Chủ Nhật, tháng 1 09, 2011

Hiểu dòng chảy thế giới để định vị tầm nhìn Việt Nam

Vebimo, 7-1-2011 | Cùng trong cuộc trò chuyện đầu năm với VEF, cả ông chủ cà phê Trung Nguyên danh tiếng lẫn Viện trưởng Viện Kinh tế VN đều trăn trở với việc định vị một tầm nhìn dài hạn của đất nước.

Năm 2011: Xoay chuyển một trò chơi?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, nhìn về năm 2011, chúng ta có những cảm nhận gì, dự cảm gì về kinh tế Việt Nam? Xin phép được hỏi ông Đặng Lê Nguyên Vũ trước. Là doanh nhân, ông có suy nghĩ như thế nào?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Nhìn tương lai thì tôi cũng nghĩ cần ngó lại quá khứ một chút, nhất là quá khứ gần. Một năm qua, rõ ràng chúng ta đã chứng kiến nhiều điều. Thành tựu thì tôi không nói, nhưng mà những thách thức chúng ta đang có, nào là lạm phát, thâm hụt, cán cân thương mại, mậu dịch… Một loạt vấn đề, có thể nói nếu nhìn tổng thể thì hiện nay Việt Nam mới đang đi vào khủng hoảng, chứ không phải là đã thoát ra như một số người lạc quan. Tôi thì không có cái lạc quan đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm nhận của một nhà doanh nghiệp đang đối mặt trực tiếp với vấn đề của kinh tế của thị trường, của cạnh tranh thì có một chút ưu tư, chút lo lắng. Còn với ông Trần Đình Thiên, một nhà kinh tế, cố vấn của VEF, một vị khách mời trực tuyến quen thuộc của bạn đọc VietNamNet. Đầu năm ông có dự cảm gì?


TS. Trần Đình Thiên:
Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải nhìn năm 2011 như một thời điểm đúc kết 4 năm sau khi chúng ta gia nhập WTO. Nhìn như thế, chúng ta thấy rằng, thời gian vừa qua là thời gian thử thách hội nhập, nhập cuộc thật sự. Các bạn sẽ thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra. Nền kinh tế tăng trưởng rất khó khăn. Bất ổn vĩ mô tăng lên.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đầu tiên chúng ta phải định vị được Việt Nam như thế nào, phát triển theo xu hướng và những dòng chảy gì. Nhận diện được tất cả những cái thách thức cũng như cơ hội của quốc tế, từ hội nhập đem tới.
Mặc dù chúng ta vẫn nói là cơ hội rất nhiều. Tất nhiên, thế giới cũng biến động ghê gớm và cũng tác động vào chúng ta rất mạnh. Đặc biệt theo chiều hướng tiêu cực. Rõ ràng, năng lực, bản lĩnh hội nhập của chúng ta cần phải được xem lại một cách rất căn bản. Và nếu nhìn trên cách tiếp cận như thế thì tôi nghĩ rằng 2011 đúng là năm bản lề theo nghĩa xoay chuyển một trò chơi, một cách phát triển.

Theo đó, 2011 là năm khởi đầu cho kế hoạch 5 năm mới, chiến lược 10 năm mới. Thực sự, chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng, phải thay đổi cách điều hành, cách quản trị phát triển. Và phải tăng cường được năng lực tầm nhìn. Đấy là cái cơ hội. Còn nhìn ngắn hạn, trực tiếp, tôi rất đồng ý với ông Vũ.

