Thứ Năm, tháng 1 13, 2011

Anh Hoàng Minh Châu trong talkshow Người đương thời

Năm 2006, talkshow Người đương thời (VTV1) mời anh Hoàng Minh Châu - khi đó là Phó TGĐ FPT làm nhân vật khách mời. Văn hóa công sở của FPT với những "bí mật" như "Sếp tốt là sếp đi chơi khi nhân viên đi làm", "Trong cuộc họp, người nói to nhất không phải là sếp" v.v.. được anh Châu chia sẻ public đã tạo ra tranh luận nhiều chiều. FLI Blog xin chia sẻ lại video này.



Năm 2006, talkshow Người đương thời (VTV1) mời anh Hoàng Minh Châu - khi đó là Phó TGĐ FPT làm nhân vật khách mời.
Văn hóa công sở của FPT với những "bí mật" như "Sếp tốt là sếp đi chơi khi nhân viên đi làm", "Trong cuộc họp, người nói to nhất không phải là sếp" v.v.. được anh Châu chia sẻ public đã tạo ra tranh luận nhiều chiều.

Một số ý kiến của khán giả truyền hình sau chương trình:

Đưa ra ý kiến câu hỏi
Trong buổi giao lưu với chú Châu, chị Loan đã hỏi : "Tình yêu đất nước có liên quan gì đến công việc của nhân viên ở văn phòng"
Em nghĩ câu trả lời đó là : "Tại sao những Việt Kiều lại về quê làm việc, bỏ qua những công việc ở nước ngoài với mức lương cao chót vót mà bao nhiêu người hàng mơ ước. Đó là tình yêu đất nước, và họ về làm việc cho những doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đưa những doanh nghiệp Việt đi lên, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam
Còn các bạn trẻ Việt Nam nếu có lòng yêu nước, đang làm việc tại các công ty, văn phòng của doanh nghiệp trong nước hay Việt Nam thì cố gắng hơn trong học tập, sáng tạo tuân thủ luật pháp Việt Nam, giới thiệu với bạn bè các nước về vẻ đẹp của Việt Nam, ngăn ngừa, phát hiện, tố cáo những hành vi sai trái ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, trật tự, an toàn của xã hội, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam ta
Đó là mối liên kết giữa lòng yêu nước và việc thể hiện nó trong công việc ở văn phòng công sở".

Lòng yêu nước

Kính chào anh Châu.
Với riêng tôi, buổi phỏng vấn anh là chương trình Người đương thời hay nhất mà tôi được xem từ trước đến nay (cho dù tôi không được xem đủ các chương trình kể từ ngày phát sóng). Và điều hay nhất nó nằm ở câu cuối cùng của anh: Lòng yêu nước. Một doanh nhân nói về lòng yêu nước thì nó thật và cụ thể hơn các chính trị gia hoặc thầy cô giao nói về điều đó nhiều lắm. Vậy anh hãy sử dụng vốn sống của mình để giúp mọi người ý thức được điều đó anh à.
Chúc anh mọi điều tốt lành nhất.
Đỗ Khôi Nguyên
Tôi nghi ngờ về các phát biểu của ông Hoàng Minh Châu
Xem chương trình người đương thời với nhân vật chính là ông Hoàng Minh Châu, tôi thấy dù là đài truyền hình muốn nhìn nhận xã hội với nhiều góc nhìn khác nhau nhưng không nên đưa một mô hình mà tôi cảm thấy rất bất ổn (tuy là trong giai đoạn vừa rồi họ có những thành công nhất định - nhưng nó không phải là tất cả). Hoặc là ông ta hoạt ngôn, hoặc là ông ta dối trá. Tôi không tin là trong một doanh nghiệp, theo như ông ta nói là ông ta và các đồng sự của mình rất " dân chủ", rất " cấu thị"; những nhân viên vẫn thường xuyên dùng hình của sếp trong phòng làm việc để làm các hành vi "dân chủ"; và tôi không tin là doanh nghiệp tôn trọng các hành vi đập phá như thế lại có thể phát triển bền vững. Tôi cho là chúng ta không nên truyền bá một tư tưởng, một cách sống vôỷ luật như thế trong một giai đoạn chúng ta đang cần xây dựng một xã hội có nên nếp, trên ra trên, dưới ra dưới.
Đừng làm cho người xem truyền hình bị mất phương hướng khi xây dựng một nốt mô hình điển hình là trong một doanh nghiệp "người đập bàn, người nói to" là các nhân viên còn các sếp làm....
Tôi không tin trong doanh nghiệp của ông ta là như thế, đây chỉ là một sự hoạt ngôn, một sự giảo biện, một sự dân chủ hình thức mà thôi. Tôi còn có cảm nhận nhiều về buổi truyền hình do, nhưng tôi rất tâm đắc với từ "lâu" của chỉ Bịch Loan. Văn hóa kinh doanh Nhật, Mỹ và các nước tiên tiến khác có như là văn hóa của doanh nghiệp ông ta đâu, đâu có cái kiểu lãnh đạo không ra lãnh đạo, trên không ra trên, dưới không ra dưới như của FPT như ông ta đã miêu tả. Liệu FPT (như ông ta miêu tả) có phải là một mô hình chúng ta cần nhân rộng, cần quảng bá không? Tôi nghi ngờ điều đó!!!!
--------------

Đích thân anh Châu sau đó đã có 1 bài viết trên trang Nguoiduongthoi.com.vn để giải thích kỹ hơn về văn hóa công sở, quan hệ sếp - nhân viên của FPT.

Ông Hoàng Minh Châu – Phó chủ tịch HĐQT công ty FPT trả lời khán giả.
16/11/2006

Hôm nay tôi mới vào website Nguoiduongthoi, có dịp đọc tất cả các ý kiến khen chê. Do không có thời gian trả lời từng người một, tôi xin được sử dụng diễn đàn này để nói lời cám ơn VTV1 cũng như khán giả chương trình Người đương thời đã quan tâm đến những vấn đề đặt ra trong buổi đối thoại vừa qua.

Tôi xin chân thành cám ơn các anh chị đã chia sẻ và ủng hộ quan niệm quản lý của FPT. Điều này giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc tiếp tục duy trì phong cách quản lý của mình, vì toàn bộ Ban Lãnh đạo FPT vốn không phải là những người tốt nghiệp các trường quản lý chính quy, trường học quản lý duy nhất mà chúng tôi trải qua là "vừa làm vừa học từ thực tiễn".

Tôi xin chân thành cám ơn nhưng ý kiến phản biện rất sâu sắc của nhiều anh chị. Chính những ý kiến này đã gợi ý cho chúng tôi rất rõ ràng hướng khắc phục những tồn tại để phát triển.

Nói về "Môi trường dân chủ trong công việc" - đây là cái chúng tôi tôn thờ và cố gắng duy trì. Chúng tôi hiểu, khi một người liên tục thành công thì anh ta rất dễ nghĩ rằng mình tài ba lỗi lạc, chẳng cần nghe ai nữa. Và sự độc tài bắt đầu xuất hiện. FPT cũng không phải ngoại lệ. Vì thế, để có được môi trường dân chủ trong công việc đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên đấu tranh chống các biểu hiện độc tài.

Nói về "Sếp đi chơi trong khi nhân viên đi làm" là tôi muốn nhấn mạnh công việc của một người lãnh đạo phải khác công việc của một nhân viên, chứ không phải là thấy nhân viên đang quét nhà mà mình có thời gian rỗi là xắn tay vào cùng quét cho nhanh. Nếu một người lãnh đạo cũng khuân vác hay cày cuốc suốt ngày như một nhân viên cấp thấp thì không nên làm lãnh đạo. Lãnh đạo có thể đi chơi golf, có thể đi giao du... nhưng phải tạo ra công ăn việc làm cho nhân việc, tạo ra cơ hôi phát triển cho tổ chức của mình. Trên thực tế, lãnh đạo FPT làm việc không ít hơn lãnh đạo của bất cứ tổ chức nào khác ở Việt Nam.

Có thể tôi đã diễn đạt không tốt để mọi người hiểu là cá nhân tôi tự ty dân tộc. Tôi luôn tin rằng, một dân tộc có thể đánh thắng những Đế Quốc lớn nhất thế giới, dân tộc đó không cần phải khuất phục trước bất cứ thế lực nào. Nhưng hai khái niệm "Một dân tộc không khuất phục" và "Một dân tộc được kính nể" không hoàn toàn trùng khít nhau. Cho dù chúng ta kiên cường đến đâu, nhưng nếu Đất nước vẫn nghèo, nhân dân vẫn khổ thì sẽ không có sự kính nể thực sự của thế giới (xã giao thì không nói làm gì).

Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ từ thực tiễn của FPT. Khi bắt đầu tiến hành tiếp thị thị trường Nhật Bản cho gia công xuất khẩu phần mềm, chúng tôi luôn thuyết phục họ là "người Việt Nam thông minh, cần cù, được đào tạo tốt...". Kết quả nhận được sau nhiều tháng nỗ lực bằng... không. Việc tự quảng cáo "mình hay mình giỏi" thực sự không gây cho họ bất cứ một sự xúc động nào. Sau đó chúng tôi tìm cách tiếp cận khác. Chúng tôi nói với họ rằng, rất nhiều thứ chúng tôi chưa biết, nhưng nếu được đào tạo thì kỹ sư của chúng tôi có khả năng tiếp thu rất nhanh. Chúng tôi sẵn sàng làm thử miễn phí một số dự án nhỏ. Và lập tức họ tin. Họ giao việc. Từ việc nhỏ đến việc lớn... Sau này, rất nhiều khách hàng Nhật bày tỏ sự ngạc nhiên vì sự tiến bộ rất nhanh của các kỹ sư Việt Nam.

Nếu chúng ta tự nhận là mình thông minh thì ai còn muốn giúp đỡ đào tạo chúng ta nữa. Nhưng nếu chúng ta thực sự có khả năng, làm tốt các công việc, thì lo gì không có người khen. Khi tôi nói với một anh bạn quốc tế (anh này rất khâm phục người Việt Nam) là "chúng tao chưa có giải thưởng Nobel khoa học nào", thì anh ta không hề chê là dân tộc mày không thông minh mà lại nói rằng giải Nobel không phải là tất cả và cũng có thể trong tương lai không xa có nhiều người Việt Nam trong số anh ta quen biết sẽ đoạt giải này.

Trong 18 năm qua, Công ty FPT đã làm được một số việc, đạt được một số thành công. Từ một nhóm nhỏ cán bộ khoa học đã hình thành một Tập đoàn CNTT với hơn 6000 nhân viên, doanh số hàng chục ngàn tỷ đồng Việt Nam. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, FPT chưa phải là niềm tự hào của người Việt Nam. Nếu đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghệ có vị trí trong khu vực và thế giới, thì FPT ngày hôm nay mới ở chặng đầu tiên của cuộc hành trình vô cùng khó khăn gian khổ. "Sản phẩm công nghệ của riêng FPT" chỉ là một trong rất nhiều thứ quan trọng mà chúng tôi chưa có và cần phải xây dựng. Và sự phát triển của một công ty hàng đầu quốc gia chỉ có ý nghĩa khi nó gắn kết với sự phát triển của Đất Nước của Dân tộc. Khi ra nước ngoài - toàn cầu hóa - chúng tôi không còn là công ty FPT đơn thuần mà là "Công ty công nghệ đến từ Việt Nam".

Và khẩu hiệu mà chúng tôi thích nói đến nhất ngày hôm nay chính là "Vươn lên Việt Nam", "Tự hào Việt Nam".

Một lần nữa xin cám ơn các anh chị đã quan tâm.

Hoàng Minh Châu

Phó Chủ tich FPT
Xem thêm văn hoá của FPT (văm hoá Sờ ti cô)

Không có nhận xét nào: