếp hạng trong 1% sinh viên tài năng nhất của Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS) và tốt nghiệp loại ưu ngành Quản trị kinh doanh của trường.

Tôi viết cuốn “Tôi tài giỏi - Bạn cũng thế” (cuốn sách đã được dịch sang tiếng Việt và trở thành hiện tượng giáo dục và xuất bản tại Việt Nam năm 2010 với gần 20.000 bản phát hành - PV) từ lúc còn là sinh viên, nói về những kinh nghiệm để trở thành sinh viên tốt nhất thế nào. Tuy nhiên, lúc đó là tôi còn quá trẻ, tôi viết ai tin? Đến những NXB nổi tiếng thì họ lại càng không nhận in vì không tin sẽ thành công.

Ít ai biết, với cuốn sách đầu tiên ấy, tôi đã đi gõ cửa 10 NXB, và ở đâu họ cũng từ chối. Rồi thật may mắn, có một NXB đã chịu khó đọc bản thảo và họ quyết định sẽ in cho tôi. Đó là NXB Oxford University Press - một NXB lớn ở Sigapore. Lúc đó là tháng 6.1998. Tôi đã chạy nhanh về trường, kể cho những người bạn về chuyện đó, rằng tôi sắp nổi tiếng, tôi sẽ là một tác giả thành công…

Trước ngày sách ra lò một tuần, tôi không sao ngủ được vì tưởng tượng ra cảnh người ta sẽ xếp hàng mua sách của tôi, sách sẽ lọt vào danh sách best-seller… Vào ngày khai trương, tôi đến hệ thống hiệu sách Border tìm nhưng tìm mãi vẫn không thấy cuốn của tôi. Tôi gọi điện thoại đến NXB mới được biết, đây là tác phẩm đầu tiên, lại của người không có tên tuổi nên những hiệu sách lớn không nhận bán, chỉ được bán ở những hiệu sách nhỏ ngoại ô.

Nhưng ngay cả ở những nơi ấy, tôi cũng không thể nào tìm thấy sách của tôi. Phải lục lọi đến 40 phút ở đó, tôi mới tìm ra được cuốn sách của mình, nhưng chỉ có 4 bản và còn chưa được bày lên kệ, nằm chỏng chơ dưới sàn nhà. Tôi giận dữ gọi điện thoại đến NXB, chất vấn họ tại sao không tiếp thị cuốn sách của tôi, không in poster, không tặng sách… Câu trả lời của NXB thật đáng thất vọng. Họ nói chúng tôi chỉ xuất bản từ điển, không xuất bản sách nên không có kinh phí cho tiếp thị sách. Tôi cảm thấy mình là một nạn nhân đáng thương nhất thế giới.

3 tháng sau, sách của tôi vẫn chưa bán được cuốn nào. Một số người bạn mỉa mai. Rồi NXB gọi điện thoại đến nói tôi là tác giả, tôi phải chịu tiền trách nhiệm với cuốn sách này, rằng sách để trên giá để bán cũng phải trả phí… Tôi quyết định sẽ tự bán sách và đi đến từng hiệu sách để mời mua sách của tôi.

Mỗi tuần tôi tổ chức nhiều buổi nói chuyện ở các hiệu sách, thậm chí ở cả các trường học để giới thiệu cuốn sách của mình, in tờ rơi giới thiệu cuốn sách… Tôi còn làm một việc mà thời điểm đó chưa ai làm ở Singapore là quảng cáo sách của tôi trên báo. Một mẩu quảng cáo rất nhỏ giá tới hơn 2.000 đôla Singapore/kỳ. 24 tuổi, tôi không có nhiều tiền, phần lớn số tiền kiếm được là do làm chạy bàn trong các nhà hàng, bán văn phòng phẩm… nhưng tôi đã quyết định đầu tư toàn bộ tiền vào quảng cáo 4 kỳ trên báo.

Nhiều người bạn đã cho rằng hành động của tôi là điên rồ. Ngay việc nói chuyện ở các hiệu sách cũng rất khó khăn, vì lúc đầu gần như không ai quan tâm, tôi như một người hâm, nói với không khí… Hệ thống hiệu sách Border không bán sách của người địa phương, mà chỉ bán sách của người nổi tiếng. Lúc đó tôi đã là trợ giảng ở trường đại học, tôi nhờ sinh viên gọi điện thoại đến các hiệu sách ấy về cuốn sách của tôi, cứ gọi như thế 5 ngày một lần, mà tôi có hàng trăm sinh viên như thế…

Rồi với vô vàn chiêu thức, vô vàn quyết tâm, cuốn “Tôi tài giỏi - Bạn cũng thế” của tôi đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, có ảnh hưởng lớn nhất, được dịch ra 11 thứ tiếng, bán hơn 60 vạn bản. Trong chuỗi cửa hàng sách Border sách của tôi cũng được xếp vào sách bán chạy nhất…

Thông điệp tôi muốn chuyển đến qua câu chuyện này với các bạn trẻ mới khởi nghiệp ở Việt Nam là ở giai đoạn đầu ai cũng gặp nhiều khó khăn, tự mình phải tạo ra cơ hội và phải làm bằng được, khi đã xác định được mục tiêu thì phải hành động, và không được bỏ cuộc.

Trở lại với tên chủ đề của hội thảo “Chiến lược kinh doanh tạo mưa tiền”, liệu có quá chủ quan không khi mà việc kinh doanh trên thế giới đều đang hết sức khó khăn và nhiều triệu phú luôn tìm cách giấu kỹ các bí quyết kinh doanh?

- Trên thế giới, cứ 60 giây lại có một người trở thành nhà triệu phú. Một số triệu phú mất vài chục năm để tích luỹ làm giàu, một số khác mất chưa tới một năm.

Song phần lớn các nhà triệu phú đều tư duy giống nhau. Họ không coi việc kiếm tiền, làm giàu giống như việc giành giật các nguồn nước mà là quá trình tạo ra mưa để mọi người cùng được hưởng bằng tư duy sáng tạo, liên tục đẩy lùi mọi giới hạn, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.

Tôi mong muốn qua các hội thảo của mình, sẽ mang lại cho cộng đồng các công thức thành công được đúc kết từ những người thành đạt trên khắp thế giới; chuyển tải tới mọi người tư duy làm giàu có thể học được. Nên nhớ, cơ hội cho bạn còn rất nhiều, trên thế giới chỉ có khoảng 10% số người có quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu của mình, còn có tới 90% còn lại chỉ mong muốn có sự thành công. Đây chính là sự khác biệt, và người thành công là người biết biến khó khăn thành cơ hội. Không có đối thủ cạnh tranh nào lớn hơn chính bản thân chúng ta...

Xin cảm ơn anh!

Adam Khoo (SN 1974) là một trong 25 người giàu nhất dưới tuổi 40 của Singapore, là doanh nhân thành đạt, tác giả của những quyển sách bán chạy nhất và cũng là chuyên gia đào tạo hàng đầu ở Singapore.

Adam Khoo đã trở thành triệu phú năm 26 tuổi, và đang sở hữu bốn công ty trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quảng cáo và tổ chức sự kiện với tổng doanh thu hàng năm lên đến 30 triệu đôla Mỹ.

Anh hiện là Chủ tịch và Chuyên gia đào tạo cao cấp của Tập đoàn giáo dục Adam Khoo Learning Technologies Group, chuyên tổ chức các khoá đào tạo và hội thảo cho các công ty đa quốc gia và cá nhân khắp Châu Á. Ngoài ra, anh cũng là một chuyên gia tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị, quản trị, lãnh đạo và phát huy tiềm năng con người. Adam Khoo cũng được biết đến như là một trong những diễn giả nổi tiếng hàng đầu của Singapore và Châu Á.

Trong vòng 15 năm, Adam đã đào tạo hơn 350.000 chuyên gia, nhà quản lý, nhân viên, doanh nhân, giáo viên và HS-SV về các lĩnh vực như Khởi nghiệp kinh doanh; Chiến lược tiếp thị và bán hàng; Kỹ năng thuyết trình và giao tiếp hiệu quả; Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP); Phương pháp học tập tăng tốc; Phương pháp thay đổi hành vi tâm lý hiện đại và nhiều lĩnh vực đào tạo khác.

Theo Phạm Huệ-Báo Lao động
Xem sách của Adam Khoo :
1. Những bước đơn giản đến ước mơ

2. Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỷ
3. Cảm hứng sống theo 7 thói quen thành đạt
4. Bí quyết tay trắng thành triệu phú
5. Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh
6.Con cái chúng ta đều giỏi
7. Tôi tài giỏi, bạn cũng thế

Thay đổi cần thiết cho doanh nghiệp năm 2011

Hiểu dòng chảy thế giới để định vị tầm nhìn Việt Nam

Vebimo, 7-1-2011 | Cùng trong cuộc trò chuyện đầu năm với VEF, cả ông chủ cà phê Trung Nguyên danh tiếng lẫn Viện trưởng Viện Kinh tế VN đều trăn trở với việc định vị một tầm nhìn dài hạn của đất nước.

Năm 2011: Xoay chuyển một trò chơi?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, nhìn về năm 2011, chúng ta có những cảm nhận gì, dự cảm gì về kinh tế Việt Nam? Xin phép được hỏi ông Đặng Lê Nguyên Vũ trước. Là doanh nhân, ông có suy nghĩ như thế nào?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Nhìn tương lai thì tôi cũng nghĩ cần ngó lại quá khứ một chút, nhất là quá khứ gần. Một năm qua, rõ ràng chúng ta đã chứng kiến nhiều điều. Thành tựu thì tôi không nói, nhưng mà những thách thức chúng ta đang có, nào là lạm phát, thâm hụt, cán cân thương mại, mậu dịch… Một loạt vấn đề, có thể nói nếu nhìn tổng thể thì hiện nay Việt Nam mới đang đi vào khủng hoảng, chứ không phải là đã thoát ra như một số người lạc quan. Tôi thì không có cái lạc quan đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm nhận của một nhà doanh nghiệp đang đối mặt trực tiếp với vấn đề của kinh tế của thị trường, của cạnh tranh thì có một chút ưu tư, chút lo lắng. Còn với ông Trần Đình Thiên, một nhà kinh tế, cố vấn của VEF, một vị khách mời trực tuyến quen thuộc của bạn đọc VietNamNet. Đầu năm ông có dự cảm gì?


TS. Trần Đình Thiên:
Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải nhìn năm 2011 như một thời điểm đúc kết 4 năm sau khi chúng ta gia nhập WTO. Nhìn như thế, chúng ta thấy rằng, thời gian vừa qua là thời gian thử thách hội nhập, nhập cuộc thật sự. Các bạn sẽ thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra. Nền kinh tế tăng trưởng rất khó khăn. Bất ổn vĩ mô tăng lên.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đầu tiên chúng ta phải định vị được Việt Nam như thế nào, phát triển theo xu hướng và những dòng chảy gì. Nhận diện được tất cả những cái thách thức cũng như cơ hội của quốc tế, từ hội nhập đem tới.
Mặc dù chúng ta vẫn nói là cơ hội rất nhiều. Tất nhiên, thế giới cũng biến động ghê gớm và cũng tác động vào chúng ta rất mạnh. Đặc biệt theo chiều hướng tiêu cực. Rõ ràng, năng lực, bản lĩnh hội nhập của chúng ta cần phải được xem lại một cách rất căn bản. Và nếu nhìn trên cách tiếp cận như thế thì tôi nghĩ rằng 2011 đúng là năm bản lề theo nghĩa xoay chuyển một trò chơi, một cách phát triển.

Theo đó, 2011 là năm khởi đầu cho kế hoạch 5 năm mới, chiến lược 10 năm mới. Thực sự, chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng, phải thay đổi cách điều hành, cách quản trị phát triển. Và phải tăng cường được năng lực tầm nhìn. Đấy là cái cơ hội. Còn nhìn ngắn hạn, trực tiếp, tôi rất đồng ý với ông Vũ.

Có lẽ 2011 vẫn là năm khá khó khăn cho nền kinh tế. Bởi vì những cơ sở cho ổn định vĩ mô hiện nay chúng ta phải tái lập lại. Nếu chúng ta kiên trì được với mục tiêu ưu tiên đó thì 2011 sẽ là năm tốt lành. Nếu chúng ta vẫn loạng choạng giữa khát vọng tăng trưởng cao với mục tiêu ổn định, không rõ trong lập trường, không quyết chí trong việc tạo nên nền tảng dài hạn thì 2011 thực sự là năm khó khăn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông thì có cách nào để tái lập sự ổn định vĩ mô và cũng như thông điệp của Thủ tướng đầu năm đưa ra là mong muốn ổn định vĩ mô. Nhưng dường như, sức ép của xã hội phải có thành tích, không có thành tích không được. Phải có 7 – 8% tăng trưởng. Tăng trưởng thấp thì xã hội nhìn như là bức tranh tiêu cực hơn, nào là kinh tế có bị tụt hay không, rồi không đưa ra được sự đồng thuận lớn trong xã hội như vậy thì chúng ta có làm được hay không.

Ở đây tôi lo ngại rằng, cũng từ góc nhìn quan sát thì dường như lãnh đạo đất nước chúng ta cũng bị sức ép của những luồng dư luận khác nhau. Không tạo ra sự quyết đoán, thẳng thắn mạch lạc đi thẳng vào vấn đề, kiểu như đá phạt đền thẳng vào một cửa có phải như vậy không?


Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:
Câu chuyện ở đây lại quay về vấn đề bản lĩnh lãnh đạo. Thực tế mà nói thì chúng ta biết rằng cái gì dài hạn thì không thể đến nhanh được. Bản lĩnh của người lãnh đạo là nhiệm vụ đầu tiên, theo tôi, cần phải truyền thông cho mọi người biết những quan điểm về sự phát triển dài hạn, nền móng của phát triển dài hạn.

Lúc nãy mình có nói về hội nhập, bây giờ chúng ta cần nhận diện lại những động lực của bên trong và bên ngoài của hội nhập. Những dòng chảy của hội nhập. Nhận diện được những mối nguy thực sự và những cơ hội thực sự. Điều này theo tôi là đã tới lúc. Hôm nay, sau 4 năm hội nhập, chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng để tính toán dài hạn.

Nói một cách khác, có những công trình vĩ đại không thể thiết kế trong ngắn hạn, mà cần phải có một cái nhìn xuyên thời gian. Cái đó thực sự không phải ai cũng hiểu được. Nhưng mình cũng đừng trách những người ở dưới gây áp lực. Ở bên dưới, họ có nhu cầu của họ nhưng cũng cần giải thích, đối thoại, phải truyền thông.

Cố gắng thực hiện thông điệp… năm ngoái

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy theo ông, năm 2011 này phải làm những điều gì? Cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng như thế nào để bảo đảm được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tạo nền tảng bền vững tỏng tương lai trong giai đoạn mới của Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên:
Tôi nghĩ, năm 2011, chúng ta cố gắng thực hiện các những điều mà Thủ tướng đã đưa ra thông điệp đầu năm ngoái chứ không phải thông điệp mới hôm qua. Thông điệp hôm qua cũng quan trọng, nhưng tôi cho rằng năm ngoái quan trọng hơn. Thông điệp đầu tiên là tập trung cho ổn định vĩ mô. Hai là tái cấu trúc.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đó là hai vấn đề cơ bản. Tất nhiên, chúng ta phải thiết kế cả một cái việc sau việc đấy chứ không phải chỉ có như vậy. Theo tôi, chúng ta cứ tập trung vào hai việc đó thì nó lập tức đưa chúng ta đến những câu chuyện rất dài hạn đề ổn định vĩ mô ở Việt Nam chứ không phải đơn thuần chỉ là chống lạm phát.

Ổn định là cấu trúc phải rất vững. Khái niệm như thế buộc chúng ta phải xem lại toàn bộ cấu trúc để đưa ra cách chơi. Từ đầu tư công, từ phát triển hạ tầng như thế nào, phát triển nguồn nhân lực như thế nào. Rồi câu chuyện xóa đói giảm nghèo, là đầu tư dựa vào vốn để cho những người chỉ có sức lao động không hưởng lợi, đấy là ổn định vĩ mô. Chúng ta nhìn cục diện như thế, thì việc từ tiếp cận đến phát triển sẽ dễ dàng hơn.

Tái cấu trúc cũng như vậy. Năm 2010 tuy buồn nhưng lại rất vui, bởi nó đặt ra vấn đề các tập đoàn nhà nước phải tái cấu trúc. Đấy là điểm then chốt để mà tái cấu trúc. Chúng ta vẫn nói cuối năm trên nhiều diễn đàn, các nhà kinh tế đưa ra ý kiến, ý kiến đó không mới. Vì không mới cho nên nó vẫn còn có rất nhiều nghĩa. Đấy là phối hợp chính sách vĩ mô. Hiện nay đấy là khâu yếu trong quản trị phát triển của Việt Nam.

Giữa các bộ ngành chưa có sự phối hợp nên không hiệu quả. Mỗi một bộ ngành như một chính phủ thì không thể phát triển được. Hoặc là việc phân cấp trung ương với địa phương. Địa phương được trao khá nhiều quyền nhưng trách nhiệm, năng lực trong nhiều trường hợp không tương xứng, cho nên quy hoạch chung bị phá vỡ.

Nếu đẩy xa hơn nữa, tôi cho rằng, đến bây giờ có lẽ tôi và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhiều lần trao đổi về việc phải định hướng một mô hình mới thay cho mô hình tăng trưởng cũ như thế nào, chứ nếu không chúng ta chỉ bàn bỏ cái cũ đi mà không biết cái mới là cái gì thì không được.

Tôi nghĩ rằng, cái mà năm 2011 khởi động cho sự ổn định dài hạn là như vậy. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề dài hạn thì muôn đời chúng ta cứ phải ứng biến với những cái ngắn hạn. Và cái kiểu như thế sẽ tổn hao sức lực, không bao giờ chúng ta có thể đạt được mục tiêu mặc dù là mục tiêu nhỏ của mình.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Về chuyện tái cấu trúc, tôi muốn hỏi ông Đặng Lê Nguyên Vũ là: Ai phải làm và bắt tay từ đâu? Trách nhiệm cần quy rõ ràng, chứ bây giờ ai cũng nói tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:
Thực ra, tái cấu trúc tập đoàn nhà nước cũng chỉ là một nội dung rất nhỏ trong cả vấn đề, cuộc chơi sắp tới. Như lúc nãy tôi có nói, thực sự, đầu tiên chúng ta phải định vị được Việt Nam như thế nào, phát triển theo xu hướng và những dòng chảy gì. Nhận diện được tất cả những cái thách thức cũng như cơ hội của quốc tế, từ hội nhập đem tới. Tôi thiết tha mong các cấp cao nhất, viện nghiên cứu cao nhất hãy suy nghĩ về vấn đề này. Đây mới là vấn đề then chốt cho cuộc chơi của Việt Nam trong dài hạn.

Còn nếu không, xin nói rằng đâu cũng là vấn đề hết. Hiện tại mình nói là, định vị một tầm nhìn, phóng ra một tầm nhìn của Việt Nam, sau đó quy hoạch cho tầm nhìn này. Mình biết phân bổ nguồn lực ở đâu, như thế nào, liên thông như thế nào, lấy ở đâu, như thế nào. Kể cả quốc gia, kể cả vấn đề thị trường, ở đây mình chưa có cái nhìn đó. Tôi cho rằng, cái tâm thế chủ động trong cuộc chơi này chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc chuẩn bị ở đâu đó mà tôi không được biết.

Như tôi nói, mình không thể ổn định được với ý chí riêng của mình được. Tại vì cái liên thông của mình với thế giới bây giờ rất lớn, khó có thể kiểm soát được. Ví dụ như mặt trận tiền tệ, tài chính thôi, chúng ta liệu có kiểm soát được không? Ổn định thế nào được khi cuộc chơi không phải quyết định từ các ngân hàng nhà nước hoặc các cơ quan chính quyền đến từ Việt Nam của mình.

Chúng ta không thể làm được chuyện đó. Kể cả những nguồn đầu tư, cũng phải được tính toán. Theo tôi, chúng ta phải quy hoạch lại những nhóm ngành. Có 3 nhóm ngành, ta phải phân biệt rạch ròi.

Một là nhóm ngành cơ bản: giống như vấn đề tài chính tiền tệ, phải xem xét lại ở góc độ như thế nào. Chúng ta cần xem lại những vấn đề vật liệu, vấn đề xây dựng, vấn đề năng lượng cũ, năng lượng mới… kể cả vấn đề về công nghiệp quốc phòng. Mình cũng phải xử lý ở mức độ nào đó để mình tính.

Nhóm thứ 2 đó là nhóm nền tảng. Tôi cho nhóm này có thể là nhóm động năng, vừa là động lực vừa là trang bị năng lực cho tầm nhìn định vị. Cái này cũng rất quan trọng như y tế, giáo dục và vấn đề về bản sắc, vấn đề về văn hóa. Cái này phải đặt ra trong bối cảnh mới.

Nhóm thứ 3 đó là nhóm mình có thể tính toán lại được, đó là nhóm có thể đi chinh phục, mũi nhọn, lợi thế của quốc gia mình. Cái này mình phải đặt ra hết sức rõ ràng. Định vị xong thì quy hoạch trên tầm nhìn đó. Có cân nhắc, hiểu mình, biết người. Biết người ở đây là biết toàn bộ thế giới, những dòng chảy, những xu hướng.

Nếu như chúng ta không nhận thức rõ, đầy đủ những yếu tố tác động đến mình, thì theo tôi, năm 2011 vẫn cứ phải chống với chèo, và chúng ta tiếp tục lún sâu vào những việc như vậy. Điều đó rất đáng tiếc.

TS. Trần Đình Thiên:
Đó là cái mà xưa nay vẫn hay nói đến. Đó là thời thế. Phải làm cho rõ cái thời và cái thế. Thế là định vị. Tôi rất đồng ý là, mình bây giờ đã nhập cuộc vào với thế giới rồi thì phải xem thế giới này nó đang như thế nào và nó sẽ như thế nào. Chúng ta biết rằng cuộc khủng hoảng vừa rồi trăm năm mới có một. Nó đặt ra rất nhiều chuyện. Những xu hướng, những dòng nguồn lực, những thay đổi đảo phách liên tục. Nhưng xu hướng ổn định chủ đạo vẫn rất rõ ràng.

Bây giờ ta có nhập cuộc vào được không. Cái thế của ta như thế nào trong chuyện đó. Phải bàn và trên cái nền ấy ta được một cách chơi tổng thể. Từ cách chơi đó, bắt đầu ngược lại trong 5 năm tới ta phải giải quyết được việc gì. Trong năm 2011 ta giải quyết được việc gì.

Tất nhiên nói như thế cực kỳ khẩn trương để biết rằng tình thế của chúng ta đang ở cái nút như vậy. Nhưng về logic, tôi đồng ý là phải theo cách như vậy. Nếu không, năng lực của chúng ta rất có hạn mà cứ chạy theo những cái ngắn hạn mà không dành cho những ưu tiên cơ bản dài hạn, thì toàn bộ kết quả đạt được cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Trong cái dòng chảy lớn của loài người, chúng ta không thể nhập cuộc được.

Bởi vì tôi quan niệm rằng, hiện nay thế giới đang chuyển sang thời đại khác, nếu chúng ta vẫn tư duy theo cái thời đại như cũ thì không được. Phải hiểu cho thật sâu sắc về chuyện đó mới được. Khủng hoảng trăm năm có một, nó làm xoay chuyển. Bản chất của sự xoay chuyển đó là gì. Việt Nam như thế nào? Tôi cho rằng đó là một cơ hội rất lớn. Nếu mình nhìn cơ hội đó mà không ra cơ hội thì chắc chắn nó chỉ toàn là thách thức.

Ta mới chỉ so sánh với chính mình


Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Rõ ràng chúng ta nói đến mô hình tăng trưởng bền vững, mô hình tăng trưởng mới. Suy cho cùng cũng là để chuẩn bị cho giai đoạn mới, gọi là thời thế mới như anh Vũ nói thì quay trở lại với góc nhìn, cách làm mới trong tư duy phát triển. Vậy mô hình tăng trưởng mới vững bắt đầu từ đâu, đó là cái gì. Góc độ nhìn từ Trung Nguyên, từ những suy nghĩ thực tiễn của ông.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng tôi có một nhóm khoảng 30 người tranh cãi rất dữ dội về vấn đề này. Chẳng hạn như về sức dân, để trang bị cho họ những nền tảng như lúc nãy tôi nói để chuẩn bị cho cuộc chơi với thiên hạ, đua với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc chẳng hạn, thì rõ ràng chúng ta chưa có, kể cả về hạ tầng cứng lẫn mềm. Điều này mình phải tính toán lại để trang bị năng lực cạnh tranh cho đất nước. Trong đó cũng có những thành phần kinh tế giống như tôi. Thì đó là lực lượng tiên phong mới. Điều đó phải được đặt ra.

Việc thứ hai rõ ràng là mình mở cửa ra với thế giới, nhưng chiến lược của mở cửa như thế nào. Ở đây đặt ra câu chuyện chúng ta có chọn lọc hay không? Chọn lọc đối tác, chọn lọc lĩnh vực. Tại vì, nếu không định vị rõ ràng cái năng lực cốt lõi của quốc gia mình là gì, mạnh yếu trong từng thời khắc, kể cả những xu thế, kể cả những lực cạnh tranh, từ gần đến xa, thì rõ ràng lựa chọn này đôi khi mặc nhiên.

Đến và ta đợi, ta thu và thậm chí ta dung nạp những cái đối tác, dung nạp các lĩnh vực lẽ ra chúng ta không nên. Chúng ta không làm rõ thì điều đó là mặc nhiên. Nguồn lực quốc gia có hạn thôi, nguồn nhân lực, tài nguyên, thị trường cũng có hạn. Nếu không thận trọng, không có nguyên tắc cho vấn đề mở cửa trên cơ sở chọn lọc rất nghiêm túc này, thì rõ ràng chúng ta sẽ có những thách thức và đôi khi chọn nhầm những nguồn lực mà đằng sau đó là động cơ, động lực khác nữa và sẽ bị thao túng.

Theo tôi, phải đánh giá lại, phải hiểu mình, năng lực lõi quốc gia mình là cái vốn hữu hình. Cái gì chúng ta mạnh nhất, giỏi nhất, có thể cạnh tranh trên toàn cầu hay nhất. 2011 là năm cần suy nghĩ về những điều đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy theo ông, cái gì mạnh nhất, giỏi nhất?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Thực tế, chúng ta có một số lĩnh vực mũi nhọn. Tôi nghĩ, nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là trí tuệ và nó phải được quy hoạch trở lại theo đúng như ban nãy chúng ta có nói để sử dụng cho trúng. Đó là điểm thứ nhất tôi đề nghị, ngắn cũng như dài, phải đặt trọng tâm vấn đề này. Việt Nam thành công hay không thành công trong hội nhập, vị thế có cao hay thấp trong chính trường và thương trường thế giới cũng nằm ở quy hoạch đúng nguồn lực này.

Thứ hai là Việt Nam mạnh về nông nghiệp. Cần có một chiến lược nông nghiệp ở mức độ toàn cầu. Từ bối cảnh đất nước hiện nay chúng ta thấy, an ninh lương thực càng ngày càng trầm trọng, dân số quá đông trong khi biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn rất nhiều. Vậy đây có phải là thế mạnh, là năng lực lõi của VN hay không?


TS. Trần Đình Thiên:
Năm 2010 tuy buồn nhưng lại rất vui, bởi nó đặt ra vấn đề các tập đoàn nhà nước phải tái cấu trúc. Đấy là điểm then chốt để mà tái cấu trúc

Nền nông nghiệp của chúng ta mấy ngàn năm nhưng phải quy hoạch lại, phải hiện đại hóa, thương hiệu hóa, xanh hóa, sạch hóa để tạo giá trị từ chuỗi đầu đến chuỗi cuối, và phải nhìn nông nghiệp là có thể làm giàu được chứ không phải là lo an ninh thuần túy. Có quan niệm như thế sẽ kéo theo một loạt đầu tư khác. Như tôi nói, đó cũng là ngọn cờ ngoại giao, ngọn cờ nhân văn.

Thế mạnh nữa tôi cho là công nghiệp du lịch của Việt Nam phải được làm mới, có chiến lược mới với biển cả, với hệ sinh thái, ẩm thực. Toàn bộ phải đóng gói lại, trình bày lại, điều đó sẽ đem lại nhiều nguồn lợi cho Việt Nam. Như đảo Phú Quốc, hay Hạ Long, nếu chúng ta nhìn ở hướng phải xử lý lại, định vị lại, tôn tạo lại toàn bộ những sản phẩm mà các nơi này mang lại, thì có thể gặt hái thêm rất nhiều chứ không phải như bây giờ. Và kể cả vấn đề y học dân tộc, nó phải gói trong khái niệm về dinh dưỡng mới v.v… Những điều này cần phải được quy hoạch lại, không thể mặc nhiên, thiếu tầm nhìn và ăn xổi, khai thác tận cùng, thậm chí tàn phá như hiện tại.

Điểm mạnh thứ ba là kinh tế biển. Với một xứ sở bờ biển dài như thế này thì những vấn đề trọng yếu chúng ta khai thác như thế nào. Hiện nay chúng ta nhìn vào vấn đề dầu khí, giao thông vận tải. Nhưng riêng vấn đề dầu khí, các nhà khoa học đã thống kê rồi, biển nào giàu nhất cũng chỉ có 6-7% thôi. Còn đủ thứ vấn đề trên bờ, dưới biển, lồng biển rồi vấn đề năng lượng, hóa học, y học, thực phẩm, du lịch… liên quan đến nó. Với một lãnh hải như vậy, mình nói có chiến lược, có kế hoạch rồi nhưng cần được cụ thể hóa ra, có bước đi, hành trình cụ thể.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đó là những điểm anh nghĩ là điểm mạnh đúng không? Thế còn anh Thiên – nhà kinh tế có phản biện gì về những ý tưởng của một doanh nhân không?

TS. Trần Đình Thiên: Cái này không hẳn là một phản biện mà là một chia sẻ. Tôi nghĩ, Việt Nam hiện nay vẫn cứ đo lường bản thân mình với chính mình. Mặc dù đã gia nhập toàn cầu hóa, chúng ta vẫn chưa quen đo lường mình với chuẩn mực thế giới. Nhưng nếu không theo chuẩn mực thế giới thì thang bậc phấn đấu sẽ không ổn.

Hiện nay có một lợi thế đối với Việt Nam đi liền với bất lợi, đó là chi phí điều chỉnh để thay đổi của Việt Nam rất ít, vì chúng ta chưa phát triển nhiều. Còn nếu đã có một hệ thống xi măng sắt thép kềnh càng rồi thì ta sẽ không muốn điều chỉnh, không thể điều chỉnh được. Đây chính là một cơ hội để chúng ta bắt nhịp vào một quỹ đạo phát triển mà tôi cho rằng là loài người đang vươn tới. Dĩ nhiên điều này rất khó, đang ở một vị thế thấp như vậy mà muốn vươn lên. Đó chính là cơ hội mà chúng ta phải tư duy rất kỹ về điều này.

Cho nên chọn những lĩnh vực nào để làm thì tôi đồng ý với anh Vũ những tuyến như vậy. Nhưng linh hồn của lựa chọn như thế là phải đẳng cấp cao, có thể là chưa phải ngay lập tức, nhưng tư tưởng, định hướng, định vị cho tương lai là phải dứt khoát theo cái đó, chứ không thể thỏa hiệp được. Ví dụ du lịch cũng phải du lịch cao cấp, nước ta không đủ nguồn tài nguyên để làm du lịch kiểu đại trà. (VEF, 7-1)

Chủ Nhật, tháng 1 02, 2011

Chủ tịch Nhà Thủ Đức: 'Tôi không phải là người giàu'

Thách thức hằng năm của Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà Thủ Đức - Lê Chí Hiếu không chỉ ở lợi nhuận mà là chỉ số hạnh phúc của nhân viên, sự trưởng thành của doanh nhiệp và mong muốn được nhắc tới như một người hiền.

- Cơ duyên nào đưa ông đến với bất động sản và gắn bó với nghề hai thập niên qua?

- Học đại học kinh tế, chuyên ngành ngân hàng, đầu tiên tôi đầu quân vào Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, tôi làm tại UBND huyện Thủ Đức (thời điểm này chưa tách thành 3 quận như hiện nay), được phân công là trưởng các bộ phận kế hoạch, tài chính, thống kê kiêm trưởng ban quản lý công trình huyện Thủ Đức. Khi được tổ chức điều chuyển sang Công ty Quản lý Nhà Thủ Đức, tôi thật sự ngỡ ngàng vì mọi thứ đều mới mẻ.

Những kỷ niệm ngày đầu chập chững làm quen với bất động sản thì nhiều vô kể. Một trong những khó khăn đầu tiên với tôi là phải ngay lập tức đối mặt với những phức tạp do khiếu nại, kiện tụng trong công việc đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu lúc đó tôi nản lòng thì sẽ không có Thủ Đức House ngày hôm nay.

Thật ra, với tôi, mỗi năm đều có những thách thức, khó khăn riêng, không năm nào giống năm nào. Vì vậy, tôi luôn phải nỗ lực, kiên trì ứng phó để tiến lên, mặt khác phải luôn trui rèn bản lĩnh, bổ sung kiến thức cho những gì mình còn thiếu, giống như quá trình nâng cấp máy tính, diễn ra không ngừng nghỉ.

- Những năm trở lại đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến người giàu, người thành đạt và tôn vinh những nhân vật này. Ông cũng từng nhiều lần được bầu chọn là doanh nhân tiêu biểu của TP HCM và cả nước. Cảm nghĩ của ông thế nào về những danh hiệu đó?

- Tôi không phải là người giàu. Thành đạt cũng chỉ là khái niệm chung mà nhiều người mong ước đạt tới. Tôi không quan tâm đến việc mình có được tôn vinh hay không, điều này nằm ngoài suy nghĩ của tôi. Thế nhưng tôi chỉ mong được bạn bè nhắc đến với sự tôn trọng rằng tôi đã sống đàng hòang, đóng góp những điều có ý nghĩa cho xã hội, không làm điều phi đạo đức.

Nói cách khác tôi chỉ muốn được là người hiền, giúp những người xung quanh được thành công, hạnh phúc. Tôi luôn cố gắng tạo không gian làm việc sáng tạo, đầy hứng khởi, đầy tình người, tuân thủ pháp luật. Tôi luôn muốn cùng với cộng sự, thành viên trong công ty phấn đấu đạt được những mục tiêu có lợi cho cộng đồng, giúp mọi người cùng tiến về phía trước.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức Lê Chí Hiếu. Ảnh: N.L.

- Nhiều doanh nghiệp dùng bóng đá, quảng cáo... để đánh bóng thương hiệu. Với Thủ Đức House, ông đã xây dựng thương hiệu như thế nào?

- Xây dựng thương hiệu là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn phát triển. Tuy nhiên, thương hiệu không chỉ là cái tên, danh tiếng mà phải là chất lượng sản phẩm, chữ tín. Với tôi, điều quan trọng là phải xây dựng được văn hóa công ty. Không ít doanh nghiệp bỏ ra nhiều tiền để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi nhưng chưa quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công ty. Đây là một thiếu sót.

Mỗi năm tôi có những thách thức và mục tiêu mới, trong đó không chỉ là những con số lợi nhuận mà còn có chỉ số hạnh phúc của nhân viên, sự trưởng thành của doanh nghiệp. Đó là sự tưởng thưởng lớn nhất. Tôi quan niệm rằng, thành công không ở đâu xa, thành công ở ngay trong căn nhà của mình, trong từng nhân viên, cộng sự của mình.

Tôi xây dựng thương hiệu công ty cũng giống như thi công một ngôi nhà, muốn ngôi nhà lớn mạnh, vững chãi thì ngoài việc xây dựng nền móng kết cấu vững chắc còn phải xây dựng được cái linh hồn của ngôi nhà. Đó chính là văn hóa, bản sắc riêng, khiến cộng đồng nhớ đến, tin tưởng và yêu quý. Thuyết phục người khác tin vào doanh nghiệp của mình là điều khó nhất, song nếu có văn hóa công ty, ai nấy cùng đồng lòng thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.

- Năm 2010 sắp kết thúc, thị trường bất động sản TP HCM vẫn đang vật lộn với giai đoạn hậu khủng hoảng. Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là gì?

- Bất động sản đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vốn thường mất rất nhiều thời gian và nguồn lực. Người lèo lái phải thấy trước được những chu kỳ của thị trường, từ đó chuẩn bị sản phẩm phù hợp. Không nên vì những yếu tố thất thường trong hiện tại mà cuốn cờ bỏ chạy vì khi thị trường phục hồi mình chẳng có gì để bán cả.

Hiện thị trường địa ốc đang bùng nổ nhiều sản phẩm giá rất mềm, đặc biệt là chung cư tầm 10-13 triệu đồng mỗi m2. Do hạn chế khả năng tài chính, khách hàng chỉ quan tâm đến giá cả, và thường không nắm rõ về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên trên thực tế, một số đơn vị bán nhà nhá rẻ lại đi kèm với sự yếu kém về chất lượng và khách hàng phải chấp nhận sống trong môi trường ngột ngạt, thiếu tiện ích tối thiểu.

Doanh nghiệp chuyên phát triển dòng sản phẩm trung bình khá, giá tầm 15-17 triệu đồng mỗi m2 sẽ đứng trước nhiều thách thức. Bởi lẽ, dù xây dựng nghiêm chỉnh, đặt ra bài toán chi phí xây dựng và giá thành tương ứng với giá trị sản phẩm, nhưng sự cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Song, tôi tin rằng lời giải cho bài toán bất động sản là phải có tầm nhìn trung và dài hạn vì chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ được kiểm chứng theo thời gian.

Ông Lê Chí Hiếu cho rằng mình không phải là người giàu và tâm đắc với triết lý "tôi thích được gọi là người hiền". Ảnh: N.L.

- Ông đánh giá như thế nào về thời cơ và thách thức của thị trường bất động sản TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung?

- Sự chìm nổi, thăng hoa và khủng hoảng của thị trường bất động sản diễn ra rất nhanh và trải qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở đi, thị trường TP HCM đã không còn nhiều biến động lớn. Hà Nội sôi động hơn đôi chút nhưng chỉ mang tính cục bộ và nhất thời. Do hạ tầng cơ sở đang trong quá trình xây dựng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phải tiếp tục thời gian thử thách. Các thách thức trong thời gian tới là: tăng dân số cơ học, hạ tầng kỹ thuật, giao thông huyết mạch còn yếu, nguồn vốn hạn chế, quy hoạch, điều hành vĩ mô quản lý đô thị vẫn chưa hoàn thiện, tính minh bạch chưa cao, tính thanh khỏan còn kém do thị trường chưa phát triển thông suốt.

Từ tình hình thị trường nhà đất TP HCM nhìn rộng ra thị trường cả nước, bất động sản như một đứa trẻ lớn quá nhanh, trong khi bố mẹ (Nhà nước) không kịp chăm sóc, dạy dỗ. Nhiều năm qua, thị trường có những cơn nóng lạnh bất chợt đều do chính sách. Dù chỉ là một quy định nhỏ như thủ tục, công chứng, thuế... cũng có thể gây ách tắc. Hiện nay nhiều quy định pháp luật vẫn còn khập khiễng, điều này đòi hỏi sự dung hòa điều chỉnh của Chính phủ.

- Vậy theo ông, người đứng đầu doanh nghiệp cần có tố chất gì trong thời kỳ hậu khủng hoảng?

- Làm giám đốc rất khó, khó hơn nghề cascadeur. Người diễn những vai mạo hiểm ngã trên trường quay lỡ có xảy ra tai nạn cũng không ảnh hưởng đến nhiều người. Trong khi đó, một lãnh đạo doanh nghiệp ngã ngựa thì hàng trăm thậm chí hàng nghìn người bị ảnh hưởng, thất nghiệp. Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của người lãnh đạo rất lớn, đòi hỏi phải luôn luôn tỉnh táo.

Theo tôi, người lãnh đạo bất cứ giai đoạn nào (cực thịnh hay khủng hoảng, hậu khủng hoảng) phải có đức, có tài và có sức khỏe. Quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, vạch ra chiến lược phù hợp, thấu hiểu được những nguồn lực mình đang có để phối hợp chúng, tìm ra giải pháp thoát khỏi khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp tham làm nhưng với tay không tới, cuối cùng dẫn đến đổ vỡ, đó là do không đủ bản lĩnh. Nói như vậy không có nghĩa là không nên mạo hiểm. Bởi vì muốn thành công, đôi khi cần phải có chút máu liều. Thế nhưng luôn phải nhớ rằng, mạo hiểm phải trên cơ sở nắm chắc các thông tin, điều kiện đảm bảo thực hiện và hướng rút lui khi cần thiết để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi rủi ro xuất hiện.

Ông Lê Chí Hiếu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House). Ông đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; 16 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhiều ngành khác.

Doanh nghiệp có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh với nước ngoài. Thủ Đức House cũng đang đầu tư tại Mỹ. Riêng tại Việt Nam, ông Hiếu cùng công ty đã thực hiện gần 40 dự án bất động sản lớn.
Theo VNExpress

Người giàu thứ 5 sàn chứng khoán coi trọng chuyện gia đình

Dù công việc có bận bịu cỡ nào, cứ đến ngày mùng 2 Tết, vị Chủ tịch của Công ty địa ốc Phát Đạt đều đưa vợ và các con về quây quần bên mâm cỗ gia tiên với bố mẹ nơi quê nhà Quảng Ngãi. Và trong những ngày này, ông không bao giờ đi viếng thăm hoặc tiếp khách vì công việc mà dành toàn bộ thời gian cho việc sum họp gia đình, trò chuyện với bố mẹ già và anh chị em trong nhà.

Ông chủ Phát Đạt luôn rạch ròi giữa công việc và gia đình. Ảnh: NVCC

Sinh năm 1970 trong một gia đình 8 anh chị em, ông chủ Phát Đạt không được học đại học, dù từ lớp 1 đến 12 ông Đạt đều là học sinh trường chuyên. Khi học xong 12, vì hoàn cảnh gia đình, ông đành rời ghế nhà trường và theo bố mẹ kinh doanh. Năm 1992 ông mới lập công ty riêng. Ông Đạt tâm sự, dù không có được kiến thức từ trường lớp nhiều, nhưng bù lại ông có được nhiều kiến thức từ trường đời. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp ông thành công.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, công việc bù đầu, thách thức lớn nhưng người giàu thứ 5 sàn chứng khoán Việt năm 2010 luôn có một quy tắc rất rạch ròi giữa công việc và gia đình. Cứ sau 7h tối, bước ra khỏi cơ quan, ông sẽ tắt điện thoại di động, gác lại toàn bộ công việc qua một bên. Và đây là lúc ông dành thời gian riêng cho tổ ấm nhỏ của mình như dùng cơm tối, xem tivi, trò chuyện cùng vợ con...

"Duy trì bữa cơm tối trong gia đình là điều rất cần thiết để tạo sự gắn kết và quan tâm giữa các thành viên trong nhà. Nên dù có bận công việc gì, tôi đều thu xếp về nhà trước 7h để dùng cơm tối với vợ con", ông chia sẻ.

Ngoài ra, để giảm stress trong công việc, golf là một môn thể thao yêu thích của ông. Mỗi tuần, ông thường dành nguyên hai ngày để chơi gofl, và một khi đã bước vào sân chơi thì công việc sẽ được gác lại.

Chơi golf là sở thích của ông chủ Phát Đạt. Ảnh: NVCC

Việc ông chủ của Địa ốc Phát Đạt dành nhiều thời gian cho gia đình và giải trí mà vẫn điều hành công ty rất thành công khiến không ít người thắc mắc. Vị Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Phát Đạt lý giải: "Người điều hành giỏi không nhất thiết phải tự ôm đồm công việc mà biết phân công hợp lý cho cấp dưới làm".

Bắt đầu niêm yết hơn 130 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM từ tháng 7/2010, đến cuối năm, vốn hóa của công ty đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần sở hữu của ông Đạt lên tới 2.611 tỷ đồng, giúp ông giành vị trí thứ 5 trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán. Năm 2010, lợi nhuận của Công ty Phát Đạt là hơn 400 tỷ đồng.

Bên cạnh những thành công về kết quả kinh doanh của Phát Đạt, hoạt động từ thiện đã trở thành văn hóa của công ty, thậm chí trở thành chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh hằng năm. Ông Đạt cho rằng, một doanh nghiệp thành công không chỉ nghĩ đến đời sống của cán bộ nhân viên mà còn phải gắn với trách nhiệm xã hội như làm từ thiện, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và an toàn cho người tiêu dùng. Đây cũng là lý do ông và công ty muốn chia sẻ một phần lợi nhuận kiếm được với cộng đồng.

Với những thanh niên, sinh viên muốn bước vào lĩnh vực kinh doanh, ông chủ của Phát Đạt đưa ra lời khuyên, quan trọng nhất là trải nghiệm để thu thập thật nhiều kinh nghiệm cuộc sống trước khi muốn làm chủ. "Làm công nhưng mình luôn có tâm niệm như đang làm chủ, như vậy mới không bị vấp ngã khi bước vào kinh doanh. 90% sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm mà mở công ty thường bị thất bại", anh nói.
Theo VNExpress

Thứ Bảy, tháng 1 01, 2011

Hỏi chuyện một trong những người giàu nhất Việt Nam

(Tamnhin.net) - Ý tưởng, những ý tưởng độc đáo! Tôi không làm những cái mà thiên hạ đã làm. Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được!

"Chúa đảo" Đào Hồng Tuyển
Mấy năm, sau sự kiện Hoa hậu Việt Nam, tôi mới trở lại Tuần Châu. Ông chủ hòn đảo nổi tiếng trông vẫn như xưa, tự tin, cởi mở. Bốn năm bây giờ mới gặp nhau, bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu lời đồn, bao nhiêu dự cảm…

Người ta gọi anh là người đào hoa!

Đào hoa?! Tôi hiểu đào hoa theo nghĩa là một người rộng lượng, nhân ái, biết chia sẻ, cảm thông với người khác, nhất là với những người thuộc phái đẹp. Tôi rất yêu mẹ tôi. Mẹ tôi vừa qua đời ở tuổi 80, sau ngày mẹ mất, tôi mới hiểu ra nhiều điều…

Tôi cũng có một gia đình hạnh phúc. Tôi yêu vợ và ba đứa con. Con cả của tôi, cháu Đào Anh Tuấn tu nghiệp ở nước ngoài về. Bây giờ cháu thay tôi làm Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc, phụ trách toàn bộ khu vực Tuần Châu. Tôi có hai con gái là Đào Thị Đoan Trang - hiện đang làm việc tại Sài Gòn, cháu Đào Thị Phương Thảo vừa tu nghiệp về…

Thế mà người ta đồn rằng…

Đồn là tôi có mấy vợ chứ gì! Buồn cười thế đấy! Tôi chỉ có một vợ duy nhất, nhà tôi tên là Đỗ Minh Nguyệt,

Thế còn vụ Hiền chèo mà báo chí…(Đào Hồng Tuyển cười ầm lên.)

Cô Hiền có thuê phòng ở đây, chỉ vậy thôi. Bây giờ, cơ quan điều tra đã kết luận, không có gì cả, thế mà thiên hạ... Tôi đã gặp người viết chuyện vợ tôi đánh ghen ầm ĩ trên sân bay Nội Bài, anh ấy thú nhận viết theo lời đồn...

Người ta còn đồn rằng, anh sắp phá sản, đã bán Tuần Châu cho Hàn Quốc?

Đồn tôi nợ 4 ngàn tỷ đồng, không trả cho ngân hàng? Tôi chính thức khẳng định rằng, đó là chuyện bịa đặt. Tôi có thuê một công ty Hàn Quốc để họ quản lý kinh doanh các dịch vụ ở Tuần Châu, nhưng xem ra họ không đảm trách được. Năm ngoái, họ đã rút về nước rồi.

Ngoài Tuần Châu, anh còn đang kinh doanh ở những nơi nào?

Hiện giờ tôi có 14 công ty, 34 nhà máy xí nghiệp với cả vạn công nhân… Tôi kinh doanh ở nhiều nơi…

Và tài sản của anh là…?

Hai tỷ đô la Mỹ!

Anh là người giàu nhất Việt Nam?

Tôi đã tổ chức cuộc gặp một trăm người giàu Việt Nam và một trăm người đẹp từ khắp thế giới về đây…Anh biết rồi đấy...rất hoành tráng phải không?

Bí quyết làm giàu của anh?

Ý tưởng, những ý tưởng độc đáo! Tôi không làm những cái mà thiên hạ đã làm. Tôi làm những cái mà thiên hạ không làm. Hoặc làm những cái mà thiên hạ nghĩ đến nhưng không làm được!

Như việc đắp một con đường ra Tuần Châu?

Thời điểm đó, đúng là không ai dám làm. Khi tôi nói ý định đắp một con đường qua biển nối đất liền với đảo Tuần Châu, nhiều người cho tôi là tâm thần!

Tuần Châu đã có, đang là mơ ước của nhiều người, anh vừa lái xe đưa tôi đi xem cái mà Tuần Châu sẽ có…
Ngoài sân golf, tôi đã xây dựng xong một cảng biển, đang đóng 100 du thuyền hiện đại. Từ cảng biển này sang đảo Cát Bà là con đường gần nhất, chỉ mất 20 phút đi bằng phà du lịch. Từ đây du thuyền qua Hồng Kông, Ma Cao... đều rất thuận lợi. Một loạt biệt thự cao cấp sẽ được xây dựng, đậu ngay trước nhà là những du thuyền... mở cửa ra là nhìn thấy non nước Vịnh Hạ Long, kỳ quan thiên nhiên thế giới...

Nghe nói ông chủ họ Đào lại không phải họ Đào?

Tôi vốn họ Lý dòng dõi vua chúa ở Kinh Bắc. Gần 600 năm trước, do những biến loạn ở triều đình; nhiều người trong hoàng tộc phải thay tên đổi họ, số thì vượt biển sang tận Cao Ly (nhiều người họ Lý làm ăn phát đạt ở Hàn Quốc đã tìm về nguồn cội Việt Nam mà báo chí đưa tin). Số còn lại dạt ra vùng sát biển, lập ấp, khai khẩn tạo lập những vùng quê đổi mới. Tổ tiên tôi lập ra ấp Hà Nam ở Quảng Yên… Đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Năm 12 tuổi, tôi có một ông bố nuôi người miền Nam tập kết. Nhờ có ông tôi được đi học trường thiếu sinh quân ở Quế Lâm (Trung Quốc). Sau đó, tôi tham gia Đoàn tàu không số vào Nam chiến đấu… năm 1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, tôi đang ở trong đoàn cố vấn cho Campuchia, bị gọi về…


Đường vào đảo Tuần Châu - một thời đã coi là ý tưởng "điên rồ".

Tôi không bao giờ quên những tối lang thang, ngủ trong vườn hoa Tao Đàn, như một kẻ bụi đời; Có hôm còn bị kẻ cắp lột mất đôi dép nhựa Tiền Phong tài sản quý giá nhất của tôi lúc đó. Tôi đi dọn phân lợn cho gia đình cán bộ (ngày ấy nhiều cán bộ ở Sài Gòn thường nuôi lợn trong nhà), hay hầu bia cho các thủ trưởng ở quán nhậu… Một đêm, đói lả người, ngồi trong gara ô tô (người đã cho tôi ngủ nhờ), tôi thấm thía cái đói cái rét, cái nghèo, cái hèn… Đêm đó, tôi thầm hứa với mình, sẽ trở thành một người giàu có của Việt Nam.


Tôi bắt đầu liên hệ với những người đã học kỹ thuật ở Mỹ, ở Anh, ở Úc, nay đang thất nghiệp, cùng họ tận dụng nhà xưởng bỏ không (dạo đó ta đang cải tạo tư bản tư doanh) để mày mò sản xuất nước uống, sản xuất phân bón…

Nước khoáng Đảnh Thạnh, phân bón Bình Điền 2… là những sản phẩm chúng tôi làm ra, lúc bấy giờ bán rất chạy vì không có ai cạnh tranh… Chỉ mấy năm đã có hàng ngàn cây vàng, tôi mua nhà, mua đất… Nói thật, tôi giàu lên nhờ đất đai…

Vì sao anh lại chuyển về T.Ư Đoàn…?

Anh Hồ Đức Việt kéo tôi về làm Phó Giám đốc Tổng Cty xuất nhập khẩu T.Ư Đoàn. Lúc đó xuất nhập khẩu phải qua các tổ chức, công ty nhà nước, tư nhân không được làm. Với lại, tôi cũng ôm mộng làm quan! Ở trong quân đội, tôi cứ nghĩ mình sẽ thành tướng, nhưng thực tế, tôi chỉ là một người lính… tôi làm việc ở T.Ư Đoàn mấy năm. Năm 1988, lúc đầu tư làm đường ra đảo Tuần Châu tài sản của tôi đã hơn 10 triệu đô la.

Mong ước lớn nhất của anh bây giờ?

Làm trưởng một đặc khu hành chính!

Đặc khu hành chính?

Vâng. Nghe có vẻ ngông cuồng phải không!

Tôi chưa hiểu lắm!

Cách đây 4 năm, tôi đã sang Campuchia đã gặp một số quan chức cao cấp, tôi bày tỏ nguyện vọng mua hai hòn đảo ở gần đảo Phú Quốc của Việt Nam. Tôi muốn xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, tập hợp tất cả những người giàu có trên thế giới về đây, ai cũng có một biệt thự trên hòn đảo này. Ở đó người ta sống theo luật lệ quốc tế…

Anh có tin rằng, ý tưởng đó sẽ trở thành hiện thực?

Tôi biết là rất khó khăn. Nó động chạm đến rất nhiều vấn đề, không chỉ vấn đề kinh tế mà còn chủ quyền, an ninh v.v… Nhưng đó là mong ước của tôi. Thành công hay không, tôi không dám chắc!

Có vẻ là một dự án không tưởng, thậm chí như anh nói là… điên rồ!

Tôi nghĩ rằng trên thế giới này, nếu không có những người dám mơ ước làm những việc động trời, dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, liệu thế giới có những biến đổi to lớn không? Những kỳ quan mà đời để lại cho chúng ta hôm nay có lẽ đều bắt nguồn từ những ý tuởng táo bạo và điên rồ!

Và anh muốn để lại một cái gì đó cho đời!

Chả phải tôi, mà nhiều người… "Làm trai sống ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông" như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói. Nhưng con người cũng rất dễ rơi vào cái bả hư danh…

Đúng vậy! Khi người ta đã nhận ra thói hư danh, liệu người ta có còn mắc vào vòng danh lợi?!

Dương Kỳ Anh