Có lẽ 2011 vẫn là năm khá khó khăn cho nền kinh tế. Bởi vì những cơ sở cho ổn định vĩ mô hiện nay chúng ta phải tái lập lại. Nếu chúng ta kiên trì được với mục tiêu ưu tiên đó thì 2011 sẽ là năm tốt lành. Nếu chúng ta vẫn loạng choạng giữa khát vọng tăng trưởng cao với mục tiêu ổn định, không rõ trong lập trường, không quyết chí trong việc tạo nên nền tảng dài hạn thì 2011 thực sự là năm khó khăn.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông thì có cách nào để tái lập sự ổn định vĩ mô và cũng như thông điệp của Thủ tướng đầu năm đưa ra là mong muốn ổn định vĩ mô. Nhưng dường như, sức ép của xã hội phải có thành tích, không có thành tích không được. Phải có 7 – 8% tăng trưởng. Tăng trưởng thấp thì xã hội nhìn như là bức tranh tiêu cực hơn, nào là kinh tế có bị tụt hay không, rồi không đưa ra được sự đồng thuận lớn trong xã hội như vậy thì chúng ta có làm được hay không.

Ở đây tôi lo ngại rằng, cũng từ góc nhìn quan sát thì dường như lãnh đạo đất nước chúng ta cũng bị sức ép của những luồng dư luận khác nhau. Không tạo ra sự quyết đoán, thẳng thắn mạch lạc đi thẳng vào vấn đề, kiểu như đá phạt đền thẳng vào một cửa có phải như vậy không?


Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:
Câu chuyện ở đây lại quay về vấn đề bản lĩnh lãnh đạo. Thực tế mà nói thì chúng ta biết rằng cái gì dài hạn thì không thể đến nhanh được. Bản lĩnh của người lãnh đạo là nhiệm vụ đầu tiên, theo tôi, cần phải truyền thông cho mọi người biết những quan điểm về sự phát triển dài hạn, nền móng của phát triển dài hạn.

Lúc nãy mình có nói về hội nhập, bây giờ chúng ta cần nhận diện lại những động lực của bên trong và bên ngoài của hội nhập. Những dòng chảy của hội nhập. Nhận diện được những mối nguy thực sự và những cơ hội thực sự. Điều này theo tôi là đã tới lúc. Hôm nay, sau 4 năm hội nhập, chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng để tính toán dài hạn.

Nói một cách khác, có những công trình vĩ đại không thể thiết kế trong ngắn hạn, mà cần phải có một cái nhìn xuyên thời gian. Cái đó thực sự không phải ai cũng hiểu được. Nhưng mình cũng đừng trách những người ở dưới gây áp lực. Ở bên dưới, họ có nhu cầu của họ nhưng cũng cần giải thích, đối thoại, phải truyền thông.

Cố gắng thực hiện thông điệp… năm ngoái

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy theo ông, năm 2011 này phải làm những điều gì? Cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng như thế nào để bảo đảm được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tạo nền tảng bền vững tỏng tương lai trong giai đoạn mới của Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên:
Tôi nghĩ, năm 2011, chúng ta cố gắng thực hiện các những điều mà Thủ tướng đã đưa ra thông điệp đầu năm ngoái chứ không phải thông điệp mới hôm qua. Thông điệp hôm qua cũng quan trọng, nhưng tôi cho rằng năm ngoái quan trọng hơn. Thông điệp đầu tiên là tập trung cho ổn định vĩ mô. Hai là tái cấu trúc.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Đó là hai vấn đề cơ bản. Tất nhiên, chúng ta phải thiết kế cả một cái việc sau việc đấy chứ không phải chỉ có như vậy. Theo tôi, chúng ta cứ tập trung vào hai việc đó thì nó lập tức đưa chúng ta đến những câu chuyện rất dài hạn đề ổn định vĩ mô ở Việt Nam chứ không phải đơn thuần chỉ là chống lạm phát.

Ổn định là cấu trúc phải rất vững. Khái niệm như thế buộc chúng ta phải xem lại toàn bộ cấu trúc để đưa ra cách chơi. Từ đầu tư công, từ phát triển hạ tầng như thế nào, phát triển nguồn nhân lực như thế nào. Rồi câu chuyện xóa đói giảm nghèo, là đầu tư dựa vào vốn để cho những người chỉ có sức lao động không hưởng lợi, đấy là ổn định vĩ mô. Chúng ta nhìn cục diện như thế, thì việc từ tiếp cận đến phát triển sẽ dễ dàng hơn.

Tái cấu trúc cũng như vậy. Năm 2010 tuy buồn nhưng lại rất vui, bởi nó đặt ra vấn đề các tập đoàn nhà nước phải tái cấu trúc. Đấy là điểm then chốt để mà tái cấu trúc. Chúng ta vẫn nói cuối năm trên nhiều diễn đàn, các nhà kinh tế đưa ra ý kiến, ý kiến đó không mới. Vì không mới cho nên nó vẫn còn có rất nhiều nghĩa. Đấy là phối hợp chính sách vĩ mô. Hiện nay đấy là khâu yếu trong quản trị phát triển của Việt Nam.

Giữa các bộ ngành chưa có sự phối hợp nên không hiệu quả. Mỗi một bộ ngành như một chính phủ thì không thể phát triển được. Hoặc là việc phân cấp trung ương với địa phương. Địa phương được trao khá nhiều quyền nhưng trách nhiệm, năng lực trong nhiều trường hợp không tương xứng, cho nên quy hoạch chung bị phá vỡ.

Nếu đẩy xa hơn nữa, tôi cho rằng, đến bây giờ có lẽ tôi và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhiều lần trao đổi về việc phải định hướng một mô hình mới thay cho mô hình tăng trưởng cũ như thế nào, chứ nếu không chúng ta chỉ bàn bỏ cái cũ đi mà không biết cái mới là cái gì thì không được.

Tôi nghĩ rằng, cái mà năm 2011 khởi động cho sự ổn định dài hạn là như vậy. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề dài hạn thì muôn đời chúng ta cứ phải ứng biến với những cái ngắn hạn. Và cái kiểu như thế sẽ tổn hao sức lực, không bao giờ chúng ta có thể đạt được mục tiêu mặc dù là mục tiêu nhỏ của mình.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Về chuyện tái cấu trúc, tôi muốn hỏi ông Đặng Lê Nguyên Vũ là: Ai phải làm và bắt tay từ đâu? Trách nhiệm cần quy rõ ràng, chứ bây giờ ai cũng nói tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ:
Thực ra, tái cấu trúc tập đoàn nhà nước cũng chỉ là một nội dung rất nhỏ trong cả vấn đề, cuộc chơi sắp tới. Như lúc nãy tôi có nói, thực sự, đầu tiên chúng ta phải định vị được Việt Nam như thế nào, phát triển theo xu hướng và những dòng chảy gì. Nhận diện được tất cả những cái thách thức cũng như cơ hội của quốc tế, từ hội nhập đem tới. Tôi thiết tha mong các cấp cao nhất, viện nghiên cứu cao nhất hãy suy nghĩ về vấn đề này. Đây mới là vấn đề then chốt cho cuộc chơi của Việt Nam trong dài hạn.

Còn nếu không, xin nói rằng đâu cũng là vấn đề hết. Hiện tại mình nói là, định vị một tầm nhìn, phóng ra một tầm nhìn của Việt Nam, sau đó quy hoạch cho tầm nhìn này. Mình biết phân bổ nguồn lực ở đâu, như thế nào, liên thông như thế nào, lấy ở đâu, như thế nào. Kể cả quốc gia, kể cả vấn đề thị trường, ở đây mình chưa có cái nhìn đó. Tôi cho rằng, cái tâm thế chủ động trong cuộc chơi này chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc chuẩn bị ở đâu đó mà tôi không được biết.

Như tôi nói, mình không thể ổn định được với ý chí riêng của mình được. Tại vì cái liên thông của mình với thế giới bây giờ rất lớn, khó có thể kiểm soát được. Ví dụ như mặt trận tiền tệ, tài chính thôi, chúng ta liệu có kiểm soát được không? Ổn định thế nào được khi cuộc chơi không phải quyết định từ các ngân hàng nhà nước hoặc các cơ quan chính quyền đến từ Việt Nam của mình.

Chúng ta không thể làm được chuyện đó. Kể cả những nguồn đầu tư, cũng phải được tính toán. Theo tôi, chúng ta phải quy hoạch lại những nhóm ngành. Có 3 nhóm ngành, ta phải phân biệt rạch ròi.

Một là nhóm ngành cơ bản: giống như vấn đề tài chính tiền tệ, phải xem xét lại ở góc độ như thế nào. Chúng ta cần xem lại những vấn đề vật liệu, vấn đề xây dựng, vấn đề năng lượng cũ, năng lượng mới… kể cả vấn đề về công nghiệp quốc phòng. Mình cũng phải xử lý ở mức độ nào đó để mình tính.

Nhóm thứ 2 đó là nhóm nền tảng. Tôi cho nhóm này có thể là nhóm động năng, vừa là động lực vừa là trang bị năng lực cho tầm nhìn định vị. Cái này cũng rất quan trọng như y tế, giáo dục và vấn đề về bản sắc, vấn đề về văn hóa. Cái này phải đặt ra trong bối cảnh mới.

Nhóm thứ 3 đó là nhóm mình có thể tính toán lại được, đó là nhóm có thể đi chinh phục, mũi nhọn, lợi thế của quốc gia mình. Cái này mình phải đặt ra hết sức rõ ràng. Định vị xong thì quy hoạch trên tầm nhìn đó. Có cân nhắc, hiểu mình, biết người. Biết người ở đây là biết toàn bộ thế giới, những dòng chảy, những xu hướng.

Nếu như chúng ta không nhận thức rõ, đầy đủ những yếu tố tác động đến mình, thì theo tôi, năm 2011 vẫn cứ phải chống với chèo, và chúng ta tiếp tục lún sâu vào những việc như vậy. Điều đó rất đáng tiếc.

TS. Trần Đình Thiên:
Đó là cái mà xưa nay vẫn hay nói đến. Đó là thời thế. Phải làm cho rõ cái thời và cái thế. Thế là định vị. Tôi rất đồng ý là, mình bây giờ đã nhập cuộc vào với thế giới rồi thì phải xem thế giới này nó đang như thế nào và nó sẽ như thế nào. Chúng ta biết rằng cuộc khủng hoảng vừa rồi trăm năm mới có một. Nó đặt ra rất nhiều chuyện. Những xu hướng, những dòng nguồn lực, những thay đổi đảo phách liên tục. Nhưng xu hướng ổn định chủ đạo vẫn rất rõ ràng.

Bây giờ ta có nhập cuộc vào được không. Cái thế của ta như thế nào trong chuyện đó. Phải bàn và trên cái nền ấy ta được một cách chơi tổng thể. Từ cách chơi đó, bắt đầu ngược lại trong 5 năm tới ta phải giải quyết được việc gì. Trong năm 2011 ta giải quyết được việc gì.

Tất nhiên nói như thế cực kỳ khẩn trương để biết rằng tình thế của chúng ta đang ở cái nút như vậy. Nhưng về logic, tôi đồng ý là phải theo cách như vậy. Nếu không, năng lực của chúng ta rất có hạn mà cứ chạy theo những cái ngắn hạn mà không dành cho những ưu tiên cơ bản dài hạn, thì toàn bộ kết quả đạt được cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Trong cái dòng chảy lớn của loài người, chúng ta không thể nhập cuộc được.

Bởi vì tôi quan niệm rằng, hiện nay thế giới đang chuyển sang thời đại khác, nếu chúng ta vẫn tư duy theo cái thời đại như cũ thì không được. Phải hiểu cho thật sâu sắc về chuyện đó mới được. Khủng hoảng trăm năm có một, nó làm xoay chuyển. Bản chất của sự xoay chuyển đó là gì. Việt Nam như thế nào? Tôi cho rằng đó là một cơ hội rất lớn. Nếu mình nhìn cơ hội đó mà không ra cơ hội thì chắc chắn nó chỉ toàn là thách thức.

Ta mới chỉ so sánh với chính mình


Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Rõ ràng chúng ta nói đến mô hình tăng trưởng bền vững, mô hình tăng trưởng mới. Suy cho cùng cũng là để chuẩn bị cho giai đoạn mới, gọi là thời thế mới như anh Vũ nói thì quay trở lại với góc nhìn, cách làm mới trong tư duy phát triển. Vậy mô hình tăng trưởng mới vững bắt đầu từ đâu, đó là cái gì. Góc độ nhìn từ Trung Nguyên, từ những suy nghĩ thực tiễn của ông.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Chúng tôi có một nhóm khoảng 30 người tranh cãi rất dữ dội về vấn đề này. Chẳng hạn như về sức dân, để trang bị cho họ những nền tảng như lúc nãy tôi nói để chuẩn bị cho cuộc chơi với thiên hạ, đua với Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc chẳng hạn, thì rõ ràng chúng ta chưa có, kể cả về hạ tầng cứng lẫn mềm. Điều này mình phải tính toán lại để trang bị năng lực cạnh tranh cho đất nước. Trong đó cũng có những thành phần kinh tế giống như tôi. Thì đó là lực lượng tiên phong mới. Điều đó phải được đặt ra.

Việc thứ hai rõ ràng là mình mở cửa ra với thế giới, nhưng chiến lược của mở cửa như thế nào. Ở đây đặt ra câu chuyện chúng ta có chọn lọc hay không? Chọn lọc đối tác, chọn lọc lĩnh vực. Tại vì, nếu không định vị rõ ràng cái năng lực cốt lõi của quốc gia mình là gì, mạnh yếu trong từng thời khắc, kể cả những xu thế, kể cả những lực cạnh tranh, từ gần đến xa, thì rõ ràng lựa chọn này đôi khi mặc nhiên.

Đến và ta đợi, ta thu và thậm chí ta dung nạp những cái đối tác, dung nạp các lĩnh vực lẽ ra chúng ta không nên. Chúng ta không làm rõ thì điều đó là mặc nhiên. Nguồn lực quốc gia có hạn thôi, nguồn nhân lực, tài nguyên, thị trường cũng có hạn. Nếu không thận trọng, không có nguyên tắc cho vấn đề mở cửa trên cơ sở chọn lọc rất nghiêm túc này, thì rõ ràng chúng ta sẽ có những thách thức và đôi khi chọn nhầm những nguồn lực mà đằng sau đó là động cơ, động lực khác nữa và sẽ bị thao túng.

Theo tôi, phải đánh giá lại, phải hiểu mình, năng lực lõi quốc gia mình là cái vốn hữu hình. Cái gì chúng ta mạnh nhất, giỏi nhất, có thể cạnh tranh trên toàn cầu hay nhất. 2011 là năm cần suy nghĩ về những điều đó.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy theo ông, cái gì mạnh nhất, giỏi nhất?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Thực tế, chúng ta có một số lĩnh vực mũi nhọn. Tôi nghĩ, nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là trí tuệ và nó phải được quy hoạch trở lại theo đúng như ban nãy chúng ta có nói để sử dụng cho trúng. Đó là điểm thứ nhất tôi đề nghị, ngắn cũng như dài, phải đặt trọng tâm vấn đề này. Việt Nam thành công hay không thành công trong hội nhập, vị thế có cao hay thấp trong chính trường và thương trường thế giới cũng nằm ở quy hoạch đúng nguồn lực này.

Thứ hai là Việt Nam mạnh về nông nghiệp. Cần có một chiến lược nông nghiệp ở mức độ toàn cầu. Từ bối cảnh đất nước hiện nay chúng ta thấy, an ninh lương thực càng ngày càng trầm trọng, dân số quá đông trong khi biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn rất nhiều. Vậy đây có phải là thế mạnh, là năng lực lõi của VN hay không?


TS. Trần Đình Thiên:
Năm 2010 tuy buồn nhưng lại rất vui, bởi nó đặt ra vấn đề các tập đoàn nhà nước phải tái cấu trúc. Đấy là điểm then chốt để mà tái cấu trúc

Nền nông nghiệp của chúng ta mấy ngàn năm nhưng phải quy hoạch lại, phải hiện đại hóa, thương hiệu hóa, xanh hóa, sạch hóa để tạo giá trị từ chuỗi đầu đến chuỗi cuối, và phải nhìn nông nghiệp là có thể làm giàu được chứ không phải là lo an ninh thuần túy. Có quan niệm như thế sẽ kéo theo một loạt đầu tư khác. Như tôi nói, đó cũng là ngọn cờ ngoại giao, ngọn cờ nhân văn.

Thế mạnh nữa tôi cho là công nghiệp du lịch của Việt Nam phải được làm mới, có chiến lược mới với biển cả, với hệ sinh thái, ẩm thực. Toàn bộ phải đóng gói lại, trình bày lại, điều đó sẽ đem lại nhiều nguồn lợi cho Việt Nam. Như đảo Phú Quốc, hay Hạ Long, nếu chúng ta nhìn ở hướng phải xử lý lại, định vị lại, tôn tạo lại toàn bộ những sản phẩm mà các nơi này mang lại, thì có thể gặt hái thêm rất nhiều chứ không phải như bây giờ. Và kể cả vấn đề y học dân tộc, nó phải gói trong khái niệm về dinh dưỡng mới v.v… Những điều này cần phải được quy hoạch lại, không thể mặc nhiên, thiếu tầm nhìn và ăn xổi, khai thác tận cùng, thậm chí tàn phá như hiện tại.

Điểm mạnh thứ ba là kinh tế biển. Với một xứ sở bờ biển dài như thế này thì những vấn đề trọng yếu chúng ta khai thác như thế nào. Hiện nay chúng ta nhìn vào vấn đề dầu khí, giao thông vận tải. Nhưng riêng vấn đề dầu khí, các nhà khoa học đã thống kê rồi, biển nào giàu nhất cũng chỉ có 6-7% thôi. Còn đủ thứ vấn đề trên bờ, dưới biển, lồng biển rồi vấn đề năng lượng, hóa học, y học, thực phẩm, du lịch… liên quan đến nó. Với một lãnh hải như vậy, mình nói có chiến lược, có kế hoạch rồi nhưng cần được cụ thể hóa ra, có bước đi, hành trình cụ thể.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đó là những điểm anh nghĩ là điểm mạnh đúng không? Thế còn anh Thiên – nhà kinh tế có phản biện gì về những ý tưởng của một doanh nhân không?

TS. Trần Đình Thiên: Cái này không hẳn là một phản biện mà là một chia sẻ. Tôi nghĩ, Việt Nam hiện nay vẫn cứ đo lường bản thân mình với chính mình. Mặc dù đã gia nhập toàn cầu hóa, chúng ta vẫn chưa quen đo lường mình với chuẩn mực thế giới. Nhưng nếu không theo chuẩn mực thế giới thì thang bậc phấn đấu sẽ không ổn.

Hiện nay có một lợi thế đối với Việt Nam đi liền với bất lợi, đó là chi phí điều chỉnh để thay đổi của Việt Nam rất ít, vì chúng ta chưa phát triển nhiều. Còn nếu đã có một hệ thống xi măng sắt thép kềnh càng rồi thì ta sẽ không muốn điều chỉnh, không thể điều chỉnh được. Đây chính là một cơ hội để chúng ta bắt nhịp vào một quỹ đạo phát triển mà tôi cho rằng là loài người đang vươn tới. Dĩ nhiên điều này rất khó, đang ở một vị thế thấp như vậy mà muốn vươn lên. Đó chính là cơ hội mà chúng ta phải tư duy rất kỹ về điều này.

Cho nên chọn những lĩnh vực nào để làm thì tôi đồng ý với anh Vũ những tuyến như vậy. Nhưng linh hồn của lựa chọn như thế là phải đẳng cấp cao, có thể là chưa phải ngay lập tức, nhưng tư tưởng, định hướng, định vị cho tương lai là phải dứt khoát theo cái đó, chứ không thể thỏa hiệp được. Ví dụ du lịch cũng phải du lịch cao cấp, nước ta không đủ nguồn tài nguyên để làm du lịch kiểu đại trà. (VEF, 7-1)

Không có nhận xét nào